Vũ khí Trung Quốc 'tấn công' toàn cầu

Việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, bao gồm cả các loại vũ khí công nghệ cao, với giá cả cạnh tranh, đang gây nhiều áp lực cho các công ty sản xuất vũ khí trên toàn cầu.

Nhiều năm qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dựa vào nguồn cung cấp tên lửa Patriot từ NATO, được lắp đặt bởi các công ty Mỹ là Raytheon và Lockheed Martin, để bảo vệ vùng trời và hệ thống này tương thích hoàn toàn với hệ thống phòng không triển khai bởi các thành viên khác của NATO.

Cách đây 2 năm, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa khiến nhiều nhà sản xuất vũ khí cạnh tranh hợp đồng béo bở này. Các đối thủ sản xuất vũ khí ở Nga và châu Âu đều chào hàng. Thổ Nhĩ Kỳ từ chối các hợp đồng này, không phải là lý do để dành cho các công công ty Mỹ. Sự lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước cho một công ty quốc phòng Trung Quốc ít được biết đến, Tập đoàn Xuất - Nhập khẩu máy móc chính xác Trung Quốc, đã gây bất ngờ cho các nhà công nghiệp quốc phòng ở Mỹ và châu Âu.

Hệ thống phòng thủ tên lửa HQ9 của Trung Quốc. Ảnh: rt.com


Điều đặc biệt không bình thường ở hợp đồng này là hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc, được biết đến với tên HQ-9, khó có thể tương thích với trang thiết bị hiện tại của NATO. Tập đoàn này của Trung Quốc cũng là đối tượng nằm trong lệnh cấm của Mỹ vì bán công nghệ mà Mỹ cho rằng có thể giúp Iran, Syria và CHDCND Triều Tiên phát triển các loại vũ khí hạt nhân. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phía Mỹ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về hợp đồng trên.

Các nhà sản xuất và chuyên gia nghiên cứu về buôn bán vũ khí cho biết Trung Quốc có thể vượt qua các đối thủ để đạt được hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ vì họ cắt giảm giá mạnh, đưa ra mức đề nghị cho cả hệ thống là 3 tỷ USD. Bởi vậy, sự lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ với nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc là bước đột phá với Trung Quốc, nước đang có tầm nhìn hướng tới chuỗi giá trị trong công nghệ quốc phòng và muốn trở thành một nhà cạnh tranh đáng tin cậy trên thị trường vũ khí toàn cầu.

“Có một thắng lợi nổi bật dành cho ngành sản xuất vũ khí Trung Quốc”, nhận xét của Pieter Wezeman, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, khi nói về hợp đồng bán vũ khí và chuyển giao công nghệ của Trung Quốc.

Trong quá khứ, các công ty Trung Quốc từng được biết đến chủ yếu là nhà cung cấp vũ khí nhỏ nhưng điều này đã thay đổi nhanh chóng. Từ máy bay không người lái tới tàu khu trục nhỏ rồi máy bay chiến đấu, các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh bán ra nước ngoài các vũ khí công nghệ cao hạng nặng, hầu hết cho các nước đang phát triển. Không chỉ các công ty Nga chịu áp lực lớn mà Mỹ và các công ty phương Tây khác cũng đang phải chạy đua với Trung Quốc.

“Trung Quốc sẽ cạnh tranh với chúng tôi trên rất nhiều, rất nhiều khu vực và trong cả lĩnh vực công nghệ cao”, Marwan Lahoud, người đứng đầu phòng chiến lược và marketing tại Công ty Hàng không Quốc phòng và Không gian châu Âu, một công ty lớn nhất châu Âu, cho biết. “Ngoài 100 đối tác chúng tôi đang có, chúng tôi có thể sẽ phải cạnh cạnh tranh với Trung Quốc và các đối thủ khác để dành hợp đồng từ 3 hoặc 4 đối tác khác. Họ có thể đáp ứng được mọi yêu cầu và họ đang đưa ra những đề nghị”.

Cạnh tranh giá cả, "dễ dãi" điều kiện


Viện nghiên cứu Stockholm đưa ra báo cáo trong năm nay về thị trường chuyển nhượng vũ khí toàn cầu và họ thấy rằng lượng xuất khẩu vũ khí thông thường của Trung Quốc, bao gồm máy báy trực thăng công nghệ cao, tên lửa, tàu chiến và pháo, đã tăng vọt lên 162% trong khoảng từ 2008 tới 2012 so với 5 năm trước đó. Pakistan là khách hàng hàng đầu. Viện nghiên cứu ước lượng Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 trên thế giới, vượt cả Anh. Trong giai đoạn 2003 đến 2007, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 8.

Bán vũ khí ra nước ngoài cũng giúp Trung Quốc thu về ngày càng nhiều USD. Theo như IHS Jane’s, một công ty tư vấn và phân tích công nghiệp, xuất khẩu Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 5 năm đạt 2,2 tỷ USD, vượt qua Canada và Thụy Điển và đưa Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 8 về mặt giá trị.

Tổng lượng vũ khí bán ra trên toàn cầu năm 2012 ước tính là khoảng 73,5 tỷ USD và Mỹ chiếm 39%, theo như IHS Jane’s.

Xu Guangyu, một thiếu tướng nghỉ hưu của Quân đội Trung Quốc và giám đốc Hiệp hội Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí Trung Quốc trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng việc các công ty Trung Quốc thúc đẩy phát triển và bán các vũ khí công nghệ cao là “hiện tượng rất bình thường”. “Trong sản xuất vũ khí, Trung Quốc cố gắng tăng chất lượng và giảm giá thành. Chúng tôi bị thúc ép bởi cạnh tranh”, Xu nói.

Ông Xu cho biết bên cạnh giá cả phải chăng, công ty Trung Quốc còn có những thuận lợi khác, “họ không đặt ra yêu cầu về vị thế của chính phủ các nước khác và không quan tâm tới chính sách nội bộ của họ”. Ông thêm vào: “Chính sách không can thiệp của chúng tôi được áp dụng ở đây. Bất kỳ ai đứng đầu chính phủ, bất kỳ vị thế ngoại giao như thế nào, chúng tôi đều có thể đàm phán bán vũ khí với họ”.

Quan chức Trung Quốc biết rằng sự xâm lấn của Trung Quốc với thị trường đang được châu Âu thống trị sẽ làm tăng lên các quan ngại. Khi được hỏi về việc bán hệ thống phòng thủ tên lửa cho Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “xuất khẩu quốc phòng Trung Quốc không gây hại tới hòa bình, an ninh và ổn định” và không “can thiệp vào vấn đề nội bộ của các quốc gia khách hàng”.

Những công ty sản xuất quốc phòng lớn nhất Trung Quốc, đều thuộc sở hữu nhà nước, đã từ chối phỏng vấn. Hệ thống cung cấp tài chính của họ không công khai, mặc dù có những thống kê trên các website của họ và trên các phương tiện truyền thông.

Tập đoàn Công nghiệp phương Bắc Trung Quốc (Norinco) công bố lợi nhuận năm 2012 là 9,81 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,6 tỷ USD), tăng 45% so với năm 2010. Tổng thu nhập của họ năm 2012 là 361,6 tỷ nhân dân tệ hay khoảng 59 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2010. Một công ty khác là Tập đoàn Công nghiệp phương Nam Trung Quốc (CSGC) thông báo trên trang web của họ rằng đã lợi nhuận khoảng 1 tỷ USD năm 2011 trên tổng mức thu là 45 tỷ USD. Cả hai công ty đều tăng trưởng mạnh so với năm 2008.

Đầu tư Trung Quốc đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực máy bay chiến đấu, gồm máy bay truyền thống và tàng hình, cũng như động cơ máy bay, dù rằng đây là lĩnh vực Trung Quốc vẫn còn phải phụ thuộc vào các đối tác phương Tây và Nga, theo như Guy Anderson, một chuyên gia phân tích cao cấp của IHS Jane’s ở London.

Anderson cho biết: “Trung Quốc đã ném hàng tỷ, hàng tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển. Họ cũng có một chiến lược sử dụng những thành quả đạt được từ các đối tác nước ngoài để thu lợi từ lĩnh vực công nghiệp. Vậy nên không có vấn đề gì khi thấy họ chạy đua với các đối thủ phương Tây trong trung hạn và tất nhiên cả dài hạn”.

Ông ước tính rằng Trung Quốc vẫn còn lạc hậu hàng thập kỷ trong việc đối đầu với phương Tây về công nghệ. Nhưng trang thiết bị của Trung Quốc giá rẻ hơn và có thể trở thành phổ biến ở thị trường mới nổi, bao gồm châu Phi và Mỹ Latinh.

Anderson cũng nói: “Chúng ta đang ở kỷ nguyên ‘đủ tốt’, để quyết định hợp đồng có thành công hay không thì vấn đề giá cả phải chăng chiếm 90%. Trong một vài trường hợp, điều này có nghĩa là mua trang thiết bị thương mại (không phải thiết bị dành cho quốc phòng), nâng cấp một chút và phủ lên lớp sơn màu kaki”.

Máy bay "made in China"

Các khách hàng mới của Trung Quốc bao gồm Argentina, năm 2011 đã ký hợp đồng với công ty Avicopter của Trung Quốc phát triển loại trực thăng nhẹ Z-11. Việc sản xuất hàng loạt cho quân đội Argentina bắt đầu vào năm nay và 40 máy bay đang được kỳ vọng sẽ được chuyển giao trong vài năm tới. Giá trị của hợp đồng không được tuyên bố công khai.

Các công ty bán máy bay không người lái, một điểm đáng chú ý trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, xuất hiện ở mọi triển lãm hàng không và quốc phòng. Tại một triển lãm hàng không ở Bắc Kinh vào cuối tháng 9, một công ty Trung Quốc là Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Vũ trụ đã giới thiệu máy bay do thám và chiến đấu không người lái CH-4, với 4 mẫu tên lửa đi kèm.

Mặc dù loại máy bay này được “thiết kế để xuất khẩu” nhưng vẫn chưa có khách hàng nước ngoài nào, một người đại diện công ty cho biết. Công ty vẫn đang phải xin chính phủ cấp giấy phép để được bán máy bay ra nước ngoài. Ông cho biết thêm rằng loại máy bay không người lái này chưa thể so sánh với loại của nước ngoài, máy bay có động cơ do nước ngoài sản xuất còn các bộ phận khác, bao gồm tên lửa, được phát triển ở Trung Quốc.

Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) đã trình diễn mẫu máy bay không người lái xuất khẩu nổi tiếng của Trung Quốc Wing Loong, với giá bán khoảng 1 triệu USD, thấp hơn một chút so với loại tương tự từ Mỹ và Israel. Một bài báo trên tờ Nhật báo Nhân dân cho biết giấy phép xuất khẩu cho máy bay Wing Loong hay còn gọi là Pterodactyl được thông qua từ năm tháng 6/2009 và lần đầu xuất khẩu vào năm 2011.

Máy bay không người lái Wing Loong. Ảnh: uavglobal.com


Tại Triển lãm hàng không Paris vào tháng 6, Ma Zhiping, chủ tịch Tập đoàn Xuất nhập khẩu Công nghệ hàng không Quốc gia Trung Quốc, nói với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng “có một số lượng kha khá các nước” đã mua Wing Loong, nó giống như máy bay Predator do Mỹ sản xuất. Ông cho biết khách hàng là các nước châu Á và châu Phi.

Hai máy bay chiến đấu do các công ty Trung Quốc sản xuất đang được giám sát chặt chẽ bởi các nhà phân tích công nghiệp và các công ty nước ngoài cho tiềm năng xuất khẩu. Một chiếc là Shenyang J-31, một loại máy bay mà quan chức Trung Quốc cho biết có thể tàng hình. Tờ Nhật báo Nhân dân đã phỏng vấn Zhang Zhaozhong, một thiếu tướng Hải quân Trung Quốc vào tháng trước, ông này cho biết J-31 được sản xuất bởi Shenyang, công ty con của AVIC, chủ yếu cho mục đích xuất khẩu. Vào tháng 3, kỹ sư trưởng thiết kế máy bay, Sun Cong cho Nhật báo Nhân dân biết rằng J-31 có thể trở thành thế hệ máy bay vận tải và chiến đấu chính của Trung Quốc.

Loại máy bay khác là JF-17, một loại máy bay ít phức tạp hơn mà theo một quan chức Mỹ thì nó được phát triển trong khoảng 2 thập kỷ trong một dự án “không liên tục”. JF-17 có vẻ như là một sản phẩm nghiên cứu chung giữa công ty Liên hợp Hàng không Pakistan và Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Chengdu Trung Quốc, một công ty con của AVIC, nhưng thực sự Trung Quốc mới là bên thực hiện, theo như một quan chức giấu tên cho biết. Cho tới nay chỉ có Pakistan là khách hàng của loại máy bay này và quan chức này tin rằng Pakistan đã đưa ra một “quyết định chính trị” khi mua máy bay.

Trung Quốc là đồng minh lớn nhất của Pakistan và cả hai bên dựa vào nhau để đối phó với Ấn Độ. Bên cạnh máy bay JF-17, hai nước đã có thỏa thuận chung về việc chế tạo tàu khu trục nhỏ, xe tăng chiến đấu và máy bay loại nhỏ.

Một quan chức quốc phòng từ Nhật Bản cũng cho biết việc máy bay Trung Quốc sử dụng phụ tùng của các nước khác có thể gây ra tổn hại cho thương mại quốc tế, đáng chú ý nhất là Trung Quốc không thể sản xuất loại động cơ đáng tin cậy và hệ thống điều khiển máy bay JF-17 đang sử dụng động cơ do Nga sản xuất.

“Tôi tin rằng họ có thể chế tạo ra một vài động cơ hoạt động tốt trong phòng thí nghiệm nhưng họ không thể sản xuất trong nhà máy theo phương pháp sản xuất hàng loạt bởi vì thiếu sự kiểm soát về chất lượng và kinh nghiệm”, ông cho biết.

Ông cho biết thêm các kỹ sư Trung Quốc đã cố gắng thử phát triển một loại động cơ có tên gọi WS-10, một bản sao của Nga, nhưng loại động cơ này vẫn còn nhiều vấn đề.

Điều thường thấy là các khách hàng khắc phục những yếu kém trong sản phẩm do Trung Quốc sản xuất bằng cách mua các phụ tùng tốt hơn từ các nước phương Tây về thay thế. Algeria đã đặt mua 3 tàu hộ tống từ Trung Quốc nhưng trang bị cho những tàu này radar và thiết bị liên lạc từ công ty Thales Nederland, một công ty con của tập đoàn Thales có trụ sở ở Pháp. Thái Lan cũng vừa ký kết thành công hợp đồng với tập đoàn Saad có trụ sở ở Thụy Điển, để nâng cấp tàu khu trục do Trung Quốc sản xuất.

Trong năm nay, một công ty Trung Quốc đã cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, bao gồm một công ty Mỹ, để giành hợp đồng 1 tỷ USD sản xuất tàu khu trục cho Thái Lan, nhưng cuối cùng hợp đồng lại rơi vào tay công ty Daewoo của Hàn Quốc.

Hakan Buskhe, giám đốc điều hành tập đoàn Saab cho biết, trong khi Trung Quốc hướng tới bắt kịp các nhà sản xuất ở phương Tây, không chỉ cạnh tranh về giá mà còn về công nghệ thì công ty của ông và các công ty khác bị nhiều áp lực trong việc phải cắt bỏ chi phí cho những nghiên cứu và phát triển để hạ thấp giá, một xu hướng có lợi chính phủ cho Mỹ và châu Âu trong việc buộc phải cắt giảm chi phí cho chi tiêu quốc phòng. Ông cho biết: “Chúng tôi cần phải có khả năng phát triển nhiều hơn với kinh phí ít hơn”.


Trường Giang (theo NY Times)
Tập đoàn Mỹ thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí
Tập đoàn Mỹ thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí

Các tập đoàn chế tạo vũ khí Mỹ Raytheon và Lockheed Martin đang tìm cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ở nước này, trong bối cảnh Ankara đang xem xét từ bỏ hợp đồng mua vũ khí trị giá 3,4 tỷ USD với Trung Quốc.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN