Ngay cả khi nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền quyết định từ chức hay tìm cách tách mình khỏi ông Trump, Mike Pompeo vẫn chứng tỏ là người trung thành đến phút chót, khi không ngừng lên tiếng bảo vệ tổng thống Mỹ, đồng thời chỉ trích số “từ bỏ hàng ngũ”. Phát biểu trước một nhóm nghị sĩ Cộng hòa sau vụ bạo loạn tại Quốc hội hôm 6/1, ông Pompeo khẳng định: Lịch sử sẽ ghi nhớ những gì chính quyền Tổng thống Trump đã làm được.
Sợi dây liên kết gần gũi với ông Trump đã định hình nhiệm kỳ công tác của Mike Pompeo trên cương vị Ngoại trưởng. Số ủng hộ lẫn phản đối đều tin rằng, ông Pompeo hành xử như thể đặt mình vào xu hướng người kế nhiệm chính trị của ông Trump, dù ông Trump có tiếp tục thắng cử hay là lui về hậu trường.
Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ hoài nghi của ông Trump đối với đồng minh châu Âu và các tổ chức quốc tế, thường xuyên đưa ra phát biểu cứng rắn đi đúng vào ý định của ông Trump. Mike Pompeo đã bỏ qua quy định bất thành văn tồn tại lâu nay trong nền chính trị Mỹ: Ngoại trưởng cần né tránh chỉ trích đảng phái. Ông chưa bao giờ ngần ngại chỉ trích chính quyền tiền nhiệm hay các nghị sĩ Dân chủ tại Quốc hội. Mới nhất là đòn tấn công của ông nhằm vào Barack Obama vì đã ủng hộ Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga.
Mike Pompeo là một trong rất ít người đạt được thành công tại Nhà Trắng xét trên khía cạnh thiết lập được quan hệ trực tiếp với Tổng thống Mỹ. Người tiền nhiệm Rex Tillerson cùng nhiều thành viên nội các, quan chức cấp cao khác đều phải rời Nhà Trắng do có xung đột, đụng độ với ông Trump và thường bị sa thải chỉ bằng những thông báo của Tổng thống trên Twitter. Nhưng ông Pompeo vẫn tồn tại đến phút cuối mà gần như không bị ông Trump gán điều tiếng gì.
Tại thời điểm ông Trump chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, đa phần giới chức cấp cao Nhà Trắng đều chọn cách ẩn mình, nhưng Mike Pompeo là trường hợp khác biệt. Ông Pompeo bung ra hàng loạt quyết định chính sách và thông báo trên Twitter, khẳng định cá nhân ông là ngoại trưởng tạo dấu ấn lịch sử, người cận vệ trung thành của tổng thống.
Ngay trong tháng này, ông Pompeo đã đảo lộn chính sách đồng thuận lưỡng đảng khi dỡ bỏ lệnh giới hạn tiếp xúc cấp với chính quyền Đài Loan/Trung Quốc. Ông cũng phớt lờ kêu gọi của các tổ chức hỗ trợ nhân đạo khi quyết định liệt phiến quân Houthi ở Yemen là “quân khủng bố”; kế đến là đưa Cuba vào danh sách các nước “tài trợ khủng bố”, tuyên bố Iran là “căn cứ nuôi dưỡng” Al Qaeda mà không đưa ra bằng chứng cụ thể nào.
Những quyết định chóng vánh này sẽ tạo ra một số khó khăn cho chính quyền Joe Biden, bởi chúng đi ngược lại những dự kiến chính sách mà đội chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử Mỹ theo đuổi. Nhưng với giới hoạch định chính sách hiếu chiến, hành động này lại dễ được lòng cử tri Cộng hòa, trong đó có cử tri Mỹ gốc Cuba ủng hộ ông Trump.
Theo ông Pompeo, nước Mỹ dưới thời Donald Trump đã đẩy lui được các đối thủ và nhiều thể chế thù địch, đứng lên đối phó với Trung Quốc về thương mại cùng những vấn đề khác, rút khỏi các tổ chức quốc tế, thỏa thuận đa phương không còn phù hợp với lợi ích của Mỹ. Trong khi đó số chỉ trích lại nhìn nhận chính quyền Donald Trump đẩy nước Mỹ xa lánh đồng mình, làm suy yếu quyền lực mềm của Mỹ, khiến Mỹ xích lại gần với các thể chế chuyên quyền…
Trong quan hệ với báo chí, truyền thông, Mike Pompeo dường như không muốn kém cạnh Donald Trump. Ông chỉ trích truyền thông có ý đồ hủy hoại, bôi xấu ông Trump. Ngoại trưởng Mỹ thường nói rằng câu hỏi của phóng viên tại các cuộc họp báo là “ngờ nghệch”, “lố bịch” hay “thực sự nực cười”. Nhưng nếu quyết định tham gia tranh cử với tư cách ứng cử viên của đảng Cộng hòa năm 2024, chính quan hệ lạnh nhạt giữa ông với truyền thông lại dễ được lòng số cử tri Cộng hòa.
Những chuyến công du trong nội địa, những phát biểu gây sốc về đảng phái cùng những cuộc gặp gỡ với các nhà tài trợ của đảng Cộng hòa, cử tri tin lành gần đây của ông Pompeo đều đặt ra câu hỏi: Liệu Ngoại trưởng Mỹ có tận dụng nhiệm kỳ công tác ở Nhà Trắng để thúc đẩy sự nghiệp chính trị của riêng ông?
Ở thời điểm hiện tại, Mike Pompeo từ chối nói về các dự định trong tương lai sau khi rời Nhà Trắng. Nhưng ông vẫn khuyến khích số người ủng hộ theo dõi ông trên mạng Twitter.