Triển khai tàu sân bay tấn công áp sát Iran là chiến thuật ‘nghi binh’ của Mỹ?

Giới phân tích cho rằng quyết định gần đây của Mỹ triển khai nhóm tàu sân bay tấn công tới Trung Đông được xem hành động nghi binh và nó không thể gây ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai quốc gia.

Chú thích ảnh
Máy bay F-18 hạ cánh trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln khi tham gia tập trận trên không tại Vịnh Ba Tư. Ảnh: AP

Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton ngày 5/5 cho biết Mỹ đang triển khai nhóm tàu tấn công USS Abraham Lincoln tới gần Iran, làm nhiệm vụ cho Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) trong khu vực, nhằm truyền tải “một thông điệp rõ ràng và không thể nhầm lẫn tới chế độ Iran rằng bất kỳ cuộc tấn công nào ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ hay của các đồng minh đều sẽ bị đáp trả không nương tay”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ còn nhấn mạnh “Washington không muốn gây sự với Iran, song hoàn toàn sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào, dù xuất phát từ lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) hay từ lực lượng vũ trang thường trực”.

Động thái được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Tehran và Washington leo thang liên quan đến quyết định của Mỹ tăng cường trừng phạt Iran và các quốc gia nhập khẩu dầu nước này. Không chỉ vậy, Mỹ còn chính thức liệt lực lượng IRGC của Iran vào danh sách các nhóm khủng bố. Iran đã có động thái đáp trả tương tự đối với lực lượng CENTCOM của Mỹ.

Cuối tháng 4, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarifc cho biết các thành viên trong đội ngũ cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là ông Bolton, cũng như một số quốc gia đồng minh khác như Israel, Saudi Arabia… tìm cách đưa Washington vào một cuộc xung đột với Tehran.

Video máy bay không người lái Iran do thám quay cận cảnh tàu sân bay Mỹ (nguồn: RT):

Trả lời phỏng vấn với Đài Sputnik, Tiến sĩ Alam Saleh – giảng viên khoa chính trị Trung Đông tại Đại học Lancaster – nhận xét quyết định của Mỹ chỉ đơn thuần muốn gửi một thông điệp “sai” tới Iran.

“Quyết định điều tàu sân bay chỉ là một động thái quân sự gửi gắm thông điệp mang tính nghi binh. Đơn giản bởi vì họ không có phương án quân sự khi đối đầu với Iran. Tàu sân bay là một mục tiêu quân sự khi đối mặt với tên lửa Iran và Tehran cũng nhiều lần tập trận đối phó với tàu sân bay. Tàu sân bay vừa là một mối đe dọa vừa trở thành mục tiêu dễ dàng”, chuyên gia Saleh lý giải.

Trong khi đó, ông Sergei Demidenko - Phó Giáo sư tại Viện Khoa học Xã hội thuộc Đại học Kinh tế Nga - cho rằng việc triển khai nhóm tàu sân bay của Mỹ chỉ là một phần trong cái gọi là hành động chính trị. “Không có lý do nghiêm trọng nào mà phải lo lắng. Những động thái này không phải lần đầu cả hai bên đều thực hiện, nó chỉ là một phần thuộc lễ nghi chính trị - Iran tuyên bố sẽ đóng cửa Eo biển Hormuz, thì Mỹ phải phản ứng với lời đe dọa bằng răn đe quân sự”.

Ông Demidenko cũng loại trừ khả năng có cuộc đối đầu trực tiếp giữa Iran và Mỹ. “Họ đe dọa nhau, tàu sân bay được điều động để duy trì hiện trạng về mặt chính trị nhất định, mọi thứ sẽ không đi xa hơn”.

Theo chuyên gia Saleh, Mỹ hiện không có bất kỳ lựa chọn quân sự nào đối với Iran vì việc đó sẽ dẫn tới sai lầm. Quan trọng nhất là Mỹ không thể và không có quyền hay tính hợp pháp để tham gia một cuộc chiến tranh lâu dài ở Trung Đông kể từ năm 2003, sau khi diễn ra sự kiện Mỹ tấn công Iraq.

Những gì Iran có thể làm về mặt chiến lược quân sự là kéo dài thời gian của cuộc chiến. Do đó, sẽ rất khó để Mỹ tham gia một cuộc chiến như vậy. “Họ có thể là người khởi động, nhưng Iran sẽ quyết định khi nào chiến tranh chấm dứt", Saleh nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton có quan điểm diều hâu về vấn đề Iran. Ảnh: AP

Vậy liệu giải pháp hòa bình có là một cơ hội cho cuộc khủng hoảng giữa Iran và Mỹ? Chuyên gia Saleh cho rằng điều đó hiện tại là không thể.

“Với quyết định Washington coi IRGC là tổ chức khủng bố, tôi nghĩ rằng tất cả các cách thức và phương thức ngoại giao giữa Mỹ và Iran tạm thời đóng cửa. Bạn không bao giờ có thể thương lượng với khủng bố. Đây thực sự là một vấn đề chung, người Iran cũng coi các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực là khủng bố. Điều này bằng cách nào đó làm cho không thể có một giải pháp ngoại giao nào cho vấn đề trong khu vực", chuyên gia nhấn mạnh.

Liên minh châu Âu, với vai trò là một bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, có thể là nhân tố quốc tế duy nhất có thể giảm căng thẳng giữa Iran và Mỹ. Tuy nhiên, “mọi thứ dường như quá muộn trong bối cảnh Mỹ ngày càng gây sức ép đối với quốc gia Trung Đông này”, ông Saleh kết luận.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Đáp trả Mỹ, Iran có thể tái khởi động chương trình hạt nhân
Đáp trả Mỹ, Iran có thể tái khởi động chương trình hạt nhân

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Iran sẽ tái khởi động một phần chương trình hạt nhân của nước này nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tuy nhiên Tehran không có kế hoạch rút khỏi thỏa thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN