Kinh tế suy thoái, tỉ lệ ủng hộ vẫn cao
Một câu hỏi đặt ra từ nhiều tháng nay, trong bối cảnh suy thoái do đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp 2 con số và sự phục hồi dường như chậm chạp, đó là: Tại sao Tổng thống Trump tiếp tục ghi điểm cao hơn trong các vấn đề kinh tế khi so sánh với những người tiền nhiệm Barack Obama, George W. Bush và George HW Bush ở thời điểm họ tái tranh cử?
Sức mạnh đáng kể của ông Trump về kinh tế và việc liệu đối thủ Joe Biden có thể cắt giảm được nó trong 10 tuần tới hay không, là một trong những động lực quan trọng tại các bang chiến địa ở vùng Vành đai Gỉ sét và Vành đai Mặt trời (Sun Belt), những nơi được trông chờ sẽ quyết định cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Nhiều tiểu bang tại đây đã phải vật lộn suốt mùa Hè này khi tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 tăng, còn việc làm, tiền lương và tiền tiết kiệm thì bốc hơi nhanh chóng. Đây là những thời điểm khó khăn, mà lịch sử thường cho thấy sẽ là mối đe dọa đối với bất kỳ vị tổng thống đương nhiệm nào đang tìm cách tái tranh cử.
Tuy nhiên dữ liệu thăm dò và các cuộc phỏng vấn cử tri cũng như giới phân tích chính trị lại cho thấy nhiều yếu tố đang nâng cao vị thế của ông Trump về kinh tế - vấn đề vẫn là trọng tâm của ông trong nhiệm kỳ 2, cũng là chủ đề chính của Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa đang diễn ra tuần này.
Lý do "thương hiệu kinh tế Trump" đứng vững
Theo lý giải của tờ New York Times, ông Trump đã xây dựng được một thương hiệu kinh tế bền vững trong lòng các cử tri bảo thủ, đặc biệt những người vẫn coi ông là một doanh nhân thành đạt, một nhà đàm phán cứng rắn. Nhiều cử tri trong số đó ca ngợi năng lực quản lý kinh tế của ông trước khi đại dịch bùng phát, và họ không đổ lỗi cho ông về những thiệt hại mà nó gây ra. Trong các cuộc phỏng vấn, một số cử tri đã lấy dẫn chứng về mức tăng kỷ lục của thị trường chứng khoán như một bằng chứng về sự phục hồi dưới thời Tổng thống Trump.
Ông Dale Georgeff, 58 tuổi, sống ở Cedarburg, bang Wisconsin, một người ủng hộ Tổng thống Trump cho biết: “Ông ấy đã gặp thất bại - tôi cũng vậy - trong kinh doanh. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất là ông ấy coi đất nước này như một doanh nghiệp và ông ấy điều hành nó như một doanh nghiệp”.
David Winton, chiến lược gia và nhà thăm dò dư luận của đảng Cộng hòa, nói rằng tỉ lệ ủng hộ ông Trump đã được củng cố bởi nền kinh tế có thêm 9 triệu việc làm trong tháng 5, tháng 6 và tháng 7/2020, sau khi mất hơn 20 triệu trong tháng 3 và tháng 4. Sự ủng hộ dành cho Tổng thống Mỹ đương nhiệm về nền kinh tế “nhìn chung vẫn tích cực và tốt hơn sự ủng hộ tổng thể với công việc của ông,” ông Winton nói. “Điều này chắc chắn đã được hỗ trợ bởi ba báo cáo việc làm hàng tháng vừa qua bất chấp những lệnh hạn chế tiếp tục ngăn cản nhiều doanh nghiệp hoạt động”.
Thăm dò dư luận cho thấy những nhóm người Mỹ là cơ sở cử tri của ông Trump ít có khả năng mất việc làm hoặc thu nhập hơn các cử tri đảng Dân chủ hoặc cử tri độc lập. Sự khác biệt đó một phần do vấn đề chủng tộc, khi cuộc khủng hoảng COVID-19 gây tác động nhiều hơn tới cử tri da màu và Mỹ Latinh, vốn thiên về ủng hộ đảng Dân chủ hơn.
Ngoài ra, hiện tượng này có thể còn do sự phân chia khu vực: Các chủ doanh nghiệp nhỏ ở các bang nhỏ, vùng nông thôn, vốn ủng hộ ông Trump hồi năm 2016, được cho là ít thiệt hại vì dịch hơn những chủ doanh nghiệp lớn ở các “bang xanh” (ủng hộ phe Dân chủ)- theo phân tích của tổ chức Economic Innovation Group.
Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là Tổng thống Trump đang gặt hái những lợi ích từ sự phân cực cực đoan của cử tri Mỹ, sự chia rẽ gay gắt đến mức nó đã chế ngự mối liên quan từ lâu giữa hiệu quả kinh tế và tỉ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống. Đối với nhiều cử tri Cộng hòa và những người bảo thủ, sự lạc quan về nền kinh tế và sự ủng hộ tổng thống đã lồng ghép chặt vào nhau, còn với những người theo đảng Dân chủ, sự không đồng tình với ông Trump mang lại tâm lý bi quan sâu sắc với nền kinh tế ngay cả trong những năm tăng trưởng và tỉ lệ thất nghiệp thấp từ trước khủng hoảng COVID.
Các cuộc thăm dò do công ty nghiên cứu trực tuyến SurveyMonkey thực hiện vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8 trên tờ New York Times nhấn mạnh rằng ngay cả những người ủng hộ đảng Cộng hòa bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cũng tiếp tục đánh giá cao ông Trump về kinh tế. 8/10 người được hỏi - vốn mất việc làm do suy thoái và chưa trở lại làm việc - vẫn cho biết ủng hộ cách ông Trump xử lý đại dịch. Gần 3/10 thành viên Cộng hòa bị mất việc nói rằng họ đang khá giả hơn so với một năm trước, trong khi bên phía đảng Dân chủ chỉ có 1/10 người giữ được việc làm trong suốt cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên sự lao dốc về kinh tế sau khi đại dịch càn quét nước Mỹ cũng đã làm ảnh hưởng đến vị thế của Tổng thống Trump về cả vấn đề kinh tế lẫn tổng thể. Hầu hết các cuộc thăm dò hiện nay đều cho thấy người Mỹ đang chia rẽ về cách xử lý vấn đề của ông chủ Nhà Trắng.
Thăm dò của Viện Gallup cho thấy ông Trump đạt tỉ lệ ủng hộ 48% về kinh tế trong tháng này, giảm so với 63% hồi tháng 1/2020. Trong một cuộc thăm dò gần đây của ABC News / Washington Post, 2/3 người Mỹ cho biết nền kinh tế đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ năm 2014, và mức xếp hạng tiêu cực của nền kinh tế tăng 20 điểm phần trăm kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Điều này đã gây ảnh hưởng đến chiến dịch của Tổng thống Trump nhằm hạ bệ đối thủ Joe Biden. Theo thăm dò của ABC/Post, trong số những cử tri nhận xét rằng nền kinh tế đang diễn biến xấu, có tới 70% dự định sẽ ủng hộ ông Biden và bà Kamala Harris.
Mặc dù vậy, cựu Phó Tổng thống Biden cũng còn xa mới kiểm soát được vấn đề: các cử tri vẫn đang băn khoăn liệu ông Biden làm tổng thống thì kinh tế liệu có tốt hơn, tệ hơn hay tương đương hiện tại. Và cuộc khảo sát do NBC News/Wall Street Journal công bố trong tuần qua, nhằm tìm ra ứng viên nào có khả năng điều hành kinh tế tốt hơn, thì ông Trump đã dẫn trước đối thủ Joe Biden