Tín hiệu gắn kết ở 'tam giác' Bắc Mỹ

Hình ảnh Tổng thống nước chủ nhà Mexico đứng giữa, tay khoác vai Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Canada đã trở thành biểu tượng của hội nghị cấp cao Bắc Mỹ lần thứ 10 vừa diễn ra thủ đô Mexico City.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái), Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador (giữa) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ ở Mexico City, ngày 10/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Rất lâu rồi người ta mới thấy lãnh đạo của 3 quốc gia hàng đầu châu Mỹ thể hiện những cử chỉ thân mật đến vậy kể từ khi hội nghị này bắt đầu tổ chức gần 2 thập niên trước.

Không chỉ thể hiện qua bức ảnh mang tính biểu tượng trên, những ánh mắt, nụ cười các nguyên thủ hay giữa các đệ nhất phu nhân dành cho nhau trong suốt quá trình diễn ra hội nghị đã gửi đi một thông điệp rõ nét rằng, mặc dù còn một số tồn tại, nhưng Mỹ, Mexico và Canada đang ngày một gắn kết hơn vì những mục tiêu chung, trong đó ưu tiên hàng đầu là việc tăng cường hợp tác kinh tế, dịch chuyển sản xuất về gần và đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất linh kiện bán dẫn.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh cả 3 quốc gia Bắc Mỹ đều đang hứng chịu những tác động của cuộc xung đột ở Ukraine và đại dịch COVID-19, đặc biệt là vấn đề mất ổn định của chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Bên cạnh đó, mặc dù vẫn trong dòng chảy hội nhập khu vực, song giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ nói chung cũng như từng cặp quan hệ nói riêng đang tồn tại không ít bất đồng về hàng loạt vấn đề, trong đó có thương mại-đầu tư, an ninh, di cư... Ngay tại cuộc gặp song phương Mỹ - Mexico trước thềm hội nghị, không khí có phần căng thẳng khi Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador phàn nàn với Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc các quốc gia Mỹ Latinh bị Washington “bỏ rơi” và “coi thường”.

Tuy nhiên, tín hiệu gắn kết đã xuất hiện tại hội nghị, với kết quả nổi bật nhất là việc 3 nước nhất trí phối hợp nhằm tăng cường hợp tác về chuỗi cung ứng và các khoáng sản thiết yếu để phát triển công nghệ tương lai tại khu vực. Như khẳng định của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Bắc Mỹ có thể trở thành một trung tâm cung cấp năng lượng sạch và đi đầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu thông qua hợp tác trong các lĩnh vực công nghê cao như sản xuất xe điện. Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác thương mại sẽ giúp 3 quốc gia Bắc Mỹ hồi phục nhanh hơn sau đại dịch, cũng như khu vực đang có cơ hội lớn trong thúc đẩy năng lực cạnh tranh thông qua việc xây dựng nền kinh tế sạch.

Về phần mình, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador xác nhận ba nước đã nhất trí thúc đẩy thương mại khu vực để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là linh kiện bán dẫn từ các quốc gia châu Á. Trên thực tế, kể từ khi đại dịch bùng phát năm 2020, sản xuất công nghiệp tại Mỹ, Canada và Mexico đã bị đình trệ nghiêm trọng do chuỗi cung ứng linh kiện điện tử bị gián đoạn, đặc biệt từ các quốc gia châu Á, gây tổn hại không nhỏ đến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 3 nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới này.

Trước thềm hội nghị, Nhà Trắng thông báo Mỹ, Mexico và Canada sẽ triển khai các bước nhằm củng cố ngành bán dẫn của khu vực Bắc Mỹ. Dự kiến đầu năm nay, các nước sẽ tổ chức một diễn đàn thiết bị bán dẫn để tăng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao chiến lược này. Điều này bao gồm việc phối hợp hoạch định chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn để xác định nhu cầu và cơ hội đầu tư trong việc sản xuất chip - sản phẩm vốn được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực từ viễn thông, sản xuất ô tô đến quốc phòng. Bên cạnh đó, theo Nhà Trắng, các nước sẽ lên kế hoạch thiết lập các tiêu chuẩn hoạt động và các trạm sạc xe điện dọc biên giới quốc tế, cũng như phát triển thị trường hydro sạch tại Bắc Mỹ. Ba nước đã cam kết đến năm 2030 giảm ít nhất 15% lượng khí methane từ chất thải rắn và lỏng so với mức của năm 2020

Ba nhà lãnh đạo cũng đưa ra cam kết hợp tác để giải quyết các vấn đề an ninh năng lượng, buôn bán ma túy, nhập cư trái phép. Theo thống kê của Mỹ, trong hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Biden, làn sóng người di cư đến biên giới Mexico - Mỹ lên tới 2,3 triệu người và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử con số này vượt mốc 2 triệu.

Mặc dù không ít ý kiến cho rằng kết quả của hội nghị chưa được như kỳ vọng khi có khá nhiều cam kết còn chung chung, chưa đi kèm với các giải pháp thực hiện khả thi, hay vẫn còn tồn tại bất đồng giữa 3 nước trong những vấn đề như Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ, song rõ ràng những tín hiệu gắn kết phát đi từ Mexico City có thể coi là bước tiến trong quan hệ tam giác Bắc Mỹ. Đây là hội nghị cấp cao Bắc Mỹ thứ hai kể từ khi ông Biden nhậm chức sau thời gian 4 năm ngưng trệ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Biden cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Mexico kể từ năm 2014. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Canada tuyên bố rằng “Sự đoàn kết sẽ giúp quy mô GDP của 3 quốc gia Bắc Mỹ vượt Liên minh châu Âu (EU)”. Hội nghị cấp cao Bắc Mỹ lần thứ 10 cho thấy Mỹ, Mexico và Canada đã gạt bỏ bất đồng, tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm và có lợi ích chung, như tuyên bố của Tổng thống Biden rằng 3 quốc gia là những đối tác thực sự và “yêu quý nhau một cách tự nhiên”, bởi họ cùng chia sẻ tầm nhìn chung về tương lai, dựa trên nền tảng về những giá trị mang tính tương đồng.

Phi Hùng (Phóng viên TTXVN tại Mexico)
Tổng thống Mexico kêu gọi tăng cường hợp tác khu vực Bắc Mỹ
Tổng thống Mexico kêu gọi tăng cường hợp tác khu vực Bắc Mỹ

Ngày 11/1, phát biểu bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ tại Mexico City, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador kêu gọi tăng cường hợp tác khu vực và đối xử bình đẳng giữa các quốc gia. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN