Cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5/2015 tại Anh có ý nghĩa lớn trên nhiều phương diện. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, cuộc bầu cử này đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nền chính trị Anh từ truyền thống cạnh tranh giữa hai đảng sang nhiều đảng và khó dự đoán hơn. Cuộc bầu cử này cũng sẽ quyết định vai trò và vị trí của nước Anh trong Liên minh châu Âu (EU) bởi nó có thể được xem như một cuộc trưng cầu ý dân đối với tư cách thành viên EU của Anh.
Tổng tuyển cử được xem như cuộc trưng cầu dân ý đối với tư cách thành viên EU của Anh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Có vẻ các tuyên bố cho rằng cuộc bầu cử này sẽ tác động lâu dài tới mối quan hệ Anh-EU là nghịch lý bởi EU dường như chưa quan tâm đến những vấn đề mà cử tri Anh coi là quan trọng nhất. Tuy nhiên, thành công của đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) thời gian qua được cho là có liên quan đến vấn đề người nhập cư - vốn được xem là vấn đề quan trọng nhất mà nước Anh phải đối mặt trong năm 2014. Nguyên tắc tự do đi lại quy định trong các Hiệp ước của EU khiến cho không quốc gia nào có quyền kiểm soát hoàn toàn đối với biên giới nước mình. Vì vậy, vấn đề nhập cư được xem là có liên quan chặt chẽ đến tư cách thành viên EU.
Làn sóng hoài nghi châu Âu trong nội bộ đảng Bảo thủ gia tăng buộc Thủ tướng David Cameron phải hứa tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU trước cuối năm 2017. Ông Cameron cũng hứa sẽ nêu vấn đề tư cách thành viên trong các cuộc đàm phán với EU. Trong ngắn hạn, khả năng tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU phụ thuộc rất lớn vào kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ở Anh. Đảng Bảo thủ cam kết tổ chức trưng cầu vào năm 2017. Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng từ chối đưa ra các cam kết tương tự do ông Ed Miliband, lãnh đạo đảng này cho rằng rời khỏi EU sẽ tác động tiêu cực đến nước Anh và việc tổ chức một cuộc trưng cầu chỉ thực sự cần thiết trong trường hợp trao thêm quyền lực cho EU.
Tuy nhiên, trong trường hợp Công đảng giành chiến thắng thì vấn đề có nên tiếp tục tư cách thành viên EU hay không cũng sẽ khó bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự. Nếu đảng Bảo thủ thất bại thì Thủ tướng Cameron cũng không thể tiếp tục nắm giữ vai trò lãnh đạo đảng. Trong trường hợp đó, việc tiếp tục tham gia EU hay không sẽ trở thành chủ đề chính trong cuộc đua thay thế vị trí lãnh đạo giữa các ứng cử viên của đảng này. Cũng tương tự như việc ông Cameron từng tự đề xuất rút đảng Bảo thủ Anh ra khỏi đảng Nhân dân châu Âu trong Nghị viện châu Âu nhằm thu hút sự ủng hộ của các đảng viên đảng này và các nghị sỹ quốc hội đối với vị trí lãnh đạo đảng của mình. Vì vậy, bất cứ ứng cử viên nào trong tương lai cũng buộc phải đưa ra những "cam kết" nhằm đảm bảo được bầu vào vị trí lãnh đạo. Và nhiều khả năng lãnh đạo mới của đảng này sẽ có cách tiếp cận hoài nghi hơn người tiền nhiệm đối với vấn đề tư cách thành viên EU.
Trong trường hợp ông Cameron tiếp tục được bầu làm Thủ tướng, vấn đề chính mà ông phải đối mặt là đưa ra chương trình nghị sự được các đồng minh của Anh chấp nhận, trong khi thuyết phục đủ số nghị sỹ (không thuộc đảng Bảo thủ) ủng hộ chương trình này. Một số đồng minh của Anh đã cho thấy khả năng thỏa thuận về yêu cầu bãi bỏ nguyên tắc tự do đi lại. Thách thức còn lại đối với ông Cameron sẽ là liệu các nghị sỹ Anh có chấp nhận thỏa thuận này hay không.
Trong ngắn hạn, việc tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh tại một thời điểm nào đó dường như là điều không thể tránh khỏi, nhất là trong trường hợp đảng Bảo thủ tiếp tục nắm quyền. Với bối cảnh chính trị ở Anh hiện nay và trong tương lai thì khó có thể dự đoán về kết quả của cuộc trưng cầu này. Vấn đề chính tác động đến kết quả của bất kỳ cuộc trưng cầu ý dân nào là nội dung mà các bên đưa ra để tranh luận với nhau.
Nếu chính phủ do đảng Bảo thủ lãnh đạo ủng hộ việc Anh tiếp tục tư cách thành viên EU thì khả năng các đảng chính trị lớn sẽ chống lại đường lối của UKIP. Ngược lại, nếu đảng Bảo thủ cam kết chống lại việc Anh ở lại EU thì rõ ràng, số cử tri ủng hộ việc Anh rời khỏi EU sẽ tăng lên nhiều lần.
Hồng Tâm