Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ hiện đang đàm phán sẽ nghiên cứu, thúc đẩy phúc lợi và giảm tỷ lệ thất nghiệp trong cả nền kinh tế Mỹ và EU, cũng như ở các nước khác. Bên cạnh đó, TTIP có thể giúp khôi phục niềm tin ở châu Âu và cộng đồng xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, vẫn có một rào cản lớn để hiện thực hóa những lợi ích này - đó chính là vấn đề đồng euro.
Vấn đề đồng tiền chung châu Âu này bắt nguồn từ việc thao túng tiền tệ. Trong ba thập kỷ qua, Mỹ trên thực tế đã không quá khắt khe với việc thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại châu Á lớn. Tuy nhiên, Mỹ không thể chấp nhận hành vi như vậy trong khu vực thương mại tự do. Điều này thể hiện qua phản ứng của Quốc hội Mỹ với đa số các nhà lập pháp của cả hai đảng kiên quyết cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận tự do thương mại giữa Mỹ và 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, một nước cũng giảm giá đồng yen của mình trong mấy năm qua - nên bao gồm các quy định ngăn cản việc thao túng tiền tệ. Một điều khoản có chế tài về hoạt động thao túng tiền tệ hiện đang được tranh luận gay gắt trong Quốc hội Mỹ và chắc chắn sẽ như là một "cuộc đảo chính lớn" trong thỏa thuận thương mại toàn cầu.
Sự mất cân bằng nội bộ của Eurozone có khả năng tiếp tục tồn tại với đồng tiền chung bị định giá thấp và thặng dư tài khoản vãng lai lớn. |
Những cuộc bàn thảo về thao túng tiền tệ lâu nay đã tập trung vào Trung Quốc, quốc gia không cùng đàm phán TPP, nhưng có thể tham gia TPP hoặc một thỏa thuận tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, nền kinh tế có thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất hiện nay lại không phải là Trung Quốc mà là khu vực châu Âu. Thực tế cho thấy con số hơn 300 tỷ USD thặng dư tài khoản vãng lai của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong năm 2014 đã lớn hơn khoảng 50% so với thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc.
Một vấn đề nan giải cho ECB là đồng euro vẫn còn quá mạnh đối với các nước phía Nam, trong khi lại quá yếu với Đức. Nhưng nếu để đồng tiền chung tăng giá nhằm giảm bớt thặng dư tài khoản vãng lai thì cũng sẽ làm trầm trọng thêm những yếu kém về mặt kinh tế ở các nước phía Nam. Hậu quả của điều này sẽ lại tăng cường hơn nữa các phong trào chính trị dân túy, chống lại chính sách khắc khổ của châu Âu.
Trong ngắn hạn, sự mất cân bằng nội bộ của Eurozone có khả năng tiếp tục tồn tại với đồng tiền chung bị định giá thấp và thặng dư tài khoản vãng lai lớn. Chắc chắn người ta có thể lập luận rằng miễn là ECB không can thiệp trực tiếp thông qua việc mua các tài sản định giá bằng ngoại tệ, khu vực Eurozone không bị coi là một kẻ thao túng tiền tệ. Nhưng do bản chất mục đích của hành động của ECB - chưa kể đến vị trí hàng đầu của Eurozone trong nền kinh tế toàn cầu - lập luận này có lẽ sẽ không giữ được lâu.
Bản chất cốt lõi của thao túng tiền tệ là bất kỳ sự can thiệp cố ý nào mang lại kết quả cho một đồng tiền định giá thấp và thặng dư tài khoản vãng lai lớn - chính xác là những gì mà ECB đang làm. Nếu ECB duy trì chính sách này trong một thời gian dài, căng thẳng với Mỹ là không thể tránh khỏi. Sự căng thẳng này có thể gây cản trở Quốc hội Mỹ thông qua TTIP.
Điều này cũng đi ngược lại với quan điểm phổ biến khi hình thành Eurozone rằng châu Âu cần có một đồng tiền chung duy nhất để cạnh tranh với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Trên thực tế, nếu các quốc gia thành viên Eurozone giữ (hoặc khôi phục) đồng tiền quốc gia, họ có thể giải quyết sự mất cân bằng khá dễ dàng mà không tạo ra mức thặng dư tài khoản vãng lai tổng thể lớn như vậy. Nhưng thay vào đó, họ lại có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh tiền tệ với các chủ thể kinh tế toàn cầu lớn, mất đi các đối tác và các đồng minh thương mại cần thiết do quá trình này.
Tố Uyên (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)