Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 17/4: 1.060 ca tử vong, Singapore, Indonesia 'sóng' dịch trở lại

Hết ngày 17/4, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 25.400 ca mắc bệnh COVID-19 và 1.060 người tử vong. Indonesia vượt qua Philippines trở thành nước có nhiều ca nhiễm nhất khu vực, trong khi Singapore đang đối phó với các cụm lây nhiễm trong cộng đồng lao động nhập cư.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người lao động nhập cư tại Bắc Sumatra, Indonesia ngày 9/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tính tới 23:59’ ngày 17/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 2.5450 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.345 bệnh nhân mới

Virus SARS-CoV-2 cũng đã khiến 1.060 người mạng trong khu vực, tăng 57 trường hợp so với một ngày trước đó. Đến ngày 17/4, khu vực ASEAN chứng kiến 6.846 bệnh nhân được điều trị thành công.

Indonesia vượt Philippines với nhiều ca bệnh cao nhất khu vực

Indonesia ngày 17/4 thông báo ghi nhận thêm 407 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 5.923. Như vậy, hiện số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã vượt Philippines, trở thành nước có số người mắc bệnh nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. 

Theo Bộ Y tế Indonesia, cũng trong ngày 17/4, nước này đã ghi nhận thêm 24 ca tử vong, đưa tổng số trường hợp tử vong tại nước này lên 420. Tính đến nay, nước này đã tiến hành 42.000 xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Tiến sĩ Achmad Yurianto, người phát ngôn Chính phủ về xử lý dịch COVID-19 cho biết, những số liệu mới nhất chỉ ra rằng tình trạng lây nhiễm vẫn đang diễn ra mạnh, đồng thời kêu gọi người Indonesia cùng nhau "chia sẻ vấn đề". Hôm 13/4, Indonesia đã tuyên bố COVID-19 là thảm hoạ quốc gia khi dịch tấn công toàn bộ 34 tỉnh trên khắp quần đảo.

Theo tờ Straits Times (Singapore), Giáo sư Wiku Adisasmito, người dẫn đầu nhóm chuyên gia thuộc đội đặc nhiệm phản ứng COVID-19, cho biết, dịch bệnh tại Indonesia có thể lên tới đỉnh điểm với khoảng 100.000 ca nhiễm và trên 1.000 ca tử vong vào tháng 5.

Đồng tình với nhận định đỉnh dịch vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, nhưng Tiến sĩ Pandu Riono, nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia dự đoán số ca nhiễm virus và tử vong cao hơn. Ông cho rằng với những biện pháp can thiệp hiện tại về giãn cách xã hội, mà ông xếp loại là mức độ nhẹ và trung bình, có thể có từ 1,25-1,75 triệu người mắc COVID-19 và số ca tử vong dao động từ gần 48.000 - 144.000.

Chú thích ảnh
Binh sĩ và cảnh sát Indonesia phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Surabaya ngày 16/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Singapore: "Nóng" với các ký túc xá lao động nhập cư

Bộ Y tế Singapore ngày 17/4 xác nhận có thêm 623 ca mắc COVID-19 mới, đa số là người lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Như vậy tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Singapore đã vượt qua ngưỡng 5.000 ca, lên 5.050 bệnh nhân, với 683 người đã hồi phục, 10 ca tử vong. 

Singapore đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm trong cộng đồng người lao động nhập cư sống trong các ký túc xá đông người. Ngày 16/4, nước này ghi nhận số ca mắc bệnh mới kỷ lục trong ngày là 728 người. 

Phó Giáo sư Alex Cook, tại trưởng Y tế cộng đồng Saw Swee Hock - Đại học Quốc gia Singapore, nhận định số ca lây nhiễm trong người lao động nhập cư có thể lên tới ít nhất 10.000-20.000 vào cuối tháng Tư này.

Chú thích ảnh
Lao động nước ngoài được kiểm tra y tế tại Singapore ngày 8/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một diễn biến khác, các nhà nghiên cứu Singapore mới đây đã phát minh ra một robot khử trùng với cánh tay có thể chuyển động giống con người, giúp giảm tải công việc cho các nhân viên lau dọn trong mùa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

"XDBOT" là loại robot có hình hộp và di chuyển bằng bánh xe với cánh tay có thể hoạt động khéo léo, vươn đến các điểm khó tiếp cận như gầm bàn hay gầm giường. Robot này do các nhà nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) phát triển. Nó được trang bị một chiếc vòi có công suất lớn, có thể phu thuốc khử trùng và làm sạch các bề mặt lớn nhanh chóng. Robot này có thể được điều khiển từ xa bằng máy tính xách tay, máy tính bảng để giảm nguy cơ lây nhiễm virus cho các nhân viên lau dọn.

Chú thích ảnh
Robot "XDBOT" biểu diễn phun thuốc khử trùng tại một khu vực của Trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, ngày 15/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia: Ít người mắc bệnh trong ngày nhất sau gần 1 tháng

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo có thêm 69 ca mắc COVID-19. Đây là mức tăng thấp nhất tại Malaysia kể từ khi chính phủ nước này áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh, buôn bán từ ngày 18/3. Tính đến nay, Malaysia ghi nhận 5.261 ca mắc COVID-19 và 86 trường hợp tử vong, trong khi 2.967 người đã hồi phục.

Malaysia đã gia hạn lệnh hạn chế đi lại tới ngày 28/4 nhưng cho phép thêm nhiều ngành nghề được kinh doanh trở lại trong nỗ lực của chính phủ nhằm cân bằng các yêu cầu về sức khoẻ và kinh tế.

Lệnh phong toả một phần từ ngày 18/3 đã ảnh hưởng nặng nền tới nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á. Chính phủ Malaysia, mới lên nắm quyền hồi tháng Ba, đã thông báo gói kích thích kinh tế trị giá 84,5 tỉ USD nhằm làm giảm tác động của đại dịch lên nền kinh tế, xã hội. Ngân hàng trung ương Malaysia dự báo nền kinh tế nước này có thể sụt giảm 2% hoặc chỉ tăng trưởng 0,5% - mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Năm ngoái kinh tế Malaysia tăng trưởng 4,3%.

Campuchia thông qua dự thảo luật tình trạng khẩn cấp

Thượng viện Campuchia ngày 17/4 đã nhất trí thông qua dự thảo “Luật quản lý đất nước trong tình trạng khẩn cấp”. Theo quy trình, sau khi Thượng viện xem xét và đề nghị, dự thảo luật sẽ được gửi đến Hội đồng Hiến pháp thẩm định trước khi được ban hành. “Luật quản lý đất nước trong tình trạng khẩn cấp” khi ban hành sẽ đóng vai trò cơ sở pháp lý để đảm bảo thực thi Điều 22 của Hiến pháp Campuchia, đồng thời là cơ sở pháp lý để xác định thẩm quyền cho chính phủ áp dụng các biện pháp cần thiết đối phó với tình trạng khẩn cấp nhằm bảo vệ an ninh và trật tự xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại tỉnh Kandal, Campuchia, ngày 5/4/2020.Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một diễn biến liên quan đến dịch COVID-19, ngành hàng không Campuchia hiện chỉ duy trì gần 1/10 công suất hoạt động so với bình thường do các biện pháp hạn chế đi lại khiến lượng khách hàng giảm hơn 90% trong tháng 4/2020. Hiện nay Campuchia có 5 hãng hàng không tư nhân và một hãng hàng không quốc gia. Các hãng hàng không nước này tránh được kịch bản phá sản là nhờ chính sách của Chính phủ Campuchia, miễn thuế tối thiểu trong 3 tháng và để các hãng có thêm thời gian tái cơ cấu nợ. 

Tính đến cuối ngày 17/4, Campuchia ghi nhận tổng cộng 122 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 98 người đã hồi phục. Nước này đã quyết định kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với các du khách đến từ Mỹ, Iran và 4 quốc gia châu Âu nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Thái Lan mở cửa lại các cửa khẩu

Chú thích ảnh
Nhân viên kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 26/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Cục Di trú Thái Lan ngày 16/4 thông báo nước này sẽ mở cửa trở lại 23 cửa khẩu từ ngày 18/4 tới để công dân Thái Lan ở các quốc gia láng giềng có thể trở về nhà. Theo đó, chỉ có công dân Thái Lan mới được phép nhập cảnh sau khi có giấy khám sức khỏe và giấy phép của Đại sứ quán Thái Lan ở các nước.

Các binh sĩ Thái Lan sau khi hết nhiệm vụ và trở về nước cũng phải cách ly bắt buộc 14 ngày. Người nước ngoài sẽ không được phép nhập cảnh vào Thái Lan trừ các nhà ngoại giao và người có giấy phép làm việc tại Thái Lan. 

Thái Lan đã đóng các cửa khẩu từ ngày 20/3 sau khi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Động thái này đã khiến nhiều công dân Thái Lan mắc kẹt ở các nước Malaysia, Myanmar, Lào và Campuchia. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 bên ngoài một cửa hàng ở Bangkok, Thái Lan, ngày 15/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đến hết ngày 17/4, Thái Lan có 2.700 ca mắc COVID-19, tăng thêm 28 người so với một ngày trước, số ca tử vong là 47 và 1.689 ca đã hồi phục.

Philippines cân nhắc thiết quân luật

Trong bối cảnh nhiều người vẫn đổ ra đường phố bất chấp lệnh phong tỏa, ngày 17/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo sẽ áp dụng phong tỏa giống biện pháp thiết quân luật để ngăn chặn việc này. Tổng thống Duterte khẳng định ông mới chỉ đang yêu cầu tuân thủ kỷ luật ở mức thấp. Nếu yêu cầu này không được tuân thủ, quân đội và cảnh sát sẽ vào cuộc. Khi đó, cảnh sát và quân đội sẽ giám sát thực thi giãn cách xã hội vào giờ giới nghiêm như tình trạng thiết quân luật.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh báo cáo của chính quyền cho thấy số lượng ô tô lưu thông trên đường phố ở thủ đô Manila tăng đột biến sau khoảng 1 tháng vắng bóng kể từ khi áp đặt lệnh phong tỏa để phòng, chống COVID-19. 

Chú thích ảnh
Các phương tiện xếp hàng tại một điểm kiểm dịch COVID-19 tại Las Pinas, Philippines ngày 16/4/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 17/4, Bộ Y tế Philippines thông báo đã ghi nhận thêm 218 ca mắc COVID-19 và 25 trường hợp tử vong. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines là 5.878 và 387 người tử vong.  Giới chức Philippines cho biết trong số các ca mắc mới có 18 quản giáo và tù nhân tại nhà tù thành phố Quezon. Hiện 30 tù nhân tại nhà tù này cũng đang có những triệu chứng giống với mắc COVID-19.

Các nước còn lại trong khu vực gồm Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Timor Leste trong ngày 17/4 đều không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Brunei hiện có 136 bệnh nhân COVID-19 (1 ca tử vong), Campuchia 122 ca (5 ca tử vong), Myanmar 85 ca (4 ca tử vong), Lào 19 ca và Timor Leste 18 ca. 

Chú thích ảnh
Công nhân may đồ bảo hộ y tế cá nhân và khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tangerang, Indonesia, ngày 7/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 17/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào. Đến nay tổng số ca mắc COVID-19 tại nước ta là 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%. Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) 73.758, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 324; cách ly tập trung tại cơ sở khác 11.549; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 57.172 trường hợp. 
Thu Hằng/Báo Tin tức
Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam: Ngày 17/4, không ghi nhận thêm ca mới mắc; Hà Nội test nhanh để sàng lọc tại các chợ đầu mối
Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam: Ngày 17/4, không ghi nhận thêm ca mới mắc; Hà Nội test nhanh để sàng lọc tại các chợ đầu mối

Ngày 17/4, Việt Nam ghi nhận không có ca mới mắc COVID-19, giữ nguyên tổng số 268 trường hợp mắc bệnh, đã có thêm 21 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong đó có 160 người từ nước ngoài, chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng, chiếm 40,3% trường hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN