Tin nổi bật tuần qua: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử; Nga mở đợt tấn công mới tại Ukraine

Ông Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc; Nga mở đợt tấn công mới tại Ukraine; Triều Tiên phóng tên lửa trước thềm tập trận Hàn - Mỹ và loạt nước tiếp tục cấm sử dụng TikTok là những sự kiện đáng chú ý nhất tuần qua.

Ông Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3

Chú thích ảnh
Ông Tập Cận Bình (phía trước) tuyên thệ nhậm chức sau khi được bầu lại làm Chủ tịch Trung Quốc kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, tại Bắc Kinh ngày 10/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Tân Hoa xã, trong phiên họp toàn thể thứ 3 của kỳ họp đầu tiên Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) lần thứ 14 vào sáng 10/3, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, với số phiếu tuyệt đối 2.952/2.952.

Tại phiên họp, Chủ tịch Trung Quốc đã thực hiện lời thề “cam kết trung thành với Hiến pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để bảo vệ thẩm quyền của Hiến pháp và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý, trung thành với đất nước và nhân dân, cam kết và trung thực trong nghĩa vụ của mình, chấp nhận sự giám sát của nhân dân và làm việc vì một lợi ích to lớn, hướng tới nước xã hội chủ nghĩa hiện đại dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn hiến, hài hòa, tươi đẹp”.

Ngay sau khi nhận được thông tin ông Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 5 năm, lãnh đạo các nước như Nga, Triều Tiên, Cuba, Venezuela đã lên tiếng chúc mừng.

Điện Kremlin tiết lộ ngày 10/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện chúc mừng ông Tập Cận Bình. Tổng thống Putin khẳng định chắc chắn hai nhà lãnh đạo có thể mở rộng hợp tác hiệu quả Nga-Trung trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Cùng ngày, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi điện chúc mừng lần tái đắc cử nhiệm kỳ của người đồng cấp Trung Quốc.

Về phần mình, trong dòng trạng thái đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel nhấn mạnh việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử cho thấy niềm tin của người dân đối với những đóng góp quý giá của ông cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Trong khi Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro khẳng định Chủ tịch Trung Quốc là người bạn của Venezuela và là nhà lãnh đạo sẽ cùng quốc gia Nam Mỹ này tiếp bước trên con đường xây dựng nhân loại cùng chung vận mệnh, hợp tác và hạnh phúc.

Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tiến hành một mô hình hiện đại hóa chưa từng thấy trước đây.

Trong thập kỷ qua, GDP của Trung Quốc đã tăng từ 53.900 tỷ nhân dân tệ vào năm 2012 lên 121.000 tỷ nhân dân tệ. Nền kinh tế Trung Quốc đã chiếm hơn 18% nền kinh tế thế giới và đóng góp trung bình trên 30% vào tăng trưởng kinh tế thế giới. Tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc cũng đã tăng từ 74,8 lên 78,2 tuổi và đã có những thay đổi mang tính lịch sử, biến đổi và toàn diện trong bảo vệ sinh thái và môi trường.

Nga mở đợt tấn công mới, quyết giành ‘điểm nóng’ Bakhmut

Chú thích ảnh
Ô tô bị cháy rụi do một phần tên lửa rơi xuống bãi đậu xe của khu dân cư ở quận Sviatoshynskyi, Kiev ngày 9/3. Ảnh: The New York Times

Đêm 9/3, Nga đã tấn công một loạt khu vực của Ukraine, bao gồm cảng Odesa bên bờ Biển Đen và thành phố lớn thứ 2 của Ukraine là Kharkov, làm mất điện ở một số khu vực. Nga giải thích loạt vụ tấn công này là nhằm đáp trả sự xâm nhập biên giới hồi đầu tháng 3.

Trên trang Telegram, Thống đốc vùng Odesa, ông Maksym Marchenko, cho biết một cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa đã đánh trúng một cơ sở năng lượng ở thành phố cảng này, gây ra tình trạng mất điện. Các khu dân cư cũng bị tấn công nhưng không có thương vong. Trong khi đó, Thống đốc vùng Kharkov Oleh Synehubov cho biết thành phố và khu vực này đã hứng chịu 15 cuộc không kích, nhắm vào các mục tiêu bao gồm cả cơ sở hạ tầng.

