Vì sao Saudi Arabia từ chối ghế HĐBA?

Saudi Arabia đã tuyên bố từ chối ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) với nhiệm kỳ 2 năm sau cuộc bỏ phiếu ngày 17/10. Đây quả thực là một sự kiện khác thường, chưa có tiền lệ, làm dấy lên câu hỏi tại sao một nước có nhiều hoạt động gia tăng ảnh hưởng trong khu vực lại từ chối vị trí trong tổ chức có quyền lực nhất hành tinh.


Một sự kiện "kỳ lạ"


Trong lịch sử tồn tại của mình, HĐBA luôn được biết đến như một diễn đàn quốc tế quan trọng, có vai trò thúc đẩy hòa bình và an ninh ở mọi khu vực trên thế giới. Việc trở thành một thành viên của diễn đàn này được các quốc gia coi là một niềm vinh dự và tự hào. Và vì vậy, chưa có một quốc gia nào khi được bầu làm thành viên lại từ chối.

 

Saudi Arabia thẳng thừng tuyên bố từ chối ghế ủy viên HĐBA LHQ. Trong ảnh: Ngoại trưởng Saud Al-Faisal phát biểu tại LHQ. Reuters


Ngày 18/10 đã đánh dấu một sự kiện xôn xao dư luận thế giới khi Saudi Arabia thẳng thừng tuyên bố từ chối chiếc ghế ủy viên, mà chỉ một ngày trước đó Đại hội đồng dành cho họ. Sốc hơn nữa, trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia còn đánh thẳng vào việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của HĐBA. Tuyên bố của Riyadh nêu rõ: “Không nhận ghế thành viên của HĐBA LHQ cho đến khi hội đồng này cải cách để có thể thực hiện trách nhiệm duy trì an ninh quốc tế và hòa bình một cách có hiệu quả".


Sự kiện "kỳ lạ" này lại càng lạ kỳ hơn khi xảy ra đối với Saudi Arabia. Những năm qua, người ta đã chứng kiến vai trò ngày càng tăng của quốc gia này trên diễn đàn quốc tế, đặc biệt là với vai trò là thành viên G20 và các hoạt động năng nổ trong khu vực.


Trước khi được Đại hội đồng bầu chọn, Saudi Arabia đã tỏ ra rất sốt sắng chuẩn bị cho việc trở thành 1 trong 5 thành viên không thường trực mới vào dịp này. Họ đã tích cực chạy đà với mong muốn có thể tạo ra được những khác biệt. Riyadh cũng thể hiện nhiều dấu hiệu cho thấy, họ chuẩn bị nghiêm túc cho vai trò tại HĐBA, trong đó có việc đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao sẵn sàng làm tốt công việc tại New York.


Vậy điều gì đã xảy ra?


Saudi Arabia tuyên bố từ chối ghế HĐBA với lý do không chấp nhận việc cơ quan này áp dụng "tiêu chuẩn kép", cũng như sự thất bại trong việc giải quyết các cuộc xung đột của thế giới, nhất là cuộc khủng hoảng tại Syria, tranh chấp lãnh thổ giữa Palestine và Israel, vấn đề giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Trung Đông. Do đó, Saudi Arabia đã yêu cầu cải tổ HĐBA, và tuyên bố sẽ còn từ chối tư cách thành viên chừng nào cơ quan này không đủ khả năng thực thi trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.


Alon Ben-Meir, giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu về các vấn đề quốc tế, Đại học Tổng hợp New York, cũng cho rằng "sự vô lý khủng khiếp" của HĐBA trong giải quyết nhiều vấn đề xung đột trên thế giới, đặc biệt là về Syria, đã khiến Saudi Arabia có quyết định như vậy.


Thực tế, thời gian qua rất nhiều quốc gia thành viên đã muốn HĐBA cải tổ. Thậm chí ngay cả một số nước trong 5 thành viên thường trực (nhóm nước P5 gồm: Anh, Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc) cũng e ngại rằng những thất bại gần đây của HĐBA đang phản ánh sự thay đổi trật tự quyền lực trên thế giới, và khả năng can thiệp quá dễ dàng của nhiều thế lực tới công việc của HĐBA chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sự tín nhiệm cũng như tính chính thống của cơ quan này.


Rõ ràng đã có một sự giận dữ, dù âm ỉ, của Saudi Arabia và cả thế giới Arập về thất bại của HĐBA trong việc giải quyết vấn đề “nhà nước Palestine”. Sự giận dữ này, đặc biệt tập trung vào phương Tây, đứng đầu là Mỹ, cũng được thúc đẩy bởi những "tiêu chuẩn kép" của phương Tây: Cùng một vấn đề, nhưng ở quốc gia này thì ủng hộ, ở quốc gia khác lại phản đối. Saudi Arabia thắc mắc rằng, tại sao phương Tây vẫn luôn ủng hộ quyền tự quyết cũng như dân chủ ở khắp nơi, trừ tại Palestine?


Đằng sau sự việc trên cũng phản ánh lo ngại của Saudi Arabia, quốc gia từ trước tới nay vẫn là một đồng minh của phương Tây, đặc biệt trong các vấn đề liên quan tới Iran. Vì vậy, họ cảm thấy không thoải mái khi Iran tuyên bố sẽ dẫn đầu ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine, với lời nhắn gửi đến với người dân của thế giới các nước Arập rằng lãnh đạo của họ đang bị lệ thuộc vào phương Tây, và chỉ "đãi bôi" trong vấn đề ủng hộ Palestine, thậm chí còn phản bội họ. Saudi Arabia có thể chỉ là một thành viên quốc tế nhỏ nhoi, nhưng rõ ràng, Palestine là vấn đề thực sự thiêng liêng đối với họ. Họ rất quan tâm tới số phận của dải đất Jerusalem và thánh đường Haram al-Sharif.


Mọi người cũng dễ dàng nhận thấy sự không hài lòng của Saudi Arabia về chính sách của phương Tây đối với Syria. Đỉnh điểm là phản ứng của nước này khi từ chối phát biểu trước Đại hội đồng LHQ trong khóa họp vừa qua. Trước đó, khi cuộc khủng hoảng Syria nổ ra, Saudi Arabia cực lực phản đối chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong xử lý cuộc khủng hoảng, cho rằng chính quyền Syria đã áp chế người dân. Vì vậy, Riyadh muốn phương Tây tăng cường vũ trang cho lực lượng đối lập Syria, với lập luận rằng những người bị áp bức có quyền tự phòng vệ.


Quan điểm của Saudi Arabia là việc phương Tây thỏa hiệp với Syria trong giải quyết cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học cho thấy sự thiếu cứng rắn, thiếu kiên định; rằng họ không quan tâm tới hậu quả chiến lược của cuộc xung đột cũng như những mối nguy từ dòng người tị nạn, áp lực gây mất ổn định cho Liban, Jordan và Iraq. Với cách xử lý như vậy, phương Tây đã "đánh tín hiệu" cho phép chính quyền Syria có thể bắn người biểu tình, miễn đừng dùng vũ khí hóa học là được.


Giống như Israel, Saudi Arabia cũng lo lắng sự “yếu ớt” của phương Tây trong vấn đề Syria biểu thị khả năng dễ dàng chấp nhận các thỏa thuận mà họ cho là "không thích hợp" đối với Iran, để cho nước này chiếm ưu thế trong cân bằng quyền lực tại khu vực.


Một "cái tát" vào HĐBA


Quyết định của Saudi Arabia thực sự đã giáng một đòn đau vào danh tiếng và uy tín của HĐBA, qua đó khơi bùng cuộc tranh luận đang âm ỉ về tính hiệu quả trong hoạt động của cơ quan này thời gian qua.


Giáo sư Ben-Meir miêu tả sự từ chối của Saudi Arabia là một "cái tát" đối với HĐBA, cho biết "nếu HĐBA không thể thực hiện chức năng của mình một cách hiệu quả, nhằm bảo đảm trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh, thì việc gì phải trở thành một thành viên của nó nữa?"


Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, quyết định đột ngột này của Saudi Arabia chỉ là một "cử chỉ biểu tượng" để thể hiện sự bất bình đối với HĐBA trong giải quyết vấn đề Syria, chứ không gây ảnh hưởng đáng kể đối với tiếng nói của cơ quan này. Bởi vì, ngay cả khi Saudi Arabia là một thành viên, khả năng tạo ra một sự khác biệt của HĐBA đối với những vấn đề quốc tế sẽ là rất hạn chế bởi quyền phủ quyết chỉ dành cho 5 thành viên thường trực.


Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định này, có lẽ Saudi Arabia đã có những kế hoạch dự phòng để làm tăng tiếng nói can thiệp của mình tại khu vực Trung Đông. Như là chuyên gia phân tích về Trung Đông Bazoobandi nhận định: "Saudi Arabia đã và đang thiết lập được một đội hình đồng minh tại khu vực. Và họ vẫn là một quốc gia có tiếng nói trọng lượng nhất trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC)".


Dù với bất kỳ một lý do nào, việc thẳng thừng từ chối tư cách thành viên tại HĐBA cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan này, vốn có tiếng nói quyết định trong nhiều vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, có lẽ, như lời Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Aruad, đã đến lúc HĐBA cũng nên nhìn lại chính mình, khi mà các thành viên của cơ quan này ngày càng tỏ rõ sự chia rẽ trong cách thức giải quyết hàng loạt các vấn đề lớn, khiến các cuộc xung đột và những bất đồng trên thế giới lâm vào tình trạng bế tắc kéo dài.

 

Lê Hoàng

Saudi Arabia cảnh báo xa rời Mỹ
Saudi Arabia cảnh báo xa rời Mỹ

Bất bình trước chính sách của Tổng thống Barack Obama trong vấn đề Iran và Syria, nhiều thành viên trong hoàng tộc Saudi Arabia đe dọa xem xét lại quan hệ với Mỹ - một động thái có thể đẩy quan hệ giữa Washington và Riyahd xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN