Ukraine: Toàn cầu hóa buộc các bên không thể hành xử kiểu 'Chiến tranh Lạnh'

Trong khi nhiều nhà quan sát tuyên bố cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine là sự phản chiếu thời kì Chiến tranh Lạnh, thì các nhà kinh tế phủ nhận điều này: Toàn cầu hóa đã đưa đến những ràng buộc tự do kinh tế và trở thành nhân tố bổ sung vào cuộc chơi.

Từ câu chuyện ở Ukraine

Thực tế này dường như đã ứng ngay vào trường hợp khủng hoảng ở Ukraine, với điểm nóng Crimea (Crưm): Các nước không thể có các bước can dự quân sự do còn phải tính đến những xung lực kinh tế, các hậu quả phải đối mặt sự thay đổi dòng vốn và bất ổn tỉ giá. Sự phản kháng của các trùm tài phiệt Ukraine, cùng với mối lo xảy ra chiến sự đã làm thị trường chứng khoán và đồng ruble của Nga trải qua một phiên biến động mạnh và điều này cho thấy: Các nước giờ đây không thể hành xử theo cách “cùn” từng phổ biến thời Chiến tranh Lạnh và không theo dõi chặt chẽ các động lực kinh tế toàn cầu.

Sức mạnh kinh tế trở thành lực chi phối đời sống kinh tế của mỗi quốc gia và toàn cầu. Tổng thống Viktor Yanukovych rời bỏ Kiev không phải vì sợ can thiệp quân sự từ bên ngoài hay là vì cảm thấy bị đe dọa về tính mạng của bản thân và gia đình trước “các chiến binh Maidan”. Trong thực tế, ông tháo lui vì những tài phiệt quyền lực Ukraine đã quay lưng lại với ông, do lo sợ các cấm vận kinh tế sẽ đặt dấu chấm hết cho đế chế công nghiệp cùng nguồn tài sản của họ.

Tại Ukraine, người ta thấy tỉ phú Viktor Pinchuk, con rể cựu Tổng thống đầu tiên của Ukraine Leonid Kuchma cùng với Petro Poroshenko là những người “trở cờ” đầu tiên, khi cả hai cùng kí tên vào một bức thư ủng hộ người biểu tình, khẳng định “con đường châu Âu” là “cách thức để hiện đại hóa đất nước, chống tham nhũng, có tự do báo chí, dân chủ”. Tỉ phú Rinat Akhmetov, một trong 40 người giàu nhất thế giới, là người đóng chiếc đinh sâu nhất vào số phận của ông Yanukovych với đòi hỏi chính quyền phải có các thỏa thuận cân bằng giữa Nga và châu Âu, hay nói cách khác là phải hướng về châu Âu.

Tỉ phú giàu nhất Ukraine, Rinat Akhmetov, một trong những nhà tài phiệt chi phối chính trường nước này.


Ngay cả các tỉ phú miền Đông như Igor Kolomoyski, Sergei Taruta vốn là đồng minh thân thiết của Tổng thống Yanukovych ngay sau đó theo đàn, cam kết trung thành với chính phủ mới, chấp thuận các vị trí thống đốc được bổ nhiệm ở Donetsk và Dnipropetrovsk. Những tài phiệt này miệng nói làm vậy để “bảo vệ đất nước trước hiểm nguy”, nhưng thực chất họ bị sức ép từ các định chế tài chính ở châu Âu dọa phong tỏa tài sản tài chính, cùng với nỗ lo các nhà sản xuất ô tô Đức dừng các hợp đồng mua bán thép.

Những diễn biến trong tuần vừa qua cũng cho thấy rõ tính dễ tổn thương của nền kinh tế Nga. Trong nước, lo ngại trước việc Nga sáp nhập Crimea, thị trường chứng khoán Moscow đã chứng kiến phiên giảm điểm 12%, cùng với tỉ giá đồng ruble so với USD cắm đầu lao dốc trong ngày 3/3. Các nhà phân tích dự đoán, nền kinh tế Nga đã bị "bốc hơi" khoảng 58 tỉ USD chỉ trong một ngày.

Khi liên kết kinh tế trở thành nhân tố chi phối cuộc chơi

Khả năng quyền lực châu Âu duy trì một mặt trận thống nhất trong việc gây sức ép kinh tế cũng có những giới hạn. Năng lượng là “vũ khí” quan trọng đối với Nga trong cuộc chơi ở Ukraine. Theo Tập đoàn Gazprom (Nga): Thị phần khí đốt của Nga hiện chiếm đến hơn 30% tại thị trường các nước châu Âu và ít có dấu hiệu giảm sút trong ngắn hạn, do sản lượng khai thác ở một số nước như Anh và Na Uy giảm sút; trong khi các nguồn cung mới chưa xuất hiện.

Bên cạnh đó, còn có lo ngại về dòng vốn và sự ổn định trong các thị trường tài chính. Chính nội các của Thủ tướng Anh David Cameron cũng thừa nhận: Kinh đô tài chính London có những ràng buộc vào nguồn vốn Nga. London là trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu, thu hút một lượng lớn các nhà tài phiệt và nhà đầu tư Nga đến sinh sống và làm ăn. Các biện pháp trừng phạt kinh tế đi kèm đóng băng tài sản của Nga chắc hẳn sẽ gây xáo trộn lớn. Các đòn đòn đáp trả kinh tế của Nga cũng sẽ có những tác động mạnh đến nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Exxon và PepsiCo.

Gazprom là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu. Ảnh: Bloomberg


Thế nhưng nước Nga cũng có những đặc điểm dễ bị tổn thương. Với cơ cấu kinh tế hiện nay, nhiều người cũng có thể hình dung ra được phản ứng của các tài phiệt Nga khi Liên minh châu Âu và Mỹ đưa ra những đe dọa tương tự như những gì đã diễn ra ở Ukraine. Thời điểm mà Tổng thống Vladimir Putin có thể dễ dàng ra lệnh bắt giữ một người giàu có và nổi tiếng như Mikhail Khodorkovsky có lẽ cũng đã xa.

Châu Âu phụ thuộc vào năng lượng của Nga, nhưng kinh tế Nga cũng gắn chặt với thị trường châu Âu. Cả hai đã phát triển các quan hệ kinh tế lớn mạnh mà ở đó một cuộc chiến thương mại sẽ làm tổn thương cả hai. Về dài hạn, Nga cũng không còn duy trì sức mạnh được lâu, vì tiến bộ khoa học đưa đến khả năng khai thác năng lượng từ các mỏ khí đá phiến. Cùng lúc, lần đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry xác nhận rằng, Mỹ có thể cung cấp cho thị trường năng lượng châu Âu. Azerbaijan và Qatar cũng có thể là những lựa chọn khác. Việc Nga dọa dừng bán khí gas giá rẻ cho Ukraine cũng là “con dao hai lưỡi”. Cuộc khủng hoảng khí năm 2009 - 2010 cho thấy mức độ tổn thất mà Moscow phải hứng chịu nếu Kiev cho đóng “dòng chảy” khí xuất khẩu của Nga chạy qua lãnh thổ Ukraine (hơn 66%).

Cuộc chiến kinh tế tại Ukraine không phải là trò chơi có tổng bằng không theo kiểu “bên được, bên mất”, mà là sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau, ở đó các đối tác có thể phát triển cùng nhau hoặc mất nhau, đi kèm những hệ quả ổn định nội trị. Những ngày tháng sống trong “bức màn sắt” đã lùi vào dĩ vãng.


Hoài Thanh
Những tài phiệt đang 'bơm tiền' cho khủng hoảng Ukraine
Những tài phiệt đang 'bơm tiền' cho khủng hoảng Ukraine

Adrian Karatnycky, Henadiy Boholyubov và Sergey Kurchenko... là những lãnh đạo doanh nghiệp lớn và đôi khi được gọi là “đầu sỏ chính trị” đóng vai trò lớn trong cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN