Theo báo Deutsche Welle (Đức), Trung Quốc và Nga đã tăng cường "quan hệ đối tác không giới hạn" trong những tuần gần đây, với việc các quan chức cấp cao của cả hai bên tổ chức các cuộc gặp ở Bắc Kinh và Moskva để tăng cường quan hệ trong một số lĩnh vực. Cuối tuần trước, đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Li Hui đã đến Moskva và có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Tại cuộc gặp, ông Lavrov đổ lỗi cho Ukraine và các nước phương Tây về điều mà ông gọi là "những trở ngại nghiêm trọng" ngăn cản các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moskva và Kiev, đồng thời tái khẳng định cam kết của Nga đối với "một giải pháp chính trị-ngoại giao cho cuộc xung đột”. Ngoài ra, ông Lavrov cũng đánh giá cao lập trường "cân bằng" của Bắc Kinh đối với cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Cuộc họp của đặc phái viên Trung Quốc tại Moskva diễn ra sau chuyến thăm châu Âu của ông để thảo luận với các quan chức từ một số nước EU. Sau cuộc gặp với ông Li tại Brussels hôm 26/5, quan chức chính sách đối ngoại cấp cao của EU, ông Enrique Mora, cho biết khối này kỳ vọng Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy Nga chấm dứt giao tranh ở Ukraine. Các quan chức ở Ukraine và Ba Lan cũng bày tỏ những thông điệp tương tự.
Trong khi Trung Quốc hy vọng chuyến thăm của ông Li sẽ làm dịu đi những nghi ngờ về vai trò của họ với tư cách là một bên trung lập trong cuộc xung đột, một số nhà phân tích cho rằng các nước châu Âu phần lớn đã tiếp đón đặc phái viên của Bắc Kinh một cách thận trọng. Justyna Szczudlik, nhà phân tích Trung Quốc tại Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan (PISM), cho biết: “Khi chúng tôi xem xét các báo cáo do các nước châu Âu đưa ra, rõ ràng là châu Âu chưa chấp nhận lập trường 12 điểm của Trung Quốc về cuộc xung đột ở Ukraine”.
Vào ngày 24/5, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, quan chức cấp cao nhất của Nga đến thăm Trung Quốc kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, đã ký một số thỏa thuận với Trung Quốc nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác đầu tư và thương mại, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản của Nga sang Trung Quốc cũng như tăng cường giao lưu thể thao.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, ông Mishustin cho biết quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh đang ở "mức độ cao chưa từng thấy", trên cơ sở sự tôn trọng lẫn nhau và mong muốn cùng nhau ứng phó với những thách thức do phương Tây đặt ra. Ông Lý Cường cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để thực hiện các dự án chung và tạo sự hợp tác thực chất trong nhiều lĩnh vực.
Ngoài chuyến đi của ông Mishustin tới Trung Quốc, người đứng đầu hội đồng an ninh Nga Nikolai Patrushev cũng đã có cuộc hội đàm với quan chức an ninh hàng đầu của Trung Quốc Chen Wenqing tại Moskva. Trong khi các cuộc đàm phán như vậy được tổ chức hàng năm, các chuyên gia cho rằng thời điểm diễn ra cuộc thảo luận và trao đổi song phương trên đã được kích hoạt bởi sự xấu đi trong quan hệ giữa Nga và Mỹ, cũng như Trung Quốc và Mỹ.
Theo Alexander Korolev, chuyên gia về quan hệ Nga-Trung tại Đại học New South Wales (UNSW) ở Australia, kết quả của hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima khiến Trung Quốc và Nga tin rằng họ cần tăng cường hơn nữa hợp tác song phương, cũng như các nước phương Tây đang nỗ lực thành lập một mặt trận thống nhất chống lại họ.
Trong thông cáo được đưa ra vào cuối hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo từ 7 nền kinh tế - Mỹ, Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp, Đức và Italy - đã cam kết các bước mới nhằm hạn chế việc giúp Nga lách trừng phạt, trong khi thừa nhận sự cần thiết phải kiềm chế việc Trung Quốc sử dụng biện pháp "cưỡng chế kinh tế" đối với các nước khác.
"Khi cuộc xung đột ở Ukraine và nhu cầu đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc được gộp lại với nhau, Trung Quốc càng được khuyến khích củng cố và tăng cường quan hệ với Nga vốn đã khá bền chặt", chuyên gia Korolev nhận định.