Động thái này diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 ngày càng trầm trọng ở Mỹ đang "phủ bóng đen" lên triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump. Trong 10 ngày trở lại đây, số ca mắc COVID-19 ở Mỹ liên tục tăng ở mức 55.000-65.000 ca/ngày. Thậm chí ngày 16/7, Mỹ xác nhận hơn 67.600 ca mắc mới trong vòng 24 giờ.
Kết quả một số cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump đang giảm ở nhiều bang chiến địa khi nước Mỹ tiếp tục phải chống chọi với đại dịch, vốn đã khiến hơn 141.000 người, trong số gần 3,7 triệu ca nhiễm ở nước này, thiệt mạng. Tỷ lệ người dân Mỹ tán thành cách thức Tổng thống Trump xử lý đại dịch COVID-19 đã xuống thấp kỷ lục. Trong khi đó, hàng triệu người vẫn không có việc làm và biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc lan rộng trên khắp cả nước, kéo theo không ít vụ bạo loạn, gây rối.
Có thể nói COVID-19 đã "đảo ngược" cục diện trên chính trường Mỹ đúng vào năm 2020, năm bầu cử quan trọng và mang tính quyết định đối với tương lai của ông Donald Trump tại Nhà Trắng. Với bảng thành tích nổi bật về kinh tế, cũng như giành được sự ủng hộ và tín nhiệm cao của người dân khi thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” trong suốt 3 năm cầm quyền, dường như không gì có thể khiến Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và đảng Cộng hòa phải lo lắng ở thời điểm đầu năm 2020. Thế nhưng, những diễn biến khó lường trong 6 tháng nay đang đẩy Tổng thống Trump vào thời kỳ được coi là khó khăn nhất kể từ khi lên nắm quyến.
Ít ai ngờ được mọi lợi thế mà ông Trump gây dựng được trong 3 năm cầm quyền vừa qua chỉ trong một thời gian ngắn đã bị "suy giảm". Nước Mỹ lại rơi vào vòng xoáy bất ổn khó lường khi cùng lúc phải hứng chịu 3 cuộc khủng hoảng về y tế, kinh tế và biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Trong khi vẫn bế tắc trong việc tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng về sức khỏe do đại dịch COVID-19 gây ra, khiến Mỹ trở thành nước đứng đầu thế giới về số người nhiễm và tử vong, Tổng thống Trump lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước.
Tất cả những thành tích kinh tế đạt được, giúp thay đổi bộ mặt kinh tế Mỹ như tốc độ tăng trưởng tốt, tạo ra nhiều việc làm và tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong vòng 50 qua, bỗng dưng “bốc hơi” nhanh chóng. Thay vào đó, nền kinh tế Mỹ phải chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 khi chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh và số người Mỹ nộp đơn thất nghiệp tăng cao kỷ lục.
Các chuyên gia cho rằng không có điều gì quan trọng đối với cơ hội tái đắc cử của Trump hơn là "sức khỏe" nền kinh tế đất nước. Có vẻ đó là lý do khiến Tổng thống Trump luôn thúc đẩy mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 vượt khả năng kiểm soát, với số ca nhiễm gia tăng đột biến gần nửa tháng nay, cho thấy Mỹ chưa thể xử lý được cuộc khủng hoảng y tế.
Nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ hai ngay cả khi làn sóng dịch thứ nhất vẫn chưa kết thúc buộc nhiều bang ở Mỹ phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa và đóng cửa một số hoạt động kinh tế, khiến một số lao động bị mất việc lần thứ hai, đồng nghĩa với kế hoạch phục hồi kinh tế của Tổng thống Trump bị đình trệ. Theo ngân hàng Bank of America, số ca mắc COVID-19 mới đang tăng mạnh tại 40 bang của Mỹ, trong đó 22 bang đã dừng kế hoạch mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế.
Cùng lúc, chính quyền Tổng thống Trump cũng lại phải đau đầu đối phó với các cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc sau cái chết của một người đàn ông da màu, trong đó có nhiều vụ biến thành bạo loạn cướp bóc tại nhiều thành phố của nước Mỹ. Một mặt, làn sóng biểu tình này bộc lộ những chia rẽ và bất đồng sâu sắc, không chỉ trong vấn đề sắc tộc mà cả những vấn đề khác đã tồn tại nhiều năm qua tại quốc gia này. Mặt khác, các hoạt động biểu tình lại làm phức tạp thêm công tác kiểm soát dịch ở Mỹ.
Khi chỉ còn gần 4 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử, những vấn đề trên đang đặt ra những thách thức lớn đối với Tổng thống Trump. Cách thức chính quyền xử lý cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế được đánh giá chưa thực sự hiệu quả. Còn đối với vấn đề bạo loạn sắc tộc, việc Tổng thống Trump kêu gọi thống đốc các bang phải có biện pháp cứng rắn với người biểu tình cũng như sẵn sàng triển khai quân đội để ngăn chặn tình trạng bạo lực lan rộng, đã vấp phải sự chỉ trích không chỉ của phe đảng Dân chủ mà ngay chính trong nội bộ đảng Cộng hòa.
Có thể những bất lợi mà Tổng thống Trump đang đối mặt phần nào đem lại cơ hội để ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden tận dụng, thể hiện khả năng của mình nhằm giành được sự ủng hộ của cử tri. Trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận, cựu Phó Tổng thống Biden vẫn đang dẫn trước Tổng thống Trump, thậm chí ở các bang dao động hay các bang mà ông Trump đã từng giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016.
Tuy nhiên, thời gian để Tổng thống Trump lật ngược thế cờ không phải là đã hết. Cử tri Mỹ vốn nổi tiếng là những người thực dụng và khi nền kinh tế đình trệ do dịch bệnh, họ có thể cần hơn một vị tổng thống có khả năng dẫn dắt nền kinh tế - điều mà Tổng thống - doanh nhân - tỷ phú Trump đã chứng minh được năng lực. Theo một cuộc khảo sát do hãng tin AP công bố hồi tháng 6, một nửa dân số Mỹ cho rằng họ ủng hộ cách thức Tổng thống Trump điều hành nền kinh tế.
Trong những ngày gần đây, nền kinh tế Mỹ đã phát đi nhiều tín hiệu khả quan, các chỉ số lòng tin tiêu dùng ổn định trở lại và thị trường lao động được cải thiện với thêm 4,8 triệu việc làm trong tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 13,3% hồi tháng 5 xuống còn 11,1% trong tháng 6 do nhiều người Mỹ vốn bị nghỉ việc vì dịch bệnh giờ đã quay trở lại làm việc.
Đây có thể là “tin mừng” ban đầu đối với Tổng thống Trump về sự phục hồi của nền kinh tế, yếu tố then chốt để ông giành lại được sự ủng hộ của cử tri. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 Mỹ tăng ở mức cao chưa từng thấy những ngày qua đang tạo ra không ít rào cản trên chặng đua nước rút của Tổng thống Trump tới Nhà Trắng.
Giáo sư về kinh tế và chính sách công tại Đại học Michigan, ông Justin Wolfers, cho rằng những dữ liệu kinh tế khả quan vừa công bố chỉ cho thấy "nền kinh tế Mỹ ở tình trạng nhích ra một chút khỏi lỗ hổng kinh tế tệ hại". Ông giải thích: "Bạn chỉ nhìn ra cửa sổ và thấy mọi thứ vẫn trì trệ. Điều quan trọng đầu tiên, thứ hai và thứ ba đối với nền kinh tế lúc này là tiến triển tình hình dịch bệnh".
Ông Michael Strain, Giám đốc Chương trình nghiên cứu chính sách kinh tế thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng virus SARS-CoV-2 vẫn tạo ra mối đe dọa tiềm tàng to lớn đối với sự phục hồi kinh tế Mỹ, nhất là khi những tin tức mới cho thấy các hệ thống bệnh viện ở một số bang đang sắp quá tải.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhận định triển vọng kinh tế Mỹ vẫn đang phải đối mặt với nhiều bất ổn, giữa lúc ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về thời gian dịch bệnh kéo dài, đặc biệt đợt bùng phát dịch thứ hai có thể lại làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế. Kết quả kiềm chế dịch bệnh trong thời gian ít ỏi còn lại trước cuộc bầu cử tháng 11 tới sẽ quyết định lòng tin của cử tri vào khả năng của Tổng thống Trump "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", như khẩu hiệu tái tranh cử mà ông đề ra.