Xây căn cứ hải quân mới ở Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ nhắm mục đích gì

Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt với nguy cơ leo thang xung đột sau sự cố Eo biển Kerch, và căn cứ ở Trabzon là câu trả lời theo nghĩa Ankara đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đen.

Chú thích ảnh
Bản đồ khu vực dự kiến xây dựng căn cứ hải quân của Thổ Nhĩ Kỳ bên bờ Biển Đen.

Ngày 12/12, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi công xây dựng căn cứ hải quân tại cảng biển Chamburnu trên Biển Đen, thuộc tỉnh Trabzon, phía đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo kế hoạch, căn cứ hải quân Chamburnu ở Trabzon sẽ có diện tích khoảng 60.000 m2. Sau khi hoàn thành sẽ có 400 quân nhân và 200 chuyên gia dân sự tới làm việc tại nơi này.

Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã chia sẻ quan điểm của họ về lý do quyết định của Ankara khi xây dựng căn cứ hải quân mới ở Biển Đen và ảnh hưởng của nó đến sự cân bằng của các lực lượng trong khu vực.

Căn cứ thứ 9

Phó Chủ tịch Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Đảng Công lý và Phát triển (AKP), Salih Cora, lưu ý rằng Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện có tổng cộng 8 căn cứ ở bốn vùng biển quanh Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm: hai căn cứ hải quân ở Mersin và Iskenderun trên Biển Địa Trung Hải; Akzas và Focha trên Biển Aegean, Golcuk thuộc vùng Biển Marmara, Eregli trên Biển Đen, và 2 căn cứ còn lại ở Istanbul và Canakkale, thuộc eo biển Bosphorus.

Căn cứ hải quân thứ chín của Thổ Nhĩ Kỳ, được xây dựng tại khu vực quận Sürmene, tỉnh Trabzon ở cảng Çamburnu, sẽ cung cấp hậu cần cho các thành phần chính của hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ gồm: tàu khu trục, tàu ngầm và tàu vận tải quân sự.

Chú thích ảnh
Bản đồ căn cứ Chamburnu (chấm màu đỏ) trong tổng thể khu vực Biển
 

Do căn cứ Chamburnu chỉ nằm cách tỉnh Trabzon 40 km, vì thế nó có vị tri địa lý tuyệt vời để cung cấp đầy đủ hỗ trợ hậu cần cho Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, bên cạnh việc sở hữu cơ sở hạ tầng cần thiết.

Quận Sürmene từng nổi tiếng với xưởng đóng tàu nhộn nhịp. Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng mà ngành công nghiệp đóng tàu đang đối mặt trên khắp thế giới, những khu vực xưởng tàu này đã bị bỏ không. Do nhu cầu đảm bảo các yêu cầu của Hải quân nước này, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định sử dụng các khu vực này để thiết lập một căn cứ quân sự.

"Cần phải bổ sung vào các căn cứ hiện có của một căn cứ khác ở Biển Đen. Như đã biết, việc duy trì khả năng chiến đấu của lực lượng hải quân ở mức độ phù hợp đòi hỏi phải đầu tư rất lớn và lên kế hoạch chi tiết hơn. Nằm trong chương trình này, một dự án nhằm xây dựng một căn cứ quân sự, theo ý tưởng đã xuất hiện từ nhiều năm trước, sẽ được thực hiện ở Biển Đen", nghị sĩ Cora khẳng định.

Chú thích ảnh
Phó Đô đốc Adnal Ozbal thăm Chamburnu hồi tháng 7 để chọn địa điểm đặt căn cứ.

Trước nguy cơ leo thang căng thẳng ở Biển Đen

Bình luận về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng căn cứ hải quân mới, ông Andrei Boldyrev, nhà nghiên cứu cao cấp tại Khoa Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng: "Có thể có một số lý do. Đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục củng cố vị trí của mình ở khu vực Địa Trung Hải và Biển Đen. Hồi tháng 8, họ đã quyết định xây dựng một căn cứ ở phía bắc Síp (Cyprus). Do đó, căn cứ ở Trabzon là sự tiếp nối hợp lý. Thứ hai, có lẽ điều này đã được thúc đẩy bởi quyết định của NATO tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng quân sự để đối phó với sự cố Eo biển Kerch. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt với thực tế này và căn cứ ở khu vực Trabzon là câu trả lời theo nghĩa Ankara đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đen trước nguy cơ leo thang".

"Cuối cùng, có thể Ankara đã quyết định tận dụng tình hình ở khu vực Biển Đen và tạo thêm chỗ đứng. Đối với việc xây dựng căn cứ mới, người ta biết rằng Trabzon là một cảng truyền thống, có vị trí địa lý thuận tiện. Trong mọi trường hợp, Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện rằng họ chỉ đóng vai trò là một người quan sát 'tích cực' trong bối cảnh tình hình liên tục trầm trọng hơn ở Biển Đen. Căn cứ hải quân ở Trabzon, theo tôi, là một ví dụ về cách tiếp cận như vậy đối với tình hình", chuyên gia Boldyrev nhận xét.

Chú thích ảnh

Trong khi đó, theo Sputnik, Đô đốc Hạm đội đã nghỉ hưu, cựu Tổng tư lệnh Hải quân Nga (2005-2007) và Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga (2002-2005), Vladimir Masorin, đã chỉ ra rằng việc xây dựng một căn cứ hải quân mới ở Biển Đen chủ yếu nhằm đảm bảo an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

"Đây là chuyện nội bộ của họ. Đối với Nga, đây không phải là mối đe dọa. Họ cũng sợ rằng người Mỹ sẽ làm chủ ở Biển Đen ", ông Masorin nhấn mạnh.

Trong khi đó, Nghị sĩ Cora cho rằng: "Một trong những căn cứ của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen nằm gần cảng Bartın. Mục đích của dự án xây căn cứ ở Sürmene là tăng cường hơn nữa sức mạnh của Lực lượng Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và cung cấp cơ sở hạ tầng hậu cần. Tôi nhấn mạnh rằng không thể có câu hỏi về việc sử dụng các cảng hoặc căn cứ của chúng tôi vì lợi ích hoặc vì lợi ích của các quốc gia khác".

Thu Hằng/Báo Tin tức
Ukraine chưng hửng vì Mỹ không ‘hành động quân sự’ sau vụ Biển Đen
Ukraine chưng hửng vì Mỹ không ‘hành động quân sự’ sau vụ Biển Đen

Lầu Năm Góc ngày 6/11 khẳng định chính phủ Mỹ chưa bàn thảo bất kỳ phương án quân sự nào liên quan tới vụ đụng độ trên Biển Azov giữa Hải quân Nga và Hải quân Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN