Theo một số chuyên gia, Trung Quốc sẽ thay đổi mô hình phát triển kinh tế, dựa chủ yếu vào kích cầu thị trường nội địa. Nhận định này được đưa ra sau khi Bắc Kinh vừa ra thông cáo về kỳ họp sắp tới của cơ quan lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc - Hội nghị Toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 3 khóa 18), diễn ra từ ngày 9-12/12.
Toàn cảnh khu Waigaoqiao thuộc khu thương mại tự do tại thành phố Thượng Hải. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo "Báo Độc lập" (Nga) hội nghị này sẽ đưa ra quyết định về việc làm sâu sắc toàn diện các cuộc cải cách đã được đưa ra thảo luận sôi nổi trong Đảng từ nhiều tháng trở lại đây.
Chiến lược thay đổi mô hình phát triển kinh tế của thế hệ mới lên cầm quyền ở Trung Quốc được bắt đầu nhắc tới từ hồi tháng 3 năm nay. Khi đó Đại hội toàn quốc ĐCS Trung Quốc đề cập đến chiến lược cải cách sâu rộng nền kinh tế thị trường, hay còn gọi là cuộc cách mạng đô thị.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế Trung Quốc, chiến lược này nhằm khắc phục những mặt tiêu cực của mô hình phát triển hiện nay vốn dựa chủ yếu vào xuất khẩu. Mặc dù mô hình hiện nay đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, song trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây, đã dần đánh mất vai trò động lực thúc đẩy kinh tế. Bên cạnh đó, mô hình này còn bộc lộ các điểm yếu và lỗ hổng như hiệu quả quản lý đầu tư nhà nước thấp, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các tỉnh nằm sâu trong nội địa với các tỉnh thành duyên hải có hoạt động xuất khẩu sôi động.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng của Trung Quốc hiện nay là sự trì trệ của các làng quê vốn đã không đủ đất canh tác lại còn bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Hậu quả là gần 250 triệu người lao động phải bỏ nông thôn ra thành thị tìm việc làm, trở thành lao động thời vụ hoặc người lao động di cư. Lực lượng này chủ yếu làm việc ở các công trường xây dựng, nhà máy ở thành phố, không được đảm bảo điều kiện sống trung bình, không được hưởng các dịch vụ y tế và xã hội.
Về mặt lý thuyết, các vấn đề này có thể giải quyết bằng cách tiến hành các cuộc cải cách, đẩy nhanh tốc độ xây dựng các thành phố mới, hay còn gọi là cách mạng đô thị. Cuộc cách mạng này xem xét việc đưa ồ ạt người dân từ nông thôn ra các thành phố và tạo cho họ việc làm ở đó.
Trước mắt nguồn lực để thực hiện kế hoạch trên là khoản thu từ phát hành trái phiếu và kêu gọi người dân tham gia đóng góp từ tiền tiết kiệm. Theo kết quả thống kê, Trung Quốc hiện là một trong những nước mà người dân có tiền tiết kiệm cao nhất thế giới. Ban lãnh đạo Trung Quốc dự kiến sẽ không đưa người dân từ nông thôn ra các thành phố lớn vốn đã quá tải, mà đưa họ ra các cụm đô thị nhỏ và trung bình với mục tiêu phát triển các nghề dịch vụ chứ không phải làm trong ngành công nghiệp.
Theo tính toán của những người soạn thảo kế hoạch, trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc sẽ chi khoảng 7.000 tỷ USD để đưa khoảng 400 triệu dân từ nông thôn ra thành thị. Tuy nhiên, trong nội bộ ĐCS Trung Quốc đang có ý kiến cần xem xét lại khối lượng đầu tư do tỷ lệ nợ công đang ở mức cao. Vì vậy tại kỳ họp tới, Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh lại chiến lược và chỉ thông qua những nội dung chung nhất và Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc sẽ thông qua quyết định về các vấn đề cơ bản trong chính sách thúc đẩy mọi mặt cải cách đi vào chiều sâu nhằm hoàn thiện và phát triển chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung quốc.
Trao đổi với báo "Độc lập" (Nga), Phó Giám đốc Viện Viễn Đông Andrei Ostrovski cho rằng Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 sẽ thông qua nhiều quyết sách quan trọng trong chính sách kinh tế, trước hết là tự do hóa chuyển nhượng đất đai hiện đang nằm trong sở hữu tập thể.
Trung Quốc sẽ xem xét cho phép tự do mua, bán hoặc cho thuê đất. Bên cạnh đó, vốn của tư nhân cũng có thể được đưa vào hoạt động của ngân hàng nhằm thúc đẩy thị trường nội địa với hơn 1,3 tỷ dân. Chuyên gia này nhấn mạnh các cuộc cải cách thị trường sẽ đẩy nhanh quá tiến trình cách mạng đô thị đang diễn ra khá phổ biến ở Trung Quốc. Trong tương lai không xa khoảng 1 tỷ dân Trung Quốc sẽ là người thành thị.
Cao Cường