Quyết định bất ngờ
Ông Trump đưa ra quyết định hủy hội nghị dự kiến diễn ra ngày 12/6 tại Singapore vào đầu giờ sáng 24/5 sau một loạt cuộc gọi với nhiều cố vấn cấp cao. Trong tâm trạng giận dữ, ông đã tự viết lá thư dài ba đoạn gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un, thông báo hủy cuộc gặp giữa hai bên.
Ông Trump thông báo về quyết định hủy hội nghị với Triều Tiên. Ảnh: BBC |
Quyết định trên được đưa ra chưa đầy 12 giờ từ khi ông Trump và đội ngũ bắt đầu tính toán căng thẳng về khả năng “xếp xó” cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều mà nếu diễn ra sẽ mang tính lịch sử.
Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ tiết lộ với kênh NBC News rằng Tổng thống Donald Trump sợ rằng phía Triều Tiên có thể đoán được ý định của mình nên muốn trở thành người hủy hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều trước.
Một quan chức được thông tin về quá trình chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh cho biết cho đến ngày 23, không có dấu hiệu nào cho thấy hội nghị sẽ bị hủy. Quan chức này gọi quyết định của ông Trump là “rủi ro cao, lợi nhuận cao”.
Theo các quan chức Nhà Trắng, các cuộc thảo luận về hủy hội nghị bắt đầu từ tối muộn 23/5 và có sự tham gia của Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis không tham gia thảo luận nhưng đã được ông Trump gọi điện thông báo vào sáng hôm sau.
Theo các quan chức Nhà Trắng, mãi tới loạt điện thoại thứ hai từ 7 đến 9 giờ sáng 24/5, ông Trump mới bị thuyết phục hủy hội nghị. Bức thư của ông được gửi tới Triều Tiên lúc 9 giờ 43 sáng.
Quyết định xuất hiện đột ngột đến mức chính quyền Mỹ không thể thông báo trước với các đồng minh và lãnh đạo quốc hội. Bức thư được gửi đi khi mà hơn hai chục nhà báo nước ngoài, gồm cả nhà báo Mỹ, đang ở Triều Tiên để chứng kiến vụ dỡ bỏ bãi thử hạt nhân.
Trước đó, lúc 8 giờ 20 sáng 24/5, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn còn gửi thông báo cho phóng viên nói rằng ông Pompeo và các đối tác châu Á đang thảo luận tích cực để chuẩn bị cho hội nghị.
Bất đồng nội bộ
Động thái hủy hội nghị cho thấy bất đồng lớn giữa những cố vấn cấp cao của ông Trump.
Một số quan chức cho biết ông Pompeo, người đi đầu trong đàm phán với Triều Tiên, đã đổ lỗi cho ông Bolton vì phá hỏng nỗ lực đã đạt được. Ông Pompeo đã tới Bình Nhưỡng hai lần để gặp ông Kim Jong-un và giúp thuyết phục thả ba người Mỹ bị Triều Tiên giam giữ.
Ông John Bolton (phải), James Mattis (giữa) và Mike Pompeo trong một cuộc họp với Tổng thống ở Nhà Trắng ngày 17/5. Ảnh: Getty Images |
Còn ông Bolton từ lâu đã công khai ủng hộ thay đổi chế độ ở Triều Tiên và luôn muốn thuyết phục Tổng thống rút khỏi hội nghị.
Có quan chức cấp cao còn cho biết ông Bolton và Pompeo xung đột với nhau về hội nghị thượng đỉnh ngay sau khi hội nghị được đề xuất lần đầu. Bộ Ngoại giao muốn hoàn thành nhiều công việc liên quan đến các mục tiêu có thể đạt được trước khi ông Trump và ông Kim Jong-un gặp nhau.
Trong khi đó, ông Bolton đơn phương định hình hội nghị. Có người cho biết chính ông Bolton là người đề xuất quyết định hủy hội nghị và ông đã thuyết phục ông Trump thực hiện. Sau đó, ông Trump đã thông báo quyết định cho ông Pompeo.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao lại cho rằng không có căng thẳng giữa ông Pompeo và Bolton, mô tả “bộ tứ” kể trên khá ăn ý về chủ đề hội nghị thượng đỉnh.
Theo NCB News, một yếu tố dẫn tới quyết định của Tổng thống Trump đó là ông tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đang có xu hướng đưa ra một quyết định hủy hội nghị tương tự.
Thượng nghị sĩ Cory Gardner cho phóng viên biết ngày 24/5 rằng sau cuộc gặp tại Nhà Trắng, ông Trump đã đọc bức thư trực tiếp cho ông Bolton.
Trước đó, Tổng thống đã nghe những lời lẽ đe dọa nhau từ Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui.
Phó Tổng thống Mike Pence đe dọa Triều Tiên sẽ có cái kết của mô hình Libya. Ảnh: AP |
Một người gần gũi với ông Trump tiết lộ Tổng thống không hài lòng với ông Pence vì đã công khai đe dọa nhà lãnh đạo Triều Tiên là nếu họ không đáp ứng yêu cầu loại bỏ vũ khí hạt nhân, họ sẽ bị thay đổi chế độ. Ông Pence ngày 21/5 có nói: “Mọi thứ sẽ chỉ kết thúc như mô hình Libya nếu ông Kim Jong-un không đạt một thỏa thuận”.
Bình luận “mô hình Libya”`không khiến Tổng thống Trump ngạc nhiên vì mô hình này đã được ông Bolton đề cập nhiều lần và khiến Triều Tiên nổi giận. Ông Trump đã phải tìm cách xoa dịu Triều Tiên ngày 17/5 vừa rồi khi bác bỏ mô hình Libya và hứa đảm bảo an ninh cho ông Kim Jong-un.
Bình luận của ông Pence đã châm ngòi cho cơn giận của Triều Tiên và một quan chức ngoại giao cấp cao đã phản pháo bằng lời đe dọa đáp trả bằng “đối đầu hạt nhân”.
Dù đã tuyên bố hủy hội nghị nhưng xét bức thư của ông Trump, nhiều quan chức cho rằng ông vẫn để ngỏ cánh cửa khi nói rằng hội nghị có thể diễn ra trong tương lai.
Nhận định này được chứng minh khi ngày 25/5 Tổng thống Trump tuyên bố Washington đang thảo luận với Triều Tiền và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử vẫn có thể diễn ra vào ngày 12/6 như ban đầu.
Tổng thống Trump đã đánh giá cao cách phản ứng "nồng ấm và đầy tính xây dựng" của Triều Tiên đối với quyết định hủy cuộc gặp của ông.
Hiện dư luận lại tiếp tục chờ đợi các tuyên bố chính thức xoay quanh hội nghị này.