Trừng phạt Nga: Chỉ “giơ cao đánh khẽ”?

Liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vừa đồng loạt tung ra nhiều biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Tuy nhiên, các đòn trừng phạt này chủ yếu mang tính tượng trưng, mà theo các nhà phân tích, nó cho thấy sự tính toán thận trọng thiệt - hơn của cả Mỹ và EU.


Tượng trưng là chính


Biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ công bố ngày 28/4 thực ra chỉ là kéo dài thêm danh sách trừng phạt thêm 7 cá nhân có quan hệ thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và 17 công ty ở Nga. Trong khi đó, EU cũng đã bổ sung thêm 15 cái tên vào “danh sách đen” với cáo buộc rằng những người này đã kích động bất ổn ở Ukraine. Nhà phân tích Joerg Forbrig thuộc Quỹ Marshall của Đức cho rằng biện pháp trừng phạt của châu Âu nói chung chỉ mang tính tượng trưng, “không làm ai đau và thực chất nghiêng về tuyên bố ý định nhiều hơn”.

 

Các tay súng bịt mặt phong tỏa bên ngoài chi nhánh ngân hàng Private ở Donetsk ngày 28/4. Ảnh: AFP/ TTXVN

 


Hành động “giơ cao đánh khẽ” này của cả Mỹ và EU đều khiến giới chuyên gia ngạc nhiên khi trước đó Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rất cứng rắn sẽ trừng phạt Nga thích đáng vì đã “không nhấc một ngón tay” giảm căng thẳng ở miền đông Ukraine. Giới lãnh đạo EU, trong đó có Đức, cũng tương đối kiên quyết trong vấn đề trừng phạt Nga.


Ngoài ra, dư luận cũng nghĩ rằng Mỹ sẽ tung đòn trừng phạt kinh tế toàn diện nhằm vào các ngành quan trọng của Nga như năng lượng, khai mỏ, tài chính. Thậm chí có tin đồn rằng tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga sẽ “hứng đòn”. Tuy nhiên, tin đồn này hóa ra lại không đúng.


Ông Steven Pifer, chuyên gia cấp cao viện Brookings, nhận định do lệnh trừng phạt của EU buộc phải nhận được sự đồng thuận của cả 28 nước thành viên, nên biện pháp cuối cùng chỉ ở mức khiêm tốn nhất. Nhiều nước châu Âu, điển hình là cường quốc kinh tế Đức, có mối ràng buộc tài chính và thương mại khá nặng nề với Nga và họ sợ rằng sẽ bị “phản đòn” một khi nền kinh tế Nga bị thiệt hại. Hơn nữa, nếu Nga đáp trả, châu Âu sẽ bị đe dọa nhiều hơn là Mỹ. Về phần Mỹ, nước này có thể không dám áp dụng một số biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga vì họ không muốn đi quá xa so với châu Âu.


Miền đông Ukraine vẫn nóng


Trong khi các nước mải đe dọa trừng phạt nhau thì tình hình miền đông Ukaine vẫn ngày một căng thẳng. Thị trưởng thành phố Kharkov, ông Gennady Kernes, ngày 28/4 đã bị một tay súng không rõ danh tính bắn trọng thương, gây nguy hiểm đến tính mạng và phải đưa đến Israel điều trị. Đây là hành động bạo lực mới nhất ở khu vực này.

Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk ngày 29/4 đã kêu gọi các nghị sĩ sửa đổi hiến pháp theo hướng trao thêm quyền lực cho chính quyền địa phương với nỗ lực làm dịu căng thẳng ở các khu vực miền Đông nước này. Phát biểu trước quốc hội, ông Yatsenyuk nói: "Việc quyền lực tập trung quá nhiều ở chính quyền trung ương cần được bãi bỏ, và một phần quan trọng trong số những quyền lực về chính trị, kinh tế, tài chính, xã hội và con người phải được chuyển giao cho các cộng đồng địa phương".


Hiện vẫn chưa rõ vụ tấn công có liên quan trực tiếp tới căng thẳng sôi sục ở miền đông Ukraine hay không. Tuy nhiên, một người thân cận của ông Kernes cho rằng những người ủng hộ chính quyền lâm thời Ukraine có thể đứng sau vụ này. Gần đây, trong một phiên họp quốc hội kín, một số nghị sĩ Ukraine giận dữ đòi bắt ông Kernes càng sớm càng tốt. Nguyên nhân là sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ, ông Kernes đã ủng hộ Kharkov độc lập với chính quyền Kiev, dù sau đó đã thay đổi quan điểm.


Tại Donetsk, 14 người đã bị thương khi người biểu tình dùng gậy bóng chày, thanh sắt, dao tấn công một đoàn người tuần hành kêu gọi đoàn kết dân tộc. Trong một vụ khác, khoảng 300 tay súng không rõ danh tính đã đột nhập văn phòng chi nhánh ngân hàng Private và tập đoàn khai thác khoáng sản thuộc sở hữu của ông Igor Kolomoisky, tỷ phú đồng thời là Thống đốc vùng Dnipropetrovsk. Trong khi đó, tại thành phố Slavyansk, lực lượng biểu tình đã bắt giữ khoảng 40 người và chưa đưa ra bất kỳ điều kiện nào cho việc thả con tin.


Trước những diễn biến bạo lực trên ở Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng cần khẩn cấp giải giáp các phần tử thuộc nhóm cực hữu “Cánh hữu” và thực hiện những biện pháp thực sự hướng tới cải cách hiến pháp.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN