Chuyến thăm được đặc biệt chú ý khi nó diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, dự kiến được tổ chức ngày 12/6, bởi vậy, chuyến thăm được xem là “nước đi” kế tiếp khẳng định vai trò của Tokyo trên “ván cờ hạt nhân” Triều Tiên.
Không những vậy, việc nhà lãnh đạo Nhật Bản trở lại Mỹ chỉ chưa đầy 2 tháng sau chuyến công du mới nhất tới bang Florida để thảo luận với Tổng thống Trump vấn đề Triều Tiên và thương mại, cho thấy Tokyo luôn xem mối quan hệ đặc biệt với Washington, cụ thể là với ông chủ Nhà Trắng, là bằng chứng cho sức mạnh liên minh Mỹ - Nhật.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Florida, Mỹ ngày 17/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Với Mỹ, Nhật Bản luôn là một trong những đồng minh chủ chốt ở châu Á. Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump đã xây dựng quan hệ gần gũi với Thủ tướng Abe, và Nhật Bản cũng là chặng dừng chân đầu tiên của ông Trump khi thăm châu Á hồi tháng 11/2017.
Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản cũng được coi là nhà lãnh đạo nước ngoài tích cực nhất trong việc thúc đẩy quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ. Ông Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tổng thống đắc cử Trump sau cuộc bầu cử năm 2016 và là nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên thăm chính thức Mỹ sau khi ông Trump nhậm chức.
Những tuyên bố của lãnh đạo hai nước về quan hệ đồng minh bền chặt, không thể tách rời và “đang tốt đẹp hơn bao giờ hết”, là minh chứng cho thấy cả Mỹ và Nhật Bản đều hết sức coi trọng mối quan hệ này.
Tuy nhiên, việc Thủ tướng Nhật Bản phải liên tục tới Mỹ gặp Tổng thống Trump trong chưa đầy 2 tháng để bàn về vấn đề Triều Tiên và thương mại, cũng khiến dư luận nghi ngờ rằng dường như quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật đang “ngoài ấm trong lạnh”. Những chính sách ngoại giao cũng như kinh tế thay đổi như “chong chóng” của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến Nhật Bản thấy bất an và đang phải rất vất vả để ứng phó. Nguy cơ tiềm tàng trong quan hệ kinh tế, thương mại và cả an ninh giữa hai đồng minh cũng bị “lộ sáng” sau những tuyên bố hay hành động cứng rắn của ông Trump.
Việc Nhật Bản là đồng minh lớn duy nhất bất ngờ bị Mỹ bỏ ngoài danh sách các quốc gia được tạm miễn trừ hàng rào thuế quan mới đối với thép và nhôm, là đòn giáng mạnh vào quan hệ thương mại hai bên. Sự “phớt lờ” này của Mỹ có thể là một chiến thuật để buộc Tokyo phải bước vào đàm phán thỏa thuận tự do thương mại với Washington, bởi trong lịch sử 30 năm qua, Nhật Bản luôn bị coi là một “kỳ phùng địch thủ” của Mỹ trong các cuộc chiến thương mại.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2006, ông Trump từng chỉ trích Nhật "nghiền nát" Mỹ về thương mại do mức thặng dư thương mại cao. Chính vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng trong cuộc gặp của Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump, ngoài vấn đề Triều Tiên, chính là thảo luận về khả năng tiến tới thỏa thuận thương mại tự do song phương. Mỹ muốn giảm thâm hụt thương mại, vốn đã lên đến 70 tỷ USD, với Nhật Bản, trong khi Tokyo muốn Washington miễn trừ áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Nhật Bản.
Nhật Bản đang ở vào thế khó trong đàm phán thương mại với Mỹ, mà một trong những lý do là những tranh cãi gần đây liên quan khả năng Thủ tướng Abe dính dáng đến việc bán đất công với giá thấp cho một tổ chức giáo dục. Vụ việc này khiến ông Abe khó có được một vị thế mạnh để đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump, và cũng khó thuyết phục được các doanh nghiệp Nhật chịu nhượng bộ về thương mại.
Nhật Bản từ lâu vẫn theo đuổi các cơ chế đa phương để giúp nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu được hưởng lợi ích lớn từ thương mại tự do toàn cầu. Giới chức Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục phản đối việc xúc tiến các thỏa thuận thương mại hai chiều trong cuộc gặp cấp cao với Mỹ, ngay cả khi lập trường này có thể thu hẹp cơ hội để Washington chấp thuận đưa Nhật Bản khỏi danh sách phải chịu mức thuế quan mới đối với mặt hàng thép và nhôm lá nhập khẩu.
Ngoài thương mại, nội dung bàn thảo chính trong chuyến thăm này chắc chắn vẫn xoay quanh vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Giữa tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản đã có chuyến thăm Mỹ để bảo đảm rằng Tokyo sẽ không phải “đứng ngoài” trong “bàn cờ” hạt nhân Đông Bắc Á. Tuy nhiên, những diễn biến ngoại giao quá dồn dập thời gian gần đây xung liên quan vấn đề Triều Tiên, đặc biệt là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra, một lần nữa khiến Tokoyo lo lắng bởi vai trò của Nhật Bản dường như đang bị bỏ qua.
Thủ tướng Nhật Bản Abe là người có lập trường cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên và được cho là đã “kề vai sát cánh” với Tổng thống Trump trong suốt năm 2017 khi ủng hộ chiến lược của Washington gây “sức ép tối đa” và tăng cường trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Mặc dù vậy, Thủ tướng Abe và chính quyền Tokyo hầu như “bị đặt vào tình thế bị động” khi Tổng thống Trump bất ngờ nhận lời mời gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không hề tham vấn trước với Nhật Bản - một đồng minh thân cận và có vai trò quan trọng ở Đông Bắc Á.
Tình thế “bơ vơ” của Nhật Bản cũng được thể hiện rõ khi ngoài các bước tiến cải thiện quan hệ lớn giữa Hàn Quốc và Mỹ với Triều Tiên, 2 nước khác từng tham gia đàm phán 6 bên là Trung Quốc và Nga cũng đều tham gia tích cực vào những chuyển động nhanh chóng gần đây trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, với các chuyến thăm ngoại giao ở nhiều cấp khác nhau. Trong hơn một tháng qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã 2 lần gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã lên lịch gặp ông trực tiếp ông Kim Jong-un vào tháng 9 tới.
Lâu nay, vấn đề Triều Tiên luôn là nội dung quan trọng trong chính sách của Nhật Bản, bởi lẽ, cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản là nước chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất của những chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Mặc dù hoan nghênh các chuyển động tích cực gần đây của Triều Tiên, song Nhật Bản vẫn cho rằng Bình Nhưỡng không dễ dàng từ bỏ ý định phát triển hạt nhân.
Hơn nữa, trong đàm phán trực tiếp, nếu Mỹ và Triều Tiên chỉ tập trung thảo luận và đạt tiến bộ về việc loại bỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ, nhưng lại cho phép Bình Nhưỡng giữ lại tên lửa đạn đạo tầm trung, thì vẫn có thể đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản.
Đó là chưa kể tới việc vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trước đây, một trong những nội dung quan tâm hàng đầu của Tokyo, có thể bị đẩy xuống cuối danh sách, thậm chí là gạt ra khỏi chương trình nghị sự thảo luận giữa Mỹ và Triều Tiên.
Trong bối cảnh như vậy, với chuyến công du lần này, Thủ tướng Abe muốn củng cố mối quan hệ đồng minh với Mỹ, đồng thời khẳng định vai trò cũng như tiếng nói của Tokyo trong “hồ sơ” Triều Tiên. Nhiệm vụ không dễ dàng của Thủ tướng Abe là bảo đảm chắc chắn để các lợi ích của Nhật Bản sẽ không bị bỏ qua trong cuộc đàm phán Mỹ - Triều sắp tới.
Việc Thủ tướng Abe có đạt được thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Trump, hay kết quả chuyến thăm thành công đến đâu, sẽ phản ánh mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật bền chặt và gần gũi đến mức độ nào.