Các lực lượng Ukraine cho biết Nga đã bắn tổng cộng 81 tên lửa song nước này chỉ bắn hạ được 34 quả. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bắn hạ khiêm tốn là do trong đợt không kích mới, Moskva đã sử dụng đến các loại tên lửa đắt tiền, tối tân như tên lửa siêu vượt âm Kinzhal trong khi Ukraine không có khả năng phòng thủ trước những vũ khí lợi hại như vậy.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng Nga đã thay đổi chiến thuật tấn công với vũ khí mới là do khả năng phòng không của Ukraine đã được cải thiện nhờ sự trợ giúp của phương Tây và Moskva đang cần tiết kiệm nhiều tên lửa hành trình hơn cho tương lai.

Trong lúc Nga tiến hành một đợt không kích mới trên khắp Ukraine, chiến sự cũng đang diễn ra ác liệt tại Bakhmut. Đây là một “điểm nóng” trong xung đột, với vị trí là đầu mối giao thông quan trọng. Giới quan sát cho rằng cục diện chiến sự tại thành phố Bakhmut có thể sắp được định đoạt trong một vài ngày tới mặc dù từ đầu tháng 1, Nga đã dồn lực để nắm quyền kiểm soát thành phố này.

Theo các nguồn tin Ukraine, Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đang lên kế hoạch tấn công theo nhiều hướng, với sự tham gia của các đơn vị thiện chiến nhất số lượng lên tới 55.000 người. Các nhóm quân được thành lập ở Slavyansk, Chasov Yar và các thành phố khác theo hướng Bakhmut để giáng những đòn mang tính quyết định.

Triều Tiên phóng tên lửa, tập trận bắn đạn thật

Chú thích ảnh
Đơn vị pháo binh Hwasong của Quân đội Nhân dân Triều Tiên tiến hành tập trận tấn công hỏa lực ở thành phố cảng Nampho ngày 9/3/2023. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Ngày 9/3, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển Hoàng Hải cũng như tổ chức cuộc tập trận tấn công hỏa lực của đơn vị pháo binh Hwasong dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo thứ 4 của Triều Tiên trong năm nay. Động thái này diễn ra trước cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn dự kiến diễn ra vào tuần tới.

Trong khuôn khổ cuộc tập trận, đơn vị tấn công hỏa lực đã thực hiện các hoạt động huấn luyện nhằm hoàn thiện kỹ năng tiến hành các nhiệm vụ “ngăn chặn chiến tranh” và "chiếm thế chủ động trong chiến tranh”. Các lực lượng đã bắn một loạt đạn về phía mục tiêu giả định ở trên biển.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh quân đội nước này cần phải luôn cảnh giác với mọi hoạt động chuẩn bị chiến tranh của kẻ thù thời gian gần đây, đồng thời duy trì và rèn luyện thường xuyên sức mạnh để sẵn sàng ứng phó và ngăn chặn chúng, tránh nguy cơ đụng độ quân sự trên Bán đảo Triều Tiên.

Cuộc tập trên trên được phía Triều Tiên tiến hành tập trận trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận Lá chắn Tự do từ ngày 13 - 23/3. Cuộc tập trận sẽ được tiến hành song song với diễn tập quy mô lớn mang tên Lá chắn Chiến binh.

Trước loạt động thái từ Triều Tiên, Mỹ đã có phản ứng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cùng ngày cảnh báo Triều Tiên sẽ tiếp tục lãnh hậu quả gia tăng nếu không thay đổi cách hành xử, vài giờ sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa.

LHQ nhất trí thỏa thuận lịch sử bảo vệ đại dương

Sau hai thập kỷ lên kế hoạch và gặp khó khăn trong việc đàm phán, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York vào ngày 3/3, đại diện từ gần 200 quốc gia đã cùng ký kết một hiệp ước lịch sử nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học đại dương.

Theo văn bản hiệp ước, 30% đại dương trên thế giới sẽ trở thành khu vực được bảo vệ vào năm 2030. Điều đó đồng nghĩa với việc các nước sẽ cùng nhau đưa ra những quy định hạn chế nghiêm trọng đối với việc sử dụng vùng biển này, có thể bao gồm lệnh cấm hoàn toàn các hoạt động đánh bắt và thăm dò như khai thác dưới biển sâu.

Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế sẽ đảm bảo rằng bất kỳ hoạt động nào trong tương lai dưới đáy biển sâu sẽ phải tuân theo các quy định và giám sát nghiêm ngặt về môi trường để đảm bảo rằng chúng được thực hiện bền vững và có trách nhiệm.

Đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu là những mối đe dọa hàng đầu đối với đa dạng sinh học biển. Bên cạnh đó, các mối đe dọa mới đối với sinh vật biển xuất hiện khi con người tìm cách khai thác các khoáng sản có giá trị dưới đại dương và những phương án khả thi nhất để “cô lập carbon.

Không chỉ có các loài sinh vật biển, các nhà khoa học cũng cảnh báo sức khỏe của con người cũng gặp nhiều rủi ro trước những mối đe doạ đối với đại dương. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hàng tỷ người trên thế giới dựa vào đại dương để kiếm thức ăn và việc làm.

Các đại dương đóng vai trò là một nơi điều hòa khí hậu trên khắp hành tinh. Chúng góp phần làm giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với đất liền bằng cách hấp thụ CO2 và nhiệt dư thừa do đốt nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, điều này cũng khiến khí hậu trên đại dương khắc nghiệt hơn, với nhiệt độ nóng hơn và ít oxy hơn.

TikTok nhận tin buồn từ Mỹ, châu Âu

Chú thích ảnh
Biểu tượng ứng dụng TikToK. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuần qua, Mỹ cũng nhiều quốc gia châu Âu đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về rủi ro an ninh từ TikTok – một nền tảng xã hội do công ty ByteDance của Trung Quốc phát triển.

Cuối tháng 2, Ủy ban châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã đã quyết định cấm nhân viên sử dụng TikTok trên điện thoại công vụ. Mới đây nhất, Pháp, Bỉ và cũng đã cấm TikTok trên điện thoại và máy tính của quan chức các nước này.

Lệnh cấm áp dụng cho tất cả các thiết bị mà việc mua, đăng ký hoặc sử dụng một phần hoặc toàn bộ chi phí của chính quyền liên bang. Các thiết bị cá nhân được công chức sử dụng cho mục đích công việc không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, nhưng những người này được khuyến cáo không nên cài đặt ứng dụng.

Trong khi đó, Cơ quan An ninh mạng và Thông tin quốc gia (NUKIB) của Cộng hòa Séc cũng đã cảnh báo về rủi ro bảo mật khi cài đặt và sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị có quyền truy cập vào các hệ thống thông tin. Đặc biệt, NUKIB khuyến nghị các quan chức cấp cao không sử dụng TikTok.

Tại Mỹ, Nhà Trắng hối thúc quốc hội nước này thông qua dự luật trao quyền cấm TikTok, nhằm trao cho chính phủ liên bang quyền hạn mới để cấm ứng dụng chia sẻ video TikTok, cũng như các công ty công nghệ khác có trụ sở ở nước ngoài, nếu chúng gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Dự luật có tên Hạn chế các mối đe dọa bảo mật gây rủi ro công nghệ thông tin và truyền thông (RESTRICT) do thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, và thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune soạn thảo.

Về phần mình, TikTok cho rằng bất kỳ lệnh cấm nào của Mỹ đối với ứng dụng này đồng nghĩa với "lệnh cấm xuất khẩu văn hóa và giá trị Mỹ cho hơn 1 tỷ người sử dụng dịch vụ của chúng tôi trên toàn thế giới".

Nền tảng này đã có những bước đi trấn an người tiêu dùng châu Âu và Mỹ. Nền tảng này khẳng định đã chi hơn 1,5 tỷ USD để củng cố bảo mật dữ liệu của người dùng trước những nghi ngại về nguy cơ rò rỉ. TikTok ngày 9/3 công bố gói biện pháp mới với tên gọi "Project Clover", với mục tiêu xây dựng 3 trung tâm lữu trữ dữ liệu châu Âu và toàn bộ quá trình bảo mật dữ liệu sẽ do bên thứ ba - một công ty bảo mật của châu Âu - giám sát.

Bảo Hà/Báo Tin tức (tổng hợp)
Moskva lên tiếng sau khi Ukraine cân nhắc kiến nghị đổi cách gọi tên 'nước Nga' thành Moscovia
Moskva lên tiếng sau khi Ukraine cân nhắc kiến nghị đổi cách gọi tên 'nước Nga' thành Moscovia

Bình luận về việc Ukraine cân nhắc kiến nghị đổi cách gọi tên "nước Nga" thành Moscovia, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng đó là bằng chứng nữa cho thấy nỗ lực tạo ra một thế lực chống Nga ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN