Trong cảnh kinh tế khó khăn chưa từng có đó, phe chính trị đối lập và các thế lực thù địch đã lợi dụng tình thế và tâm lý bất mãn của người dân để lăm le biến Venezuela thành một Brazil nữa.
Khủng hoảng chồng khủng hoảngTổng thống Nicolas Maduro hôm 13/5 đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 60 ngày, theo đó cho phép chính phủ tịch thu các nhà máy ngừng hoạt động và quân đội có thể có kế hoạch dự phòng với tình huống can thiệp từ nước ngoài. Trước đó, hồi tháng 1, ông Maduro mới chỉ giới hạn tình trạng khẩn cấp ở lĩnh vực kinh tế.
Từ khi dầu rẻ gần như “bèo”, nền kinh tế của Venezuela đã giảm 6% năm 2015 do nguồn thu của nước này chủ yếu là từ tiền bán dầu. Trong tháng 1 vừa qua, Venezuela chỉ thu về vỏn vẹn 77 triệu USD từ dầu, trong khi trước đó doanh thu này tính bằng tỷ USD. Trong tình hình khó khăn đó, lạm phát được cho là sẽ lên tới 700% trong năm 2016 do thực phẩm khan hiếm. Ngoài ra, Venezuela còn đang bị hạn hán trầm trọng, các nhà máy thủy điện chỉ hoạt động cầm chừng, công suất chưa đến 20%.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (trái) và Phó Tổng thống Aristobulo Isturi (phải) trong một cuộc mít tinh ở Caracas ngày 19/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Maduro đang phải tìm cách duy trì ổn định con thuyền trong sóng lớn và dường như việc này không hề dễ dàng khi liên tục bị ngáng chân bởi phe đối lập và các thế lực nước ngoài. Những thế lực này đang ráo riết để loại bỏ Tổng thống Maduro bằng một cuộc trưng cầu ý dân. Đây là cơ chế để loại bỏ một chính phủ đương nhiệm kiểu như cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở một số quốc gia khác.
Cuộc trưng cầu ý dân phải trải qua ba giai đoạn được Hội đồng Bầu cử Quốc gia (CNE) giám sát và thông qua. Trong giai đoạn thứ nhất, phe đối lập phải thu thập được ít nhất 195.721 chữ ký, tương đương với 1% cử tri Venezuela. Tính đến 16/5, phe đối lập cho biết đã có trong tay 1,8 triệu chữ ký. CNE có 30 ngày để xác nhận tính hợp lệ của các chữ ký. Nếu CNE chấp nhận, phe đối lập có 3 ngày để thu thập ít nhất 4 triệu chữ ký, tương đương 20% cử tri, để có thẩm quyền tổ chức trưng cầu ý dân. Cuối cùng, để loại bỏ tổng thống, số cử tri phản đối ông Maduro trong cuộc trưng cầu ý dân cần phải nhiều hơn số cử tri ủng hộ ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2013.
Một vấn đề quan trọng cuối cùng là vấn đề thời gian tổ chức trưng cầu ý dân. Nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra trước ngày 10/1/2017, ông Maduro sẽ bị loại bỏ khỏi vị trí tổng thống và sẽ có bầu cử sớm. Nếu diễn ra sau thời điểm đó, Phó Tổng thống Aristóbulo Isturiz sẽ thay thế ông Maduro trong nốt hai năm còn lại của nhiệm kỳ. Trước đây, cố Tổng thống Hugo Chavez đã “thoát nạn” trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 8/2004.
Chiến lược đảo chính kiểu mớiNgoài yếu tố giá dầu, những gì mà Tổng thống Venezuela Maduro đang đối mặt, cả về mặt kinh tế và chính trị, có tác động không nhỏ từ bàn tay của thế lực phương Tây. Những bàn tay này đang lợi dụng tình hình khó khăn của Venezuela nói riêng và nhiều nước Mỹ Latinh nói chung để tạo ra một làn sóng đảo chính mới theo kiểu “Mùa xuân Arab”.
Theo ông Henry Machuca, chuyên gia các vấn đề quốc tế kiêm điều phối viên của tổ chức thanh niên thuộc đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela ở Moskva, kế hoạch đảo chính kiểu mới của các thế lực phương Tây gồm nhiều phần nhằm dần dần loại bỏ các nhân vật không mong muốn. Đầu tiên là tổ chức biểu tình với sự tham gia của phe đối lập. Ở Venezuela, giai đoạn này được gọi là varimba – tức là các cuộc bạo loạn mà người tham gia thuộc mọi tầng lớp xã hội. Mục đích không phải để thể hiện tức giận hay bác bỏ điều gì mà chỉ nhằm tạo bất ổn.
Kế đến, các thế lực có kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân chống Tổng thống Maduro theo khuôn khổ hiến pháp: Bất kỳ quan chức nào được bầu cho dù ở cấp trung ương hay địa phương đều có thể bị phế truất thông qua trưng cầu ý dân. Phe đối lập Venezuela đang lợi dụng yếu tố dân chủ này để chống lại ông Maduro. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu ý dân chỉ là cái bóng của một quá trình mà các thế lực thù địch làm “đạo diễn”.
Một bước nữa là chiến dịch bôi nhọ, hạ thấp uy tín các lãnh đạo chính phủ Venezuela, cáo buộc chính phủ của ông Maduro tham nhũng, rửa tiền, không có năng lực điều hành đất nước. Hiện nay, hình ảnh này đang được báo chí phương Tây xây dựng, vun đắp một cách nhiệt thành. Họ sẽ làm cho thế giới cảm giác có một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Venezuela, rồi chính phủ Venezuela ngăn cản tự do ngôn luận… Các chiêu bài này đã được áp dụng thành công ở Nicaragua, Chile và Salvador.
Các đồng minh của Venezuela cũng bị “vạ lây” trong âm mưu này. Những nước như Nga, Trung Quốc, Ecuador hay tổ chức Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) cũng bị công kích. Ngoài ra, các thế lực còn phát động chiến tranh điện tử, do thám và tăng cường lực lượng quân sự để phản ứng nhanh ở Mỹ Latinh.
Trước tình hình hiện nay, ông Henry Machuca tỏ ra lo lắng cho tương lai của Venezuela trước các động thái của phe đối lập Venezuela và khả năng ông Maduro bị loại bỏ. Ông cho rằng phe đối lập, vốn là một đạo quân tạp nham gồm từ các phần tử phát xít công khai cho đến những người theo đường lối tự do, sẽ không thể lãnh đạo được Venezuela.