Các quan chức và chuyên gia an ninh phương Tây cho rằng Triều Tiên chưa có đủ phương tiện để tiến hành bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào nhằm vào lãnh thổ Mỹ như những đe dọa của họ.
Tên lửa Musudan được giới thiệu trong cuộc diễu binh nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, tháng 10/2010. Yonhap/ TTXVN |
Trong những năm gần đây, Bình Nhưỡng đã từng bước vững chắc cải thiện khả năng tên lửa của mình. Các quan chức Mỹ cho rằng tên lửa của Triều Tiên có khả năng bắn tới các khu vực và các bang xa xôi hẻo lánh của Mỹ như Alaska,
Hawaii hay căn cứ tại Guam.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, quan điểm này chỉ gây hoang mang sợ hãi vì không có bằng chứng nào chứng tỏ Triều Tiên đã thu nhỏ thành công một vũ khí hạt nhân để gắn vào một tên lửa tầm xa. Đây là một công nghệ phức tạp mà Mỹ, Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác đã đạt được cách đây hàng thập kỷ. Nói cách khác, tên lửa của Triều Tiên có thể bắn tới một số khu vực của Mỹ, song không phải là đất liền, và đây cũng chẳng phải là các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Gary Samore, chuyên gia hàng đầu về phát triển hạt nhân của Mỹ, cho rằng những lời đe dọa của nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong-un "chắc chắn chỉ là huênh hoang, khoác lác". Ông Samore nói: "Họ toàn toàn không có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn trúng Mỹ". Theo ông, Triều Tiên "không muốn tự sát". "Họ biết rằng bất kỳ cuộc tấn công trực tiếp nào (nhằm vào Mỹ) cũng sẽ đặt dấu chấm hết cho quốc gia của mình".
Một số chuyên gia vũ khí của Mỹ cho rằng có lẽ Triều Tiên đã thành công trong việc thiết kế, và có thể là chế tạo, một thiết bị hạt nhân thu nhỏ để gắn vào các tên lửa tầm trung Nodong. Tuy nhiên, điều này vẫn đang gây tranh cãi. Cho dù Bình Nhưỡng đã phát triển được một đầu đạn như vậy thì vẫn còn những nghi ngờ về việc liệu Triều Tiên đã thử nghiệm để đảm bảo rằng tên lửa đó hoạt động thành công hay chưa. Các tên lửa tầm trung như Nodong có thể bắn tới các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản, có thể tới Okinawa - nơi quân đội Mỹ đang hiện diện đông đảo. Tuy nhiên, các tên lửa này chưa đủ tầm để với tới các vùng lãnh thổ xa xôi của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Một tên lửa khác mà các cơ quan tình báo Mỹ đang theo dõi chặt chẽ là loại tên lửa KN-08 có tầm bắn xa hơn Nodong và lần đầu tiên được phô trương trong cuộc diễu binh của Triều Tiên cách đây một năm. Tháng trước, Đô đốc James Winnefeld - Phó Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - nói với các phóng viên: "Chúng tôi cho rằng KN-08 có tầm bắn tới Mỹ". Ngày 4/4, một quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết Mỹ tin rằng KN-08 có thể bắn tới Guam, Hawaii và Alaska, song không tới đất liền. Một quan chức khác thừa nhận rằng dự đoán của Mỹ về tầm bắn của tên lửa này dựa trên những thông tin tình báo hạn chế.
Greg Thielmann, một cựu quan chức tình báo Bộ Ngoại giao Mỹ đang làm ở Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, đã tỏ ra hoài nghi về khả năng của tên lửa KN-08. Ông cho biết khi một số chuyên gia kiểm tra các bức ảnh chụp tên lửa KN-08 ở vị trí gần trong cuộc phô trương ở Bình Nhưỡng, họ kết luận rằng đó chỉ là đồ giả hoặc là mô hình.
Ngày 4/4, các quan chức phương Tây đã xác nhận tin rằng Triều Tiên đã di chuyển một vũ khí khác, nhìn bên ngoài có thể là loại tên lửa tầm trung Musudan hoặc Nodong B, tới khu vực bờ biển phía đông. Các chuyên gia không rõ việc di chuyển tên lửa đó là động thái hăm dọa hay để chuẩn bị bắn thử. Tên lửa Musudan được cho rằng có tầm bắn 3.000 km. Cả Hàn Quốc, Nhật Bản và có lẽ là Guam đều nằm trong tầm bắn của tên lửa này. Ông Theilmann cho rằng tên lửa Musudan chưa từng được thử nghiệm, và như vậy, "không phải là một hệ thống sẵn sàng hoạt động và không phải là mối đe dọa đáng chú ý".
TTXVN/Tin Tức