Trung Quốc sẽ làm gì sau khi bị Mỹ áp thêm thuế?

Các chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể kích thích kinh tế trong nước trong lúc chờ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, chứ không chịu đầu hàng Mỹ trong đàm phán thương mại.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng mạnh trước thông tin Mỹ sẽ áp thuế 10% với hàng hóa trị giá 300 tỷ USD từ ngày 1/9.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nói tại cuộc họp báo hàng ngày rằng Bắc Kinh sẽ phải thực hiện biện pháp đối phó nếu Mỹ định tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc.

Bà nói thêm rằng dù Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ nhưng cũng không ngại chiến đấu.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump thông báo áp thuế mới với hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, trong một loạt tweet ngày 1/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo áp thuế mới với hàng Trung Quốc. Động thái này đã phá vỡ thời gian đình chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nhà đầu tư lo ngại chuỗi cùng toàn cầu có thể bị gián đoạn thêm.

Thông báo mới của Tổng thống Trump cũng khiến các thị trường tài chính bất ngờ, phần lớn là vì các nhà đàm phán hai bên vừa mới gặp nhau đầu tuần này ở Trung Quốc. Các chỉ số chứng khoán toàn cầu đều sụt giảm mạnh ngày 1/8.

Phát biểu trên đài truyền hình Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định mức thuế mới chắc chắn không phải là biện pháp đúng đắn và mang tính xây dựng để giải quyết bất đồng thương mại song phương.

Sau đây là một số động thái Trung Quốc có thể toan tính trong thời gian tới.

Kích thích kinh tế trong nước

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Trung Quốc có thể kích thích tài chính thay vì kích thích tiền tệ để tăng cường nền kinh tế trong nước. Đáng chú ý là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã không cắt giảm lãi suất sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ mới cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ.

Theo chiến lược gia Robertsen, động thái trên có thể chứng minh Trung Quốc muốn ổn định tiền tệ để thu hút vốn cho các thị trường nội địa.

Theo ông Timothy Moe, đồng giám đốc bộ phận nghiên cứu vĩ mô châu Á và phụ trách chiến lược chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng Goldman Sachs, trong bối cảnh bất ổn gia tăng ở nước ngoài, Trung Quốc sẽ phải hỗ trợ kinh tế trong nước để đạt mục tiêu tăng trưởng 6 đến 6,5%. 

Số liệu trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy tăng trưởng GDP Trung Quốc là 6,3%. Ông Moe nói: “Chúng tôi thực sự cho rằng một trong những động thái Trung Quốc có thể thực hiện là tiếp tục kích thích kinh tế trong nước. Yếu tố bên ngoài yếu ớt và rõ ràng bị ảnh hưởng bởi xung đột thương mại Mỹ-Trung, vì thế, để giảm ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài nền kinh tế, cần đầu tư hoặc các hoạt động hỗ trợ mức cầu nội địa tương ứng”.

Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp như nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm thuế để hỗ trợ nền kinh tế. Các động thái tiếp theo có thể sẽ là kích thích tài chính. 

Trước đây, Trung Quốc thường dùng biện pháp kích thích tín dụng khi muốn kích thích nền kinh tế. Trong giai đoạn đó, cho vay trên thị trường bất động sản thường gia tăng.

Tuy nhiên, tuần này, Trung Quốc đã quyết định sẽ tăng cường nỗ lực kích thích mức cầu và hỗ trợ nền kinh tế, nhưng sẽ không dùng thị trường bất động sản để kích thích ngắn hạn.

Các diễn biến trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khiến các thị trường xáo trộn trong hơn một năm qua. Dó dấu hiệu cho thấy đòn thuế trả đũa giữa hai bên đang gây tác động thật lên các nền kinh tế khắp thế giới.

Kiên nhẫn chờ đợi

Chú thích ảnh
Trung Quốc có thể chờ cho tới khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Ảnh: AFP

Theo kênh CNBC, ngoài ra, Trung Quốc được đánh giá là có thể cầm cự lâu hơn để chờ cho tới khi kết thúc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Chiến lược gia toàn cầu Eric Robertsen, phụ trách chiến lược vĩ mô toàn cầu tại Ngân hàng Standard Chartered, nhận định: “Về mặt thời gian, tôi cho rằng Trung Quốc có thể chịu đựng giỏi hơn. Có thể thấy rất rõ ràng là Trung Quốc đang cố gắng chờ kết quả bầu cử Mỹ với hy vọng có thể chúng ta sẽ có một ai đó khác ở Nhà Trắng”.

Trong thực tế, ưu tiên số một của Tổng thống Trump là tái đắc cử vào năm tới, còn Trung Quốc thì cố gắng chờ điều ngược lại. Các nhà phân tích cho biết họ nghĩ rằng Trung Quốc sẽ chính thức sử dụng chiến lược chờ đợi hơn là đầu hàng yêu cầu của Mỹ. 

Một nhà kinh tế tại ngân hàng Hà Lan ING, bà Iris Pang, nhận định rằng Trung Quốc có thể muốn kéo dài cuộc chiến thương mại với Mỹ vì “một cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt không thể giúp tăng cơ hội tái đắc cử cho Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử 2020”.

Bà Iris Pang nói: “Chúng tôi cho rằng chiến lược của Trung Quốc trong bối cảnh leo thang chiến tranh thương mại sẽ là 'câu giờ' và trả đũa theo kiểu ăn miếng trả miếng. Điều này có thể kéo dài giai đoạn trả đũa cho tới khi diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Trung Quốc sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ đánh thuế
Trung Quốc sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ đánh thuế

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, trong cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh ngày 2/8, cho biết Trung Quốc sẽ có các biện pháp đáp trả nếu Mỹ nhất định áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN