Từ những đám cháy ở Tor Sapienza

Những chiếc xe bị đốt cháy. Những cửa kính bị đập vỡ. Những chai lọ được ném qua ném lại. Dưới ánh sáng của những ngọn đèn đường vàng vọt của khu ngoại ô, những người dân giận dữ chĩa sự bực bội của họ về một khu chung cư nhỏ và cũ, đã bị bỏ hoang, từ mấy năm nay trở thành 1 trong 3 trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở khu Tor Sapienza này.


Trung tâm này là nơi ở của hơn 70 người, chủ yếu là Châu Phi và ở tuổi thanh thiếu niên, xin tị nạn ở Italy. Và trong thời gian qua, họ và nơi này trở thành mục tiêu tấn công của không ít người dân Tor Sapienza, thu hút sự chú ý của dư luận Italy trong thời buổi mà những vấn đề về nhập cư cũng như suy thoái kinh tế trở thành những đề tài nóng bỏng.

           

Khu vực đông dân ở rìa thủ đô Rome ấy cách văn phòng của chúng tôi không xa, nhưng từ nhiều ngày nay, người ta đã khuyến cáo người nước ngoài không nên đến đó, bởi nó đã trở thành một dạng "banlieu" của nước Italy, với những sự cố liên quan đến người nhập cư như ở ngoại ô Paris, Pháp, năm nào. Ở Tor Sapienza, những va chạm chưa đến mức lớn như thế, khi đường phố trở thành chiến tuyến như ở Paris, nhưng đã có những người bị thương, những vụ phản đối kéo dài và những xô xát không chỉ giữa người dân địa phương và cảnh sát, mà còn cả người nhập cư cũng bị người dân nơi đây đánh đập.


Đám đông giận dữ trên đường phố Tor Sapienza.


Điều gì đã khiến một khu dân cư có 12.000 dân không giàu ở vùng ngoại ô, nhưng nổi tiếng là thanh bình và hòa nhã này lại nổi giận đến mức ấy, và trút mọi sự giận dữ lên những người xin tị nạn vốn không làm gì họ và nay, sau sự cố, nhiều trong số đó đã được chuyển đi nơi khác vì chính quyền Rome lo ngại đến an toàn của họ?

           

Theo Mario, một nhân viên văn phòng sống ở gần khu này: "Đây không phải và chưa bao giờ là phân biệt chủng tộc, nhưng chúng tôi cảm thấy bất an. Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy mất an toàn như thế. Mấy năm nay, số người nhập cư xung quanh Tor Sapienza tăng lên. Số vụ cướp vặt, gây lộn, say rượu, mất cắp cũng tăng vọt. Chúng tôi bức xúc vì người ta đã không làm gì cả để bảo vệ cuộc sống của chúng tôi". Giọt nước làm tràn li là khi một cô gái ở khu này bị một kẻ lạ mặt tấn công khi đang dắt chó đi dạo giữa ban ngày. Nhưng kẻ này là người Italy, người nước ngoài, kẻ nhập cư nào và có ở trong trại tiếp nhận kia không, không ai biết. Chỉ biết rằng, người ta cần một cái cớ và một ai đó để trút những nỗi giận dữ từ đủ mọi vấn đề mà họ đang hứng chịu từ một nền kinh tế suy thoái lần thứ 3 trong 6 năm qua, một nền chính trị tiếp tục bấp bênh và một chính quyền thành phố bị cho là bất lực trong vấn đề an ninh.

           

Emilio, một người bán báo nói: "Những khu dân cư đang chịu ảnh hưởng của suy thoái như Tor Sapienza có thể trở thành một mồi lửa làm bùng lên những vấn đề lớn trong cuộc sống Italy mà người nhập cư bỗng nhiên trở thành nạn nhân của những vấn đề mà họ rất ít liên quan. Đằng sau những cuộc tấn công nhắm vào người nhập cư ấy là những khiêu khích của lực lượng phát xít mới, của đảng Liên đoàn Phương Bắc có xu hướng bài ngoại và những âm mưu nhằm lợi dụng uy tín đang sút giảm của chính phủ và đảng trung tả Dân chủ cầm quyền để lôi kéo thêm cử tri". Sự giảm sút uy tín của Thủ tướng Renzi và chính phủ trong giai đoạn cuối mùa thu, liên quan đến cải cách lao động đang gặp tranh cãi lớn với các nghiệp đoàn lao động và tình trạng tội phạm gia tăng, trong hoàn cảnh chính phủ đang cắt giảm chi phí cho các hoạt động cứu trợ người nhập cư trái phép trên biển và chi phí cho cảnh sát, là mảnh đất mầu mỡ cho sự hồi sinh của các đảng cánh hữu có xu hướng bài ngoại và chống nhập cư, như Liên đoàn Phương Bắc.

           

Sau thất bại trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu hồi tháng 5, trong khi đảng Dân chủ thắng gần như tuyệt đối, Liên đoàn phương Bắc đã trỗi dậy mạnh mẽ và người nhập cư trở thành một con bài của họ trong giai đoạn cuối năm này, khi họ khoét sâu vào những vấn đề rất dễ khai thác: nỗi lo lắng của người dân trước tình trạng tội phạm và mại dâm của người nước ngoài ở các đô thị trong sự yếu ớt và quan liêu của chính quyền sở tại trong việc kiểm soát người nhập cư, nhất là người nhập cư trái phép. Điều này giúp Salvini, hiện đang đứng đầu đảng này, đã vươn lên trở thành chính trị gia đối lập có uy tín cao nhất, hiện chỉ đứng sau Thủ tướng Renzi trong các cuộc thăm dò dư luận. Trong bối cảnh ấy, những cuộc xô xát khiến có tới 20 người ở bị thương ở Tor Sapienza, những vụ tìm đánh người nhập cư ở Corcolle, ngoại ô Rome, những tổ dân phố tự quản được thành lập để tuần tra các khu dân cư của mình ở miền Bắc... càng khiến cho dư luận Italy lo ngại về khả năng bùng nổ một làn sóng bài ngoại chống người nhập cư và đẩy những mâu thuẫn lên đến cực điểm như đã từng xảy ra ở các "banlieu" của Paris cách đây chưa lâu.

           

Làn sóng ấy giờ vẫn âm ỷ, nhưng có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Ở đảo Sardegna, phụ huynh học sinh đã đồng loạt phản đối nhà trường và đòi đưa con họ khỏi đó khi biết trường thuê những người phụ nữ Digan về làm người quét dọn. Ở Borgaro, ngoại ô Turin, miền Bắc Italy, tranh cãi đã nổ ra khi chính quyền thị trấn đề nghị lập một tuyến bus riêng cho người Digan. Ở nhiều nơi khác trong cả nước, người ta đã phản đối mạnh mẽ chỉ vì số lượng học sinh nhập cư trong lớp học nhiều tương đương, hoặc hơn số học sinh Italy. Ở Tor Sapienza, những người nhập cư đã được chuyển đi nơi khác, vì người ta sợ bạo động tiếp diễn, nhưng tại các vùng ngoại ô của Rome, sau Tor Sapienza, những khu dân cư có các trại tiếp nhận người nhập cư bắt đầu nổi sóng. Đấy là những trại tiếp nhận được lập nên để "gánh" số lượng người nhập cư và xin tị nạn vào Italy tăng vọt trong năm nay.

           

Theo chi nhánh của tổ chức nhân đạo Caritas ở Rome, thì cả người Italy lẫn người nhập cư (hợp pháp và không hợp pháp) đang trở thành nạn nhân của một làn sóng thù ghét lẫn nhau này, do nỗi "sợ hãi trước sự suy thoái của kinh tế", "sự bất lực của chính phủ và nền chính trị trong việc đưa ra những giải pháp nghiêm túc", "lợi dụng của các lực lượng chính trị vào sự bất mãn của người dân đối với chính sách xã hội và nhập cư" và "sự trỗi dậy của các lực lượng cực hữu". Những phân tích của Caritas tìm được sự đồng thuận trong các nhà bình luận có uy tín của Italy, trong thời điểm báo chí phân tích, rằng người nhập cư không phải là gánh nặng, mà còn tạo ra 3,9 tỉ euro mỗi năm cho Italy, nhưng dường như không có ai lắng nghe.

           

Nỗi sợ hãi trước mọi vấn đề của một cuộc sống khó khăn hơn trước đã khiến người ta phải tìm kiếm một ai đó để trút giận. Rất có thể, sẽ có thêm nhiều Tor Sapienza...          

                                                                                               

 

Trương Anh Ngọc (P/v TTXVN tại Italy)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Italy tê liệt vì tổng bãi công trên toàn quốc
Italy tê liệt vì tổng bãi công trên toàn quốc

Giao thông tại 25 thành phố lớn của Italy cũng như đời sống người dân nước này đã bị gián đoạn trong một ngày mà báo chí gọi là "Thứ sáu đen tối", khi hàng vạn người xuống đường trên cả nước để phản đối chương trình cải cách lao động của chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN