Trung - Nhật: Tranh chấp trên miệng hố chiến tranh

Căng thẳng trong tranh chấp lãnh hải giữa Nhật Bản và Trung Quốc gần đây đã chuyển sang giai đoạn mới - sẵn sàng đe dọa nhau một cách công khai. Trong khi Tokyo tuyên bố rằng các máy bay không người lái của Trung Quốc bay trên không phận đảo Senkaku sẽ bị bắn hạ thì Bắc Kinh cảnh báo, việc bắn rơi các máy bay không người lái trên quần đảo Điếu Ngư là hành động “khiêu chiến” và sẽ đáp trả quyết liệt.

Hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên biển Hoa Đông. Ảnh: THX.


Trung Quốc đã liên tục gia tăng áp lực đối với Nhật Bản về quần đảo đang tranh chấp sau khi điều các tàu chiến áp sát quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đồng thời phương tiện truyền thông nước này thông báo rằng Bắc Kinh bắt đầu đưa hạm đội tàu ngầm hạt nhân đầu tiên tuần tra trên biển.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tổ chức cuộc tập trận hải quân ở vùng Thái Bình Dương. Chính chuyến bay của hai máy bay ném bom và hai máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc tham gia cuộc tập trận gần sát không phận các hòn đảo phía Nam của Nhật Bản cuối tuần qua đã gây ra sự hoảng hốt đối với Tokyo. Không phận của Nhật tuy chưa bị vi phạm nhưng trong cả hai trường hợp, các máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã phải cất cánh khẩn cấp để sẵn sàng đánh chặn.

Trong khi đó, phát biểu tại căn cứ quân sự "Camp Asaka" ở ngoại ô Tokyo ngày 27/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng nước này sẽ không cho phép thay đổi hiện trạng xung quanh quần đảo Senkaku và sẵn sàng quyết đoán hơn với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đe dọa hành động nếu bị khiêu khích.

Trả lời phỏng vấn tờ "Wall Street Journal", Thủ tướng Abe cho biết Nhật Bản nên đi đầu trong việc bảo vệ trước cái mà ông gọi là nỗ lực sử dụng vũ lực để đạt được các mục tiêu ngoại giao của Trung Quốc.

"Có những quan ngại rằng Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, chứ không phải bằng pháp luật. Nhưng nếu Trung Quốc chọn cách này, họ sẽ không thể trỗi dậy hòa bình. Vì vậy, họ không nên chọn con đường đó. Nhiều nước hy vọng Nhật Bản sẽ mạnh mẽ bày tỏ quan điểm này và hy vọng Trung Quốc sẽ hành động có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", ông Abe nói.

Bên cạnh đó, phương tiện truyền thông Nhật Bản nói rằng ông Abe đã thông qua một kế hoạch cho phép quân đội nước này bắn hạ máy bay do thám nước ngoài nếu phớt lờ lời cảnh báo phải rời khỏi không phận của mình. Tokyo cũng đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc diễn tập trên không và trên biển quan trọng với sự tham gia của các tàu khu trục, máy bay chiến đấu và 34.000 binh sĩ Nhật Bản vào tháng 11 tới để củng cố và thúc đẩy năng lực bảo đảm an ninh cho các hòn đảo ở xa.

Trung Quốc đã phản ứng rất quyết liệt với kế hoạch trên của Nhật Bản. "Chúng tôi nhấn mạnh với các bên liên quan rằng không nên đánh giá thấp quyết tâm mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nếu Nhật Bản có các hành động mang tính áp đặt như bắn hạ máy bay, như những gì họ đã nói, (chúng tôi sẽ coi) đó là hành vi khiêu khích nghiêm trọng, một hành động có thể châm ngòi chiến tranh, và Trung Quốc sẽ đáp trả quyết liệt. Bên khiêu chiến sẽ phải chịu mọi hệ lụy của hành vi này", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nói.

Nhận định về diễn biến ở biển Hoa Đông, Valery Kistanov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói: “Chắc là căng thẳng Trung - Nhật xung quanh quần đảo này sẽ leo thang. Tình trạng này sẽ không chấm dứt trong tương lai gần, vì đây là cuộc chiến thần kinh. Đâu là lối thoát? Có vẻ như là sẽ rơi vào đối đầu quân sự”.

Tuy nhiên, ông Kistanov cũng cho rằng xung đột quân sự giữa Bắc Kinh và Tokyo khó xảy ra. Cả hai đều hiểu rằng không được để căng thẳng dẫn đến kết cục như vậy bởi vì chỉ một phát súng dù tình cờ hay bất kỳ một tình huống bất ngờ nào cũng gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng không lường trước được cả đối với Trung Quốc và Nhật Bản cũng như đối với toàn bộ khu vực Đông Bắc Á và thậm chí toàn bộ vùng Đông Á. Do đó, có thể dự đoán rằng, tình hình sẽ không sa vào xung đột vũ trang. Câu hỏi đặt ra là, khi nào họ sẽ bắt đầu tìm cách giảm bớt sự căng thẳng?


Vũ Thanh (Tổng hợp)

Nhật cáo buộc Trung Quốc gây phương hại tới hòa bình
Nhật cáo buộc Trung Quốc gây phương hại tới hòa bình

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cáo buộc cách hành xử của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền đối với các quần đảo tại biển Hoa Đông đang gây phương hại tới hòa bình giữa hai bên.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN