Trung Quốc với “Giấc mộng châu Á - Thái Bình Dương”

Hai năm trước đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến báo chí trong nước và quốc tế tốn không ít giấy mực khi nói về “Giấc mộng Trung Hoa”, được ông giải thích ngắn gọn là “bước chấn hưng dân tộc vĩ đại”. Mới nhất, tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc một lần nữa khiến dư luận xôn xao khi nói về “Giấc mộng châu Á - Thái Bình Dương”.

Theo lời ông Tập Cận Bình, “Giấc mộng châu Á - Thái Bình Dương” dựa trên nền tảng cả khu vực cùng chung vận mệnh, vì hòa bình, phát triển và lợi ích chung, với hợp tác kinh tế là điểm nhấn quan trọng nhất. Ông đồng thời khẳng định, với nền tảng sức mạnh quốc gia ngày một lớn mạnh, Trung Quốc có khả năng và sẵn sàng “đưa ra những sáng kiến và tầm nhìn giúp tăng cường hợp tác khu vực”. Những sáng kiến này đã được làm rõ. Đó là ý tưởng thúc đẩy thành lập Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); là dự án xây dựng Con đường tơ lụa cả trên bộ và trên biển. Trước đó là việc cho ra đời Ngân hàng Đầu tư Phát triển Cơ sở Hạ tầng châu Á, với số vốn điều lệ 100 tỉ USD, phần lớn do Trung Quốc đóng góp. Để hiện thực hóa “Giấc mộng” này, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh cả khu vực cần nỗ lực “bằng hai” để tạo lập quan hệ đối tác tin cậy, hợp tác cùng thắng.

Con đường tơ lụa trên bộ và trên biển theo đề xuất của Trung Quốc.
Ảnh: THX/TTXVN


Có một điều mà ông Tập Cận Bình không nói ra, nhưng hầu như ai cũng nhận thấy: “Giấc mộng châu Á - Thái Bình Dương” là dựa trên tinh thần “cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương” và không có chỗ đứng cho các lực lượng bên ngoài. Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc ngầm nhắc đến khái niệm “châu Á thuộc về người châu Á”. Tại Hội nghị Hợp tác và Xây dựng Lòng tin châu Á (CICA) được tổ chức tại Bắc Kinh (5/2014), ông Tập Cận Bình đã nói thẳng rằng, mọi vấn đề của châu Á phải do người châu Á giải quyết - một quan điểm được một số học giả cho là bản sao “Học thuyết Monroe” của nước Mỹ.

Quan trọng hơn, trong cục diện “châu Á - Thái Bình Dương” này Trung Quốc nằm ở đâu? Tại diễn đàn APEC vừa qua, Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội để thực thi kế sách ngoại giao “tấn công quyến rũ” (Charm Offensive) đối với các nước trong khu vực. Chủ tịch Tập Cận Bình nhìn nhận, Trung Quốc hiện là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực và muốn “chung sống hài hòa” với các nước láng giềng. Ông Tập cũng thông báo kế hoạch Trung Quốc sẽ đầu tư ra bên ngoài 1.250 tỉ USD trong một thập kỉ tới đây; tuyên bố góp 40 tỉ USD để thực hiện dự án “Con đường tơ lụa” nhằm loại bỏ mọi “nút thắt cổ chai” cản trở kết nối tại châu Á. Lãnh đạo Trung Quốc đã rất ẩn ý khi nói rằng, mọi quốc gia đều được chào đón “lên chuyến tàu phát triển của Trung Quốc” - như là một sự khẳng định ngầm vị thế cầm trịch của Trung Quốc trong “Giấc mộng châu Á - Thái Bình Dương”.

Tư tưởng “châu Á thuộc về người châu Á” thực ra không phải là điều mới mẻ. Trong những năm 1930, Nhật Bản đã từng đưa ra học thuyết “Đại Đông Á” với điểm cốt lõi là tạo ra một khối các quốc gia châu Á do Nhật Bản lãnh đạo, không phụ thuộc vào phương Tây. Nhưng học thuyết này đã phá sản, đi liền với đó là sự sụp đổ của đế chế Nhật. Nguyên nhân là vì đây chỉ là vỏ bọc để giới quân phiệt Nhật Bản “bao biện” cho tiến trình đô hộ, xâm lược nhiều nước châu Á.

Trung Quốc cũng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong hàng ngàn năm lịch sử, với một thực tế được ghi nhận là: Khi nào Trung Quốc duy trì được quan hệ tốt đẹp với bên ngoài, không bộc lộ tham vọng quyền lực dựa trên chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tự coi mình là trung tâm của châu Á thì Trung Quốc phát triển ổn định. Sự thịnh vượng, phát triển của Trung Quốc giúp duy trì hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực sẽ luôn được ghi nhận và đánh giá cao. Nhưng ngược lại, nếu Trung Quốc trỗi dậy bằng mọi giá, làm phương hại đến lợi ích của các nước xung quanh thì đó sẽ là điều bị lên án. Để thuyết phục dư luận về “Giấc mộng châu Á - Thái Bình Dương” - một sự cụ thể hóa của “Giấc mộng Trung Hoa, Trung Quốc cần nhiều hành động hơn lời nói. Người ta sẽ chỉ “lên chuyến tàu” cùng Trung Quốc, khi họ không còn nhận thấy những điểm nghi ngại trong lối hành xử của Bắc Kinh.

Hoài Thanh

Trung Quốc bỏ 40 tỉ USD xây 'Con đường tơ lụa mới'
Trung Quốc bỏ 40 tỉ USD xây 'Con đường tơ lụa mới'

Con đường tơ lụa mới trên bộ dự kiến sẽ bắt nguồn từ Xi’an, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, đông bắc Trung Quốc, chạy dọc qua Trung Á, Trung Đông và vươn tới châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN