Chính quyền Obama đã sử dụng "vũ khí dầu mỏ" như là một công cụ chính trong chính sách đối ngoại của mình, một cách mới để tiến hành cuộc chiến tranh với các quốc gia mà Mỹ coi là đối địch mà không dựa vào máy bay chiến đấu, tên lửa và quân đội.
Trước đây, các nước sản xuất dầu mỏ Arập đã sử dụng "vũ khí dầu" để ngăn chặn Mỹ hỗ trợ Israel bằng cách cắt đứt dòng chảy của dầu khí. Ví dụ đáng nhớ nhất của việc này là lệnh cấm vận xuất khẩu dầu sang Mỹ được áp đặt bởi các nước Arập là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong cuộc chiến tranh Arập-Israel năm 1973, gây ra tình trạng khan hiếm, xếp hàng dài tại các trạm xăng ở Mỹ và một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Một nhà máy lọc dầu ở Syria được cho là mục tiêu của các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu. |
Sau khi bị tổn thương lớn từ lệnh cấm vận đó, Washington đã thực hiện một số bước để ngăn chặn việc tái sử dụng công cụ này. Chúng bao gồm các biện pháp như tăng sản xuất dầu trong nước và thiết lập một thỏa thuận hỗ trợ lẫn nhau được giám sát bởi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mà các nước tham gia có nghĩa vụ chia sẻ dầu của họ với bất kỳ thành viên nào phải chịu lệnh cấm vận.
Hiện nay, Mỹ chủ yếu sử dụng loại vũ khí tương tự, đó là biện pháp trừng phạt thương mại và các phương tiện khác để kiềm chế xuất khẩu của các quốc gia sản xuất dầu mỏ mà Washington coi là thù địch. Chính quyền Obama đã thực hiện cách tiếp cận này cho dù nó đặt ra nguy cơ làm suy giảm nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Khi được sử dụng lần đầu tiên, vũ khí dầu được dự định để khai thác sự phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông của thế giới công nghiệp. Tuy nhiên, theo thời gian, những nước sản xuất dầu lại ngày càng phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu. Washington hiện đang tìm cách khai thác điều này bằng cách từ chối có chọn lọc sự tiếp cận các thị trường dầu thế giới, thông qua biện pháp trừng phạt hoặc sử dụng vũ lực, và do đó tước quyền hạn của các cường quốc sản xuất dầu đối địch.
Ví dụ ấn tượng nhất về điều này diễn ra vào ngày 23/9 vừa qua, khi máy bay Mỹ đánh bom những nhà máy lọc dầu và cơ sở khai thác dầu ở các khu vực khác nhau tại Syria do lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát. Tất nhiên, IS-một phong trào Hồi giáo cực đoan -không phải là một nhà sản xuất dầu mỏ lớn, nhưng tổ chức này đã kiểm soát các mỏ dầu và nhà máy lọc dầu, từng được điều hành bởi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở miền đông Syria. Doanh thu từ các cơ sở này, được cho là khoảng 1-2 triệu USD/ngày, đang được IS sử dụng phần lớn cho chi phí hoạt động. Điều này giúp IS có đủ tiền để tài trợ cho việc tuyển dụng thêm tân binh và hỗ trợ cho hàng nghìn tay súng nước ngoài, ngay cả khi duy trì các hoạt động chiến đấu cường độ cao.
Những thương nhân ở thị trường chợ đen tại Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng đang trợ giúp IS trong nỗ lực này bằng cách mua dầu thô với giá thấp và bán theo giá thị trường toàn cầu, ở mức khoảng 90 USD mỗi thùng. Trớ trêu thay, mạng lưới xuất khẩu bí mật này đã được thành lập vào những năm 90 của thế kỷ 20 bởi chế độ Saddam Hussein nhằm tránh lệnh trừng phạt đối với Iraq.
Cột khói bốc lên sau cuộc không kích do Mỹ đứng đầu nhằm vào IS tại Syria. |
IS đã cho thấy sự chuyên nghiệp trong việc khai thác các giếng dầu dưới sự kiểm soát của chúng, thậm chí còn bán dầu cho đại lý của các lực lượng đối lập, bao gồm cả chế độ Tổng thống Assad. Để ngăn chặn dòng chảy này, Washington đã đưa ra cái được gọi là một chiến dịch không kích dài hạn nhằm vào các cơ sở hạ tầng có liên quan trong lĩnh vực dầu mỏ. Thông qua ném bom, Tổng thống Obama rõ ràng hy vọng sẽ cắt giảm kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ của IS và do đó làm giảm khả năng chiến đấu của chúng. Nhà lãnh đạo Mỹ đã tuyên bố khi thông báo về chiến dịch ném bom rằng, những cuộc không kích nhằm "loại bỏ các mục tiêu của những kẻ khủng bố” và “cắt đứt nguồn tài chính của IS”.
Còn quá sớm để đánh giá tác động của các cuộc không kích đối với khả năng của IS trong việc khai thác và bán dầu. Bởi vì IS chỉ sản xuất được khoảng 80.000 thùng dầu mỗi ngày (khoảng 1/1000 lượng dầu tiêu thụ trên toàn thế giới/ngày), nên các cuộc không kích, nếu thành công, có thể cũng sẽ không có bất kỳ tác động đáng kể nào đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn ngày càng thừa thãi, một phần vì hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ - một "Saudi Arabia mới".
Tuy nhiên, chính quyền Obama vẫn sử dụng "vũ khí dầu" đối với hai nhà sản xuất hàng đầu thế giới: Iran và Nga. Những nỗ lực này, bao gồm lệnh cấm vận và trừng phạt thương mại, có thể gây tác động lớn đối với sản lượng dầu thế giới, phản ánh niềm tin của Nhà Trắng rằng, Mỹ sẽ làm bất cứ điều gì để theo đuổi những lợi ích chiến lược của mình.
Công Thuận (còn tiếp)
Kỳ 2: 'Gây chiến' với Iran