Giấy kết hôn vừa được ký và lễ hội đám cưới đang diễn ra tưng bừng trong bầu không khí hạnh phúc. Nhưng ngay khi đông đảo người thân và hàng trăm bạn bè của đôi uyên ương có mặt trong hội trường cưới ở Kabul, thì một vị khách không mời mà đến cũng lặng lẽ len lên phía trước. Những gì đáng lẽ là khoảnh khắc đáng nhớ của lễ cưới trong tích tắc biến thành một thảm cảnh kinh hoàng, khi kẻ đánh bom kích nổ quả bom giấu trong người ngay trước ban nhạc đang chơi những điệu vui.
Các quan chức Afghanistan cho biết ít nhất 63 người đã thiệt mạng - cô dâu và chú rể may mắn sống sót - nhưng những người thân của họ cho rằng số người chết có thể còn cao hơn.
Những cái chết do bạo lực nhiều năm qua đã là chuyện xảy ra hàng ngày ở Kabul, nhưng cuộc tấn công hôm 18/8 vẫn gây sốc cho nhiều người bởi sự man rợ tuyệt đối của nó.
"Trước vụ nổ, chúng tôi rất hạnh phúc, tất cả gia đình, người thân và bạn bè của chúng tôi đều có mặt tại hội trường, chung vui đám cưới", Basir Jan, anh trai của chú rể, nói với CNN. "Khi vụ nổ xảy ra, tôi thấy la liệt thi thể người thân và bạn bè. Tám người bạn thân của tôi đã thiệt mạng trong vụ nổ. Đó là một cảnh tượng ám ảnh tôi".
Video hiện trường tang tóc của đám cưới bị đánh bom liều chết (Nguồn: StarTV):
Đó là một bi kịch xảy đến với nhiều gia đình ở Kabul. Nhưng thảm cảnh đó cũng lột tả một bối cảnh đẫm máu của cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra giữa Mỹ và Taliban, trong lúc những “kẻ không mời mà đến” IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) cũng đang có mặt và thúc đẩy một chiến lược bạo tàn.
Nhưng sao một nhóm khủng bố - ngay cả một nhóm tàn bạo như Nhà nước Hồi giáo - lại tấn công nhằm vào một đám cưới?
Chiến lược man rợ
Theo tờ Guardian, một lý do là IS không tin rằng sự kiềm chế (bạo lực) phục vụ cho mục đích của chúng. Khi sự tàn bạo đi đôi với sự bành trướng và cai trị của IS ở Iraq và Syria là điều đã rõ ràng, nhóm khủng bố này không nhắm tới mục tiêu giành được lòng trung thành của người dân mà chỉ nhằm cai trị sự sợ hãi và một vài kẻ chống phá quyền lực của chúng. Nhưng các chiến lược, ngay cả với những nhóm khủng bố như IS, sẽ không tiến triển mà không có bối cảnh tác động vào.
Đã có những thay đổi đáng kể trong tình hình chính trị ở Afghanistan những tháng gần đây. Tháng 7/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng thật vô lý khi quân đội Mỹ vẫn ở lại Afghanistan, đồng thời cho biết Washington đang tiến gần một thỏa thuận với Taliban, phong trào Hồi giáo bị lật đổ sau khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan thời kỳ hậu khủng bố 11/9/2001.
Thỏa thuận nói trên sẽ chứng kiến Mỹ rút 14.000 binh sĩ còn lại ở Afghanistan về nước để đổi lấy cam kết của Taliban về lệnh ngừng bắn và không hỗ trợ các hoạt động khủng bố quốc tế.
Việc cam kết như vậy có thể ít gây tốn kém cho Taliban hơn so với một số nhà phân tích nghĩ. Taliban luôn tuyên bố mục tiêu của họ chỉ đơn thuần là chủ nghĩa dân tộc, và không liên quan trực tiếp đến các cuộc tấn công quốc tế.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán riêng biệt chuẩn bị bắt đầu giữa Taliban và chính phủ Afghanistan (không có sự tham gia của Mỹ).
Tham vọng lãnh thổ mới
Về phần mình, IS đã gần như bị quét sạch khỏi tất cả vùng lãnh thổ rộng lớn mà chúng từng kiểm soát ở Iraq và Syria. Chính vì thế, quân khủng bố sẽ tìm cách gây ảnh hưởng ở bất cứ nơi nào khác mà chúng thiết lập sự hiện diện.
Trước hết, nhóm khủng bố này đang đổi mới tham vọng thiết lập các vùng lãnh thổ. Trong truyền thống pháp lý lịch sử Hồi giáo, nếu anh không có đất, anh không thể được công nhận là caliph (Vua Hồi giáo). Do vậy các khu vực mở rộng tiềm năng thay thế cho Iraq và Syria đã trở nên quan trọng hơn với IS, trong đó các vị trí thuận lợi nhất xuất hiện ở Tây Phi, Sahel và Afghanistan.
IS ở Afghanistan đã phát triển từ một số ít các chỉ huy cấp trung Taliban khoảng 5 năm trước lên tới 3.000 chiến binh hiện tại. Chúng chủ yếu tập trung gần biên giới với Pakistan.
Tư duy chiến lược của IS chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lời khuyên của các nhân vật tư tưởng thánh chiến chủ chốt, những người từ cách đây hơn một thập kỷ đã lập luận rằng những kẻ cực đoan cần phải thúc đẩy nội chiến, bất hòa và hỗn loạn. Tình trạng hỗn loạn đẫm máu sẽ cho phép bọn chúng có được sự ủng hộ và cuối cùng là quyền lực. Đây là lý do khiến IS ở Iraq từng biến các cuộc tấn công man rợ vào người Hồi giáo dòng Shia trở thành trọng tâm về quan điểm và chiến lược của chúng, nhằm mục đích đổ thêm lửa vào cuộc nội chiến.
Ở Afghanistan thì mục đích của IS hơi khác một chút. Một cuộc nội chiến đã diễn ra, và không cần phải kích động một cuộc chiến mới. Thay vào đó, cuộc tấn công vào đám cưới đã nhấn mạnh sự bất lực của Chính phủ Afghanistan trong việc bảo vệ công dân của chính họ, gây ra sự sợ hãi, tức giận và giúp đảm bảo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm ổn định đất nước đều không có kết quả gì.
Các nhà phân tích nhận định, chúng ta có thể sẽ còn chứng kiến xảy ra nhiều cuộc tấn công hơn, man rợ và gây sốc, nếu các cuộc đàm phán hòa bình tại Afghanistan đạt tiến triển hơn.
Cuộc tấn công cũng xảy ra vào thời điểm bước ngoặt quan trọng có thể mang lại lợi thế chiến lược cho IS, lực lượng đã chiến đấu khốc liệt với Taliban trong những năm gần đây khi những kẻ mới đến thách thức chính quyền và ý thức hệ của phong trào cũ. Hàng trăm, hàng ngàn người có thể đã chết trong cuộc chiến giữa các nhóm cực đoan đối thủ này.
Nếu Taliban ngừng chiến đấu với Mỹ và Chính phủ Afghanistan, IS sẽ nhắm đến việc đảm nhận vai trò là lực lượng đối lập chính ở nước này, tập hợp dưới cờ của chúng tất cả những kẻ bất lương và những kẻ từ chối bất kỳ thỏa thuận nào. Chúng cũng sẽ tìm cách thu hút sự ủng hộ của những người ủng hộ Taliban trước đây, cả trong và ngoài Afghanistan.
Những vụ đánh bom tàn khốc thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông quốc tế cũng là một cách để IS thể hiện khả năng và quyết tâm, cũng như phát đi cảnh báo rằng chúng sẵn sàng sử dụng bạo lực đẫm máu.
Phải thừa nhận rằng, ngay cả khi đàm phán hòa bình thành công thì cũng khó có thể chấm dứt cơn ác mộng bạo lực kéo dài ở Afghanistan. Chỉ một ngày sau thảm kịch đám cưới, 10 vụ đánh bom lại xảy ra tại thành phố miền Đông, Jalalabad. Hơn 30 người đã bị thương khi các nhà hàng và quảng trường trở thành mục tiêu đúng dịp đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập.
Tờ Guardian dẫn một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho biết có 3.812 thương vong dân sự ở Afghanistan trong sáu tháng đầu năm nay. Taliban gây ra 38% trong số này, trong khi IS gây ra 11%. Con số thương vong lớn nhất là do lực lượng chính phủ Afghanistan và các đồng minh của họ gây ra.
Trong cuộc cạnh tranh tàn khốc để giành quyền lực ở quốc gia Trung Á không may mắn này, những người không có vũ khí thường là nạn nhân.