Mặc dù đồng bảng đang trong chiều hướng đi xuống do hiện có không ít mối quan ngại liên quan đến việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, song sự lao dốc nhanh đến mức đó của đồng bảng vào thời điểm thị trường không có quá nhiều biến động là điều bất thường.
Nhà chiến lược tiền tệ Ian Johnson thuộc công ty tư vấn 4Cast cho biết ông giao dịch đồng bảng từ năm 1978, nhưng chưa từng chứng kiến lần nào tương tự như thế này.
Ngân hàng Trung ương Anh đang điều tra nguyên nhân khiến đồng bảng bất ngờ sụt giảm hơn 6% chỉ trong không đầy 10 phút ngày 7/10. |
Phiên giao dịch ngày 7/10 là điểm nhấn cho tuần giao dịch nhiều biến động của đồng bảng. Đồng bảng đã giảm giá 4,6% kể từ sau khi Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố hôm 2/10 vừa qua rằng nước Anh sẽ bắt đầu tiến trình đàm phán rời EU vào cuối tháng Ba năm tới.
Nguyên nhân nào khiến giá đồng bảng Anh trải qua hai phút lao dốc mạnh đến thế? Nguyên nhân đầu tiên mà người ta nghĩ đến là lỗi bàn phím của một nhà giao dịch nào đó hoặc cũng có thể do lỗi về thuật toán máy tính sử dụng trong giao dịch tự động. Nguyên nhân thứ hai, theo Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại châu Á của Ngân hàng Barclays (Anh), Mitul Kotecha, là sự rớt giá mạnh của đồng bảng do thanh khoản ở mức thấp nhất. Một lý do nữa là các nhà giao dịch đặt lệnh bán đồng bảng để cắt lỗ khi đồng tiền này giảm giá xuống dưới ngưỡng 1,26 USD đổi 1 bảng. Giới phân tích cũng không loại trừ tác động từ việc Tổng thống Pháp Francois Hollande đưa ra lập trường khá cứng rắn liên quan đến Brexit vào lúc 7 giờ 7 phút sáng giờ Hong Kong.
Đồng bảng chịu nhiều sức ép kể từ sau khi Thủ tướng May tuyên bố thực hiện Điều 50 Hiệp ước Lisbon tại Hội nghị đảng Bảo thủ trước tháng 3/2017. Ngay cả trước khi giá đồng bảng rớt xuống mức 1,18 USD, ngân hàng Goldman Sachs dự báo đồng tiền này sẽ tiếp tục giảm giá 5% trong vòng 3 tháng tới, tức là xuống ngưỡng 1,20 USD/bảng. Nhà phân tích chiến lược tiền tệ David Bloom thuộc ngân hàng HSBC dự báo rằng đồng bảng sẽ giao dịch quanh ngưỡng khoảng 1,20 USD vào cuối năm 2016 và 1,10 USD cuối năm 2017.
Nỗi lo ngại đồng bảng sẽ tiếp tục rớt giá mạnh đã đẩy giá cổ phiếu của các công ty hàng đầu tại Anh tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng ngày 7/10 tại thị trường London. Chỉ số chứng khoán FTSE 100 tăng 0,4% lên 7.030,30 điểm, xấp xỉ mức cao kỷ lục hồi tháng 4/2015, đưa chỉ số này tăng tổng cộng gần 2% từ đầu tuần.
Trong khi đó, Đảng bảo thủ cầm quyền ở Anh cũng vừa kết thúc phiên họp hội nghị toàn quốc với bài diễn văn của Thủ tướng Theresa May đưa ra một con đường hoàn toàn mới cho nước Anh, mà một số chuyên gia kinh tế đánh giá là từ bỏ chính sách tự do có từ thời bà Margaret Thatcher và gia tăng mức độ kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế.
Có vẻ như giới lãnh đạo nước Anh đã chuẩn bị xong con đường phát triển một mình bên ngoài cơ cấu Liên minh châu Âu (EU). “Đến lúc cần phải thay đổi” là cụm từ mà Thủ tướng Theresa May nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài phát biểu của mình. Ý tưởng của bà là trong lúc nước Anh phải thực hiện ý nguyện của người dân là rút khỏi EU, thì cũng nên đồng thời phải thay đổi, và ngay từ bây giờ phải đi con đường riêng của mình để chỉnh sửa toàn bộ.
Các chuyên gia kinh tế hầu hết đều đánh giá kinh tế nước Anh sẽ thiệt hại nặng nề sau khi rời khỏi EU, do đó một số người cho rằng việc Thủ tướng May đưa ra một chính sách kinh tế mới dường như quá mạo hiểm.