Thực hư vai trò của Thụy Điển trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho ngày 15/3 đã tới Thụy Điển, làm dấy lên khả năng chuyến thăm của ông có thể nhằm liên lạc với các quan chức Mỹ để lên kế hoạch cho một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ro trong chuyên thăm Thụy Điển. Ảnh: Local Sweden

Thụy Điển có mối quan hệ lâu đời với Triều Tiên. Phái đoàn ngoại giao của quốc gia Scandinavia này ở Bình Nhưỡng là cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên của phương Tây được thiết lập ở Triều Tiên từ năm 1975.   

Đặc biệt, Đại sứ quán Thụy Điển đại diện cho các lợi ích ngoại giao của Mỹ, Canada và Australia ở Triều Tiên, đồng thời được coi là kênh liên lạc quan trọng không chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên.
         
Trong chuyến thăm Thụy Điển hai ngày này, ông Ri Yong-ho đã hội đàm với người đồng cấp Thụy Điển Margot Wallstrom về vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, khả năng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, và số phận của 3 công dân Mỹ đang bị giam giữ tại Triều Tiên.

Các phương tiện truyền thông quốc tế đoán rằng Thụy Điển có thể là địa điểm tiềm năng để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều nếu sự kiện này được xác nhận. Bộ Ngoại giao Thụy Điển không bình luận về khả năng đó, chỉ thông báo rằng các cuộc đàm phán sẽ "tập trung vào các trách nhiệm lãnh sự của Thụy Điển đại diện cho Mỹ, Canada và Australia".   

Hai bên cũng thảo luận về tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, một vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Thụy Điển hiện là ủy viên không thường trực của HĐBA.
         
Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Triều Tiên nói rằng chuyến đi của ông Ri nhằm thảo luận các mối quan hệ song phương và những vấn đề hai bên cùng quan tâm mà không đề cập đến cuộc gặp với phía Mỹ. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố tại cuộc họp báo thường kỳ ở Washington rằng bà biết về cuộc gặp ở Stockholm nhưng Mỹ không tham dự.     

Theo Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), cùng đi với ông Ri Yong-ho tới Thụy Điển có Phó Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Kang Il. Yonhap dẫn một nguồn tin ở Bắc Kinh nói rằng "không thể loại trừ khả năng có một cuộc tiếp xúc giữa Triều Tiên và Mỹ" trong chuyến đi Thụy Điển của Ngoại trưởng Ri. Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết sẽ không có bất kỳ cuộc họp báo nào trong chuyến thăm của ông Ri Yong-ho nhưng hai bên sẽ ra một tuyên bố vào tối 16/3 sau khi cuộc hội đàm kết thúc.    

Sau nhiều tháng căng thẳng và xung đột vì chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý với đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh do các phái viên Hàn Quốc đưa ra sau cuộc hội kiến với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, chưa có thời gian và địa điểm cụ thể nào được đưa ra và Triều Tiên vẫn chưa khẳng định công khai về kế hoạch gặp Tổng thống Mỹ.         

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho rằng những tin đồn về việc Thụy Điển có thể đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên là quá vội. Trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn TT, ông Lofven tuyên bố "còn quá sớm để để suy đoán về điều đó... chúng tôi chưa ở đó". Tuy nhiên, ông nói thêm: "Nếu các bên muốn Thụy Điển đóng một vai trò, là một diễn đàn hoặc một kênh liên lạc hay bất cứ thứ gì có thể, thì chúng tôi sẵn sàng làm việc đó".  

Ông nêu rõ "đây là một vấn đề vô cùng quan trọng. Thụy Điển là một quốc gia không liên kết và có mối quan hệ ngoại giao từ lâu với Triều Tiên, và với sự tin cậy mà Thụy Điển có được, chúng tôi có thể đóng một vai trò".

Jerker Hellstrom, chuyên gia châu Á thuộc Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển (FOI) thuộc Bộ Quốc phòng, nhận định Thụy Điển "có một vai trò quan trọng trên Bán đảo Triều Tiên, cả với tư cách quyền bảo hộ lẫn đóng góp vào việc giám sát hiệp định đình chiến".       

Tuy nhiên, các nhà quan sát về Triều Tiên không nên quá lạc quan về tình hình hiện nay. "Việc tạm ngừng leo thang (căng thẳng) mà chúng ta thấy lúc này chỉ là tạm thời...”. Tất cả còn ở phía trước. 

TTXVN/Báo Tin tức
Lịch sử đàm phán Mỹ-Triều (Kỳ 1): Cơ hội bị bỏ lỡ
Lịch sử đàm phán Mỹ-Triều (Kỳ 1): Cơ hội bị bỏ lỡ

Nếu cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra vào tháng 5 tới theo đúng kế hoạch, đây có thể là dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước. Nhìn lại lịch sử hàng chục năm qua, Mỹ và Triều Tiên từng đàm phán nhiều lần nhưng đều đổ bể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN