Trong giai đoạn dịch bệnh, công ty của bà Parrott đã nhận được khoản vay gần 1 triệu USD thông qua PPP để có thể trả lương cho nhân viên, trang trải tiền thuê mặt bằng tại thành phố Fort Wayne thuộc bang Indiana, cũng như các khoản chi phí khác. Bà chia sẻ PPP là “một yếu tố quan trọng giúp chúng tôi trụ vững” trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Được đưa ra trong khuôn khổ gói kích thích kinh tế Đạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, PPP là một trong những biện pháp đầu tiên mà Washington triển khai nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp hàng loạt và gián đoạn kinh doanh do dịch bệnh. PPP hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như nhà hàng, tiệm bánh, quán cà phê...“sống sót” qua dịch COVID-19, cũng như duy trì việc làm cho hàng chục triệu người lao động thông qua các khoản vay ưu đãi. Doanh nghiệp nhận hỗ trợ được yêu cầu dùng ít nhất 60% tiền vay trả lương nhân viên, phần còn lại dùng để trả lãi thế chấp, tiền thuê mặt bằng, điện nước, thiết bị bảo vệ cá nhân hoặc một số chi phí kinh doanh khác.
Trong gần 15 tháng dịch COVID-19 hoành hành, Chính phủ Mỹ đã 4 lần cấp kinh phí cho PPP. Trong đó, lần 1 là 349 tỷ USD trong khuôn khổ gói CARES được ban hành tháng 3/2020; lần 2 là 320 tỷ được bổ sung vào tháng 4/2020; lần 3 là 284 tỷ trong gói cứu trợ 868 tỷ USD được thông qua vào tháng 12 năm ngoái; và gần đây nhất là 7,25 tỷ USD trong gói kích thích “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” trị giá 1.900 tỷ được tân Tổng thống Joe Biden ban hành vào tháng 3 năm nay. Theo Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA), tính đến ngày 23/5, cơ quan này đã phê duyệt 11,6 triệu khoản vay PPP với tổng giá trị 798 tỷ USD cho 8,5 triệu công ty nhỏ và các tổ chức phi lợi nhuận để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Từ đầu năm đến nay, 96% khoản vay PPP đều dành cho các doanh nghiệp nhỏ dưới 20 nhân viên. Lãnh đạo SBA Isabel Guzman cho biết đã được nghe rất nhiều câu chuyện từ các chủ doanh nghiệp nhỏ trên khắp nước Mỹ về cách mà PPP giúp họ duy trì hoạt động và trả lương nhân viên, cũng như mang lại hy vọng cho họ.
Có thể nói, PPP không chỉ là chiếc “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ mà còn bảo vệ hàng chục triệu việc làm cho người lao động Mỹ. Theo ước tính của các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachussette hồi tháng 7/2020, PPP giúp nền kinh tế Mỹ tạo thêm khoảng 2,3 triệu việc làm trong tuần đầu tiên của tháng 6/2020. Một nghiên cứu do Giáo sư tài chính Michael Faulkender thuộc Đại học Maryland thực hiện hồi tháng 12/2020 cho thấy PPP đã cứu được 18,6 triệu việc làm của Mỹ. Giám đốc Liên đoàn doanh nghiệp độc lập bang Iowa Matt Everson đánh giá PPP cùng chương trình hỗ trợ tài chính cho người dân thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Đó là những lợi ích nhìn từ góc độ vĩ mô, còn đối với từng doanh nghiệp cụ thể, hiệu quả của PPP được đánh giá là còn khiêm tốn. Một báo cáo của Ngân hàng JPMorgan Chase cho thấy các khoản vay theo PPP trung bình chỉ có thể bù đắp khoản chi của các doanh nghiệp nhỏ trong vòng 3,8 tuần. Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất do dịch, số tiền này chỉ giúp họ tồn tại trong 2,1 tuần. Đối với các doanh nghiệp không sử dụng nhân công, thuê nhiều mặt bằng hay phải tích trữ lượng hàng lớn như nhà hàng, khoản vay này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số tiền họ cần để tồn tại.
Bên cạnh đó, việc triển khai PPP cũng tồn tại nhiều “kẽ hở”. Theo quy định trong 2 đợt triển khai PPP đầu tiên hồi năm ngoái, trong số những đối tượng được hưởng khoản vay ưu đãi có doanh nghiệp với quy mô dưới 500 nhân viên và các doanh nghiệp lớn trong ngành dịch vụ lưu trú và cung cấp thực phẩm. Điều này đã tạo ra lỗ hổng lớn về mặt pháp lý khi nhiều doanh nghiệp đại chúng có thể nhận được hàng triệu USD tiền hỗ trợ thông qua các chi nhánh hay công ty con với số nhân viên dưới 500 người. Một khảo sát của Morgan Stanley công bố hồi tháng 4/2020 cho thấy trên thực tế, Chính phủ Mỹ đã phân bổ ít nhất 243,4 triệu USD trong tổng số 349 tỷ USD của PPP đợt 1 cho các công ty đại chúng. Một số công ty lớn có giá trị vốn hóa trên 100 triệu USD đã nhận tiền từ PPP có thể kể đến là DMC Global (giá trị vốn hóa 405 triệu USD), Wave Life Sciences (286 triệu USD), Fiesta Restaurant Group (189 triệu USD). Điều này lý giải vì sao ngay khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã điều chỉnh quy định về đối tượng nhận PPP, theo đó chỉ cho phép các công ty có ít hơn 20 nhân viên đăng ký hỗ trợ thông qua chương trình này nhằm đảm bảo dòng tiền đến tay doanh nghiệp nhỏ mà không rơi vào túi các “ông lớn”.
Hành vi gian lận để trục lợi cũng xảy ra khi một số cá nhân phóng đại chi phí kinh doanh hòng nhận số tiền hỗ trợ lớn hơn thiệt hại thực tế. Tháng 3 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các nhà điều tra liên bang đã buộc tội 474 cá nhân người Mỹ có hành vi gian lận, đánh cắp khoảng 569 triệu USD tiền trợ cấp COVID-19. Trong số các đối tượng này có 120 người bị truy tố vì gian lận trong khuôn khổ PPP. Cá biệt, ở bang Texas, một người đàn ông đã tìm cách gian lận 24,8 triệu USD từ PPP bằng cách mượn danh tính 11 công ty để đăng ký 15 khoản vay khác nhau. Người này sau đó chi hơn 17 triệu USD mua căn hộ, xe sang và đồ trang sức.
Ngoài ra, sự phụ thuộc của PPP vào các thể chế tài chính có thể gây bất lợi cho những người không có mối quan hệ thân thiết với các ngân hàng, chẳng hạn như các doanh nghiệp rất nhỏ và chủ sở hữu là những người thuộc cộng đồng thiểu số.
Mặc dù tồn tại một số lỗ hổng, nhưng không thể phủ nhận PPP đã cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính cần thiết nhất, giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ tồn tại và cân bằng các khoản chi khi doanh thu giảm. Do đó, việc Chính phủ Mỹ quyết định dừng chương trình PPP vào ngày 1/6 do kinh phí cạn kiệt đặt ra những thách thức mới cho khoảng 30 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Mỹ, vốn chiếm 99,7% trong tổng số doanh nghiệp trên khắp cả nước. Theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp nhỏ vẫn cần thêm sự hỗ trợ tài chính và các bang cần trích nguồn kinh phí từ khoản ngân sách được chính quyền liên bang tài trợ trong gói 1.900 tỷ USD để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này.