Ông Biden chưa bao giờ tán thành “thuế tài sản” (thuế đánh vào tài sản của giới tỉ phú) khi vận động tranh cử vào năm ngoái. Nhưng kế hoạch tăng thuế của ông đánh vào thu nhập của các tập đoàn lớn và những người Mỹ giàu nhất đã gặp phải rào cản.
Điều đó đã khiến một loại thuế đặc biệt đánh vào tài sản, chứ không phải vào thu nhập, của các tỷ phú đang được đảng Dân chủ tại Thượng viện đề xuất như một phương tiện khả thi để giúp chi trả tiền chăm sóc trẻ em, tín thuế trẻ em, nghỉ phép gia đình và các sáng kiến về môi trường.
Tổng thống Biden đã cam kết rằng các chương trình hành động của ông sẽ không làm tăng thêm một xu vào thâm hụt ngân sách, đồng nghĩa với việc ông đẩy cho Quốc hội và cử tri một khoản thuế đánh vào 0,0005% tài sản của người Mỹ.
Về cơ bản, các tỉ phú kiếm được phần lớn tiền từ... tài sản của họ. Nó có thể từ các cổ phiếu, hay các biệt thự ven biển, tác phẩm nghệ thuật quý, cổ vật khi được bán đi.
Theo một bản mô tả mà AP có được, “thuế tỉ phú” sẽ chỉ áp dụng với những người có tài sản ít nhất 1 tỉ USD, hoặc thu nhập 100 triệu USD/năm trong 3 năm liên tiếp. Những tiêu chuẩn này có nghĩa là chỉ có khoảng 700 người đóng thuế đối mặt với khoản thuế bổ sung đánh vào sự giàu có của mình.
Với những tài sản có thể giao dịch như chứng khoán, các tỉ phú sẽ vẫn phải nộp thuế ngay cả khi họ giữ tài sản đó. Họ sẽ bị đánh thuế với bất kỳ sự gia tăng giá trị nào và khấu trừ thuế nếu bị lỗ. (Theo luật hiện hành, các tài sản đó chỉ bị đánh thuế khi được bán).
Các tỷ phú cũng sẽ phải đối mặt với một khoản thuế bổ sung đối với bất động sản khi những tài sản này được bán.
Chính phủ sẽ thu được bao nhiêu tiền từ “thuế tỉ phú”
Theo ước tính của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, loại thuế mới thu về từ 200 tỉ đến 250 tỉ USD. Đó là một con số đáng kể, nhưng không thấm vào đâu sao với khoản gần 2 ngàn tỉ USD trong đề xuất chi tiêu bổ sung trong vòng 10 năm tới, hiện đang được đàm phán.
Những dự báo về doanh thu từ thuế tài sản còn nhiều tranh cãi. Allison Schrager, một thành viên cấp cao tại Viện Manhattan cho biết: “Không thể thực hiện được. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy những thứ này không hiệu quả và tôi chưa bao giờ nghe được lời giải thích về cách nó có thể hoạt động được.”
Tại sao ông Biden lựa chọn loại thuế này?
Thực ra Tổng thống Mỹ muốn tăng thuế suất doanh nghiệp và thuế thu nhập đối với các cá nhân giàu có. Đó là đề xuất ban đầu của ông, nhưng nhà lãnh đạo Mỹ phải xoa dịu Thượng nghị sĩ bang Tây Virginia, Joe Manchin và Thượng nghị sĩ Arizona, Kyrsten Sinema. Đó là hai lá phiếu của đảng Dân chủ đóng vai trò tạo ra hoặc phá vỡ thế cân bằng tại Thượng viện. Ông Sinema phản đối đánh thuế doanh nghiệp và thu nhập cao hơn, vì thế thuế tài sản (đánh vào tài sản của giới tỉ phú) được Tổng thống sử dụng như một giải pháp thay thế.
Ý tưởng này đã được đưa ra sau khi cuốn sách “Tư bản trong thế kỷ 21” của nhà kinh tế Pháp Thomas Piketty ra mắt. Thượng nghị sĩ bang Massachusetts, Elizabeths Warren đã đưa thuế tài sản 2% trở thành chính sách “thương hiệu” của mình trong cuộc chạy đua bầu cử sơ bộ tổng thống của đảng Dân chủ năm 2020. Ứng cử viên chạy đua cùng với bà là Bernie Sanders, TNS bang Vermont, cũng đề xuất loại thuế tài sản của riêng mình.
Ông Biden chưa bao giờ tham gia nhóm ủng hộ thuế tài sản đó. Nhưng ông đã đưa ra lời hứa quan trọng với những người giàu có rằng, không có ai có thu nhập dưới 400.000 USD sẽ phải trả thuế nhiều hơn.
Các tỉ phú có thực sự giàu có đến thế?
Tại Mỹ đã diễn ra cuộc tranh luận chính đáng về các hình thức đánh thuế tối ưu. Liệu người giàu dùng tài sản của họ đầu tư vào các doanh nghiệp mới có tốt hơn cho nền kinh tế không? Hay, sẽ tốt hơn nếu một số tiền của họ dành cho chính phủ để giúp tài trợ cho các chương trình như chăm sóc trẻ em, chuyển sang năng lượng tái tạo?
Điều rõ ràng là người giàu có tiền để chịu thuế, nếu chính phủ muốn làm điều đó.
Các tỷ phú Mỹ đã chứng kiến khối tài sản của họ tăng 70% kể từ khi đại dịch bắt đầu, lên tổng cộng hơn 5 nghìn tỷ USD, theo một phân tích của tổ chức Bình đẳng thuế Mỹ (American Tax Fairness) và Viện Nghiên cứu Chính sách về Bất bình đẳng. Số tiền họ thu được từ ngày 18/3/2020 đến tháng 9 vừa qua tương đương với kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Biden trong hơn 10 năm.
Frank Clemente, Giám đốc điều hành của American Tax Fairness, cho biết: “Hiện tại, các tỷ phú không phải trả một xu tiền thuế nào đối với khoản thu nhập đáng kể từ việc nắm giữ cổ phiếu trong thời kỳ đại dịch. Thuế thu nhập của các tỷ phú chỉ đánh vào sự gia tăng giá trị của những tài sản đó mỗi năm giống như tiền lương của người lao động bị đánh thuế”.
Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, nước Mỹ chỉ có 614 tỉ phú, con số này nay đã tăng lên 745 người.
Một điều nữa khiến dịch COVID-19 trở nên độc đáo là nhiều người Mỹ thuộc nhóm nghèo hơn cũng trở nên… giàu hơn, chỉ có điều họ chuyển sang giàu với tốc độ chậm hơn nhiều so với các tỉ phú. Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy giá trị tài sản ròng của 90% người Mỹ thuộc nhóm dưới- bao gồm tầng lớp trung lưu - đã tăng khoảng 22%. Đối với nhiều người Mỹ, sự gia tăng của cải phản ánh thị trường chứng khoán tăng, giá trị nhà cao hơn và các khoản cứu trợ chưa từng có của chính phủ dưới hình thức thanh toán trực tiếp và các khoản vay bảo đảm cho các doanh nghiệp nhỏ.
Các tỉ phú có thể trốn thuế được không?
Trước đây họ đã tìm ra những cách để làm vậy. Họ có thể thuê đội ngũ luật sư, kế toán và những người khác để giảm thiểu gánh nặng thuế.
Hãng tin ProPublica đã tiết lộ nhiều nơi trú ẩn thuế khác nhau vào đầu năm nay và Hồ sơ Pandora gần đây cho thấy có một ngành công nghiệp toàn cầu để che giấu tài sản của những người có quyền lực chính trị và cực kỳ giàu có.
Cuộc điều tra của ProPublica cho thấy tỉ phú đầu tư Warren Buffett đã trả thuế với tỷ lệ trung bình là 19%. Người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, trả 23%, trong khi Elon Musk của Tesla là khoảng 30%. Thuế suất cao nhất đối với thu nhập kiếm được từ lao động là 37%, nhưng thuế đánh vào các nguồn vốn chỉ thấp hơn 20% và điều đó có lợi cho những người siêu giàu, cũng như khuyến khích đầu tư vào những công ty mới, qua đó giúp nền kinh tế tăng trưởng.
Một phân tích của Nhà Trắng vào tháng 9 chỉ ra rằng 400 gia đình giàu có nhất của nước Mỹ phải trả mức thuế thu nhập liên bang trung bình là 8,2% từ năm 2010 đến năm 2018. Thông điệp cơ bản của chính quyền Tổng thống Biden là mức thuế suất thấp này là không công bằng vì các gia đình trung lưu thường phải trả tỉ lệ lớn hơn cho thuế thu nhập.
Câu hỏi mấu chốt đối với các nhà lập pháp Dân chủ là làm thế nào để đóng kín hoặc ít nhất là thu hẹp các cửa trốn thuế với những người siêu giàu. Việc viết ra luật thuế và thực thi nó sẽ quyết định mức độ thành công của việc đánh thuế tài sản, và có lẽ cả số phận chương trình nghị sự lớn "Build Back Better" của Tổng thống Biden.