Vụ nổ máy nhắn tin, bộ đàm: Israel đi từ ‘chiến tranh tâm lý’ đến ‘chiến tranh lớn’?

Học giả ở Beirut nhấn mạnh, loạt vụ nổ máy nhắn tin, bộ đàm ở Liban có thể là "mồi nhử" để dụ Hezbollah vào một cuộc "chiến tranh lớn".

Chú thích ảnh
Một xe máy bị hư hại sau loạt vụ nổ bộ đàm ở Baalbek, Liban ngày 18/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Hàng chục người thiệt mạng và gần 3.500 người bị thương trong loạt vụ nổ máy nhắn tin, bộ đàm và các thiết bị điện tử khác vào ngày 17 và 18/9, nhằm vào phong trào Hezbollah. Đài Sputnik đã phỏng vấn một học giả ở Beirut chính xác thì điều gì đã xảy ra và sẽ xảy ra tiếp theo.

Sau loạt vụ tấn công phá hoại làm rung chuyển Liban, nhà lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah đã mô tả đây là "hành động khủng bố, một vụ thảm sát, diệt chủng" của Israel và là một "lời tuyên chiến" sẽ đối mặt với "chỉ có sự trừng phạt."

“Chúng ta biết đối phương có ưu thế về công nghệ, đặc biệt được Mỹ và phương Tây hỗ trợ. Chúng ta sẽ trông vào Thánh chiến, sự tiêu hao. Chúng ta đã giành chiến thắng nhiều lần trước đây”, ông Nasrallah nói trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 19/9. Ông nói rằng kẻ thù đã cố gắng “phá hủy cơ cấu chỉ huy của Hezbollah và làm tổn thương các thủ lĩnh của tổ chức này cũng như gây hỗn loạn trong tổ chức của chúng ta” nhưng không thành công.

Ông Nasrallah cảnh báo rằng "mặt trận Liban sẽ không dừng lại cho đến khi hành động của Israel gây hấn ở Gaza kết thúc”. Người Israel sẽ “không thể trở về” nhà của họ ở miền bắc Israel chừng nào cuộc xâm lược ở Gaza vẫn tiếp tục, Nasrallah nói, đáp lại bình luận của Thủ tướng Netanyahu trước đó một ngày rằng Tel Avia sẽ “đưa cư dân phía bắc” trở về ngôi nhà an toàn của họ.

Ngoại trừ cố vấn của ông Netanyahu, người đã có ám chỉ về trách nhiệm của Israel đối với vụ tấn công phá hoại hàng loạt, giới chức Israel đã không công khai phủ nhận hay xác nhận sự liên quan đến vụ việc, trong khi truyền thông Israel và Mỹ dẫn lời các quan chức giấu tên hé lộ nhiều chi tiết về kế hoạch đằng sau các cuộc tấn công.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã bày tỏ lo ngại riêng rằng Israel có thể tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ vào miền nam Liban. Nhưng ngày 19/9, các nguồn tin nói với Jerusalem Post rằng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không có kế hoạch cho bất kỳ hoạt động mới lớn nào, chứ đừng nói đến một chiến dịch trên bộ.

Chú thích ảnh
Lính dù Israel trong một chiến dịch ở Dải Gaza. Ảnh: Sputnik 

"Chiến tranh tâm lý"

"Thiệt hại rất nặng nề. Chúng tôi không chỉ nói về thiệt hại vật chất”, nhà quan sát và nghiên cứu chính trị Yeghia Tashjian làm việc tại Beirut nói với Sputnik, so sánh sự hỗn loạn xảy ra sau các vụ nổ phối hợp hôm 17/9 với bầu không khí sau vụ nổ cảng Beirut ngày 4/8/2020.

Ông Tashjian, một điều phối viên các vấn đề quốc tế và khu vực tại Viện Chính sách công và Các vấn đề quốc tế của Đại học Beirut Issam Fares của Mỹ, nhấn mạnh, các cuộc tấn công bằng máy nhắn tin cấu thành hành động “khủng bố tâm lý và chiến tranh tâm lý mà Israel đang gây ra cho người dân Liban”.

"Có rất nhiều người bị thương, xe cứu thương, những vết thương máu me. Ngoài ra còn có trẻ em - và điều này rất đáng sợ, bởi vì đôi khi chúng ta thấy trên các phương tiện truyền thông như thể mục tiêu chỉ là các chiến binh Hezbollah. Không, còn có cả trẻ em nữa”, ông Tashjian quan sát nói và lưu ý rằng vụ tấn công xảy ra vào cuối buổi chiều, khi học sinh đang đi học về, đường phố và các cửa hàng đều chật cứng.

Ông nhấn mạnh, các cuộc tấn công liên tiếp bằng thiết bị điện tử “không chỉ giới hạn ở thủ đô” cũng như không giới hạn ở mục tiêu Hezbollah hoặc những người ủng hộ tổ chức này, mà tạo thành “một cuộc tấn công nhằm vào toàn bộ người dân Liban” ảnh hưởng đến người dân trên khắp đất nước.

Mở đầu cho một chiến dịch trên bộ?

“Giả định của tôi là dựa trên lịch sử các cuộc tấn công khủng bố mạng trên thế giới, thường là các quốc gia, khi họ định tấn công hoặc xâm lược một quốc gia khác, họ bắt đầu bằng các cuộc tấn công an ninh mạng nhằm gây thiệt hại về tâm lý, thiệt hại về cơ sở hạ tầng và sau đó họ tấn công bằng chiến tranh thông thường", nhà quan sát Tashjian cảnh báo.

Ông Tashjian nói rằng nỗ lực leo thang xung đột hợp lý đối với Thủ tướng Israel Netanyahu, người sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự nếu cuộc chiến ở Gaza bị dừng lại. “Để duy trì quyền lực, ông ấy phải tiếp tục và kéo dài cuộc chiến này, vì ông lo ngại vụ truy tố - đang có những rắc rối pháp lý chống lại ông ấy. Cộng đồng Israel không thực sự quan tâm đến chiến tranh. Họ chỉ đang đòi hỏi trả tự do cho con tin và đàm phán với Hamas. Vì thế có nhiều áp lực”.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Israel dùng vòi rồng giải tán những người biểu tình chặn đường cao tốc, phản đối kế hoạch của chính phủ Thủ tướng Netanyahu nhằm cải tổ hệ thống tư pháp, ngày 5/7/2023. Ảnh: Sputnik 

Hezbollah liệu có "cắn câu"?

Mô tả các cuộc tấn công trong tuần này là một nỗ lực khác của Tel Aviv nhằm dụ Hezbollah vào một "cuộc chiến lớn", nhà quan sát Tashjian cho biết ông hy vọng lực lượng dân quân Liban sẽ đáp trả theo cách phù hợp với chính sách "răn đe có tính toán" của họ, vì một cuộc chiến quy mô lớn với Israel sẽ đe dọa leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực không phải là lợi ích của Liban.

Đối với sự leo thang của Israel, ông Tashjian nói rằng trong khi nội các và nhóm an ninh vòng trong của ông Netanyahu có thể tìm cách "xúc tiến" và bắt đầu một cuộc tấn công trên bộ, "thời điểm không rõ ràng", và có thể phụ thuộc "vào áp lực từ cộng đồng quốc tế" và từ các cường quốc – Mỹ, Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu và cả một số chủ thể trong khu vực” - những bên mà theo ông nên “cố gắng hết sức để ít nhất là phối hợp trong vấn đề này” nhằm đạt được lệnh ngừng bắn để ngăn chặn leo thang.

“Nếu một sự leo thang lớn diễn ra và Israel quyết định tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ, chúng ta có thể chứng kiến ​​một hình thức chiến tranh khu vực khác. Đây sẽ là một cuộc chiến tranh thông thường rất khốc liệt”, mở rộng không chỉ qua miền nam Liban mà còn lan rộng ra xa các chiến trường ở Yemen và Iraq, ảnh hưởng đến an ninh thương mại và năng lượng, thậm chí cả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. "Và tất nhiên sẽ có nhiều thương vong hơn. Cơ sở hạ tầng sẽ bị phá hủy ở cả hai nước. Đây không phải là điều mà một số tổ chức quốc tế mong muốn”, chuyên gia Tashjian đánh giá.

"Viễn cảnh này không có lợi cho các nước vùng Vịnh... Công bằng mà nói, Iran cũng không muốn chiến tranh. Điều này được thể hiện rõ qua phản ứng có tính toán và đo lường của Iran đối với Israel. Nếu Iran muốn một cuộc chiến tranh khu vực, họ có thể đã leo thang và tấn công trực tiếp vào Israel vài tuần trước. Nhưng họ đang cố gắng chơi một trò chơi răn đe có giới hạn và có tính toán chống lại Israel”, nhà quan sát nhấn mạnh. Ông bình luận về nỗ lực kéo dài gần một năm của Tehran nhằm gây áp lực lên Tel Aviv và các đồng minh của nước này thông qua Trục Kháng chiến mà không bị cuốn vào một cuộc xung đột gần như có thể dẫn tới cuộc chiến rộng lớn, chắc chắn sẽ có sự tham gia của Mỹ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Liban cấm mang máy nhắn tin, bộ đàm lên máy bay
Liban cấm mang máy nhắn tin, bộ đàm lên máy bay

Chính quyền Liban ngày 19/9 thông báo cấm máy nhắn tin và bộ đàm trên các chuyến bay từ sân bay Beirut, sau khi hàng nghìn thiết bị này phát nổ trong cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào phong trào Hồi giáo Hezbollah xảy ra trong tuần này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN