Vị thế địa chính trị mới của Nga ở Biển Đen - Kỳ cuối: Thay đổi cán cân quyền lực

Kết quả của cuộc khủng hoảng Crimea đã có tác động tiêu cực đối với Ukraine. Crimea là cửa ngõ để Ukraine đến Biển Đen và là nơi có căn cứ hải quân quan trọng của nước này ở Sevastopol và Vịnh Donuzlav. Nhưng giờ đây điều này không còn nữa. Cho đến nay, Hải quân Ukraine tạm thời mất một số tàu chiến của mình sau cuộc khủng hoảng Crimea (Nga đã trao trả 13 trong số 70 tàu chiến các loại của Ukraine ở Crimea) và hiện chỉ có một tàu Hetman Sahaydachniy có khả năng chiến đấu đầy đủ.


Mất các căn cứ hải quân ở Crimea đã biến Odessa thành nơi thay thế chủ yếu, duy nhất của hải quân Ukraine và khiến cho hoạt động của lực lượng này của Kiev bị đảo lộn. Tuy nhiên, căn cứ hải quân thay thế này vẫn nằm trong tầm bắn của các hệ thống tên lửa triển khai ở Crimea và dựa vào vị trí địa chính trị của nó, việc phong tỏa Odessa sẽ là tương đối dễ dàng đối với Nga.
 

Tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel Alrosa1 của Hạm đội Biển Đen.


Những tác động với Thổ Nhĩ Kỳ


Sự sáp nhập của Crimea đã thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực một cách đáng kể và có thể dẫn tới một thỏa thuận địa chính trị lưỡng cực giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ở mức độ nào đó, nó giống như trật tự khu vực này ở thế kỷ 18, 19. Từ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng Crimea có thể là khá tiêu cực bởi vì việc đối mặt với một sự hiện diện mạnh mẽ và quyết đoán hơn của Nga trong khu vực Biển Đen dẫn đến việc vị thế của Ankara sẽ bị suy giảm tương đối so với Moskva. Việc mở rộng sự hiện diện quân sự mới của Nga có khả năng sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào thế phòng thủ nhiều hơn tại Biển Đen.


Ankara đã thường xuyên bày tỏ lo ngại về những hành động của Nga trong khu vực trong những năm gần đây. Tuy nhiên, với sự kiện sáp nhập Crimea, nước này tránh đặt ra những thách thức trực tiếp với Mosckva. Đây có thể được xem như là một kết quả trong chính sách đối ngoại "không có vấn đề với các nước láng giềng" của Thổ Nhĩ Kỳ.


Ngoài ra, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua đã có một sự gia tăng đáng kể trong quan hệ thương mại và kinh tế cùng với việc Ankara phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng của Moskva. Cả hai nước cũng nhận ra sức mạnh và vị trí của nhau trong khu vực, đồng thời hiểu rằng một cuộc đối đầu trực tiếp sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, có khả năng gây bất ổn lan rộng một cách nghiêm trọng tới tất cả các khu vực Biển Đen, Trung Đông, Caucasus và Trung Á.


Sự cân bằng quyền lực mới cũng nhấn mạnh vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ là một đối thủ duy nhất có khả năng mở rộng và đặt ra thách thức với Nga trong khu vực. Điều này làm tăng tầm quan trọng của Ankara trên trường quốc tế và nâng cao vị thế hơn nữa cho quốc gia này như một sự thay thế cho Moskva đối với các nước nhỏ hơn. Vì vậy, cuộc khủng hoảng Crimea cũng tạo ra cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc khu vực. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phụ thuộc đáng kể vào sự lựa chọn trong chính sách của Mỹ và mức độ mà Washington sẽ quyết định hỗ trợ trực tiếp cho Ankara.


Tăng cường sự hiện diện của Mỹ

Tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen thực hành bắn tên lửa.


Cuộc khủng hoảng Ukraine cho thấy một tín hiệu rõ ràng rằng Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Ngoài những chuyến thăm thường xuyên hơn của các tàu chiến tới Biển Đen, Washington có thể sẽ mở rộng các hình thức hỗ trợ khác cho các đồng minh NATO. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh mạnh nhất khu vực, nhưng rất có thể Romani sẽ trở thành lựa chọn được hỗ trợ từ Mỹ nhiều hơn. Nói chung, Romani có khả năng củng cố vị thế của mình, do sự suy giảm của Ukraine, một quốc gia có sức mạnh đứng thứ 3 trong khu vực, sau Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.


Từ quan điểm của Mỹ, Romani có một số lợi thế chiến lược. Nước này ít phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong số các quốc gia ven biển. Romani cũng có lịch sử ít gần gũi với Moskva hơn so với nhiều quốc gia vùng Balkan khác (ví dụ như Bulgaria, Serbia hoặc Hy Lạp). Ngoài ra, nước này cũng cho phép Mỹ có thể tiếp cận đối với một số khu vực quan trọng ở phía đông nam châu Âu vì nằm trong vùng tiếp giáp trực tiếp với khu vực Balkan, Ukraine và Biển Đen.


Vị trí thuận tiện của Romani có thể được sử dụng như một trung tâm hậu cần để phục vụ quân đội Mỹ trên đường tới Trung Đông hoặc Trung Á. Quốc gia này cũng đã tiếp nhận các nhân viên quân sự Mỹ, chủ yếu là tại căn cứ không quân Mihail Kogălniceanu. Tất cả những yếu tố này làm cho Romani trở thành một ứng cử viên sáng giá là vùng đệm để hạn chế sự mở rộng tiềm năng của Nga trong tương lai.


Tóm lại, một loạt sự kiện diễn ra do cuộc khủng hoảng Ukraine đã dẫn đến sự thay đổi đáng kể trật tự địa chiến lược trong khu vực Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ phải đối mặt với sự hiện diện ngày càng tăng của Nga và sẽ khiến nước này triển khai thêm nguồn lực tới mạn sườn biên giới phía bắc của mình để duy trì thế phòng thủ ở Biển Đen. Trong khi Nga, sau hơn 20 năm, đã và đang khôi phục lại vị thế và sự hiện diện đáng kể trong khu vực. Có thể Moskva vẫn chưa đạt được mức độ và tầm ảnh hưởng như thời Liên Xô, nhưng cũng đã ngang bằng với vị thế của họ trong thế kỷ 19.



Công Thuận
(N.E.E)
Vị thế địa chính trị mới của Nga ở Biển Đen - Kỳ 1: Mỹ sợ trục lưỡng quyền Nga -Thổ
Vị thế địa chính trị mới của Nga ở Biển Đen - Kỳ 1: Mỹ sợ trục lưỡng quyền Nga -Thổ

Việc sáp nhập Crimea vào Nga đã tác động đến vị thế địa chiến lược ở Biển Đen, đặc biệt là đến Thổ Nhĩ Kỳ và Romani với sự can dự ngày càng tăng của Mỹ. Tuy nhiên, Washington có thể "thích" ủng hộ Romani hơn Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tránh tạo ra một trục lưỡng quyền địa chính trị Nga - Thổ tiềm năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN