Thông điệp sức khỏe và khát vọng hồi sinh

“Chumreap Suor”, “Suosdei” (Xin chào!), “Sok Sabbai” (Bạn có khỏe không?) là những câu chào hỏi quen thuộc mà du khách nước ngoài sẽ nhớ nếu từng đến Campuchia.

Dù vậy, những lời cửa miệng đó cũng thay đổi ít nhiều, tùy thời kỳ. Ở giai đoạn còn chế độ diệt chủng Khmer Đỏ hơn 40 năm trước, những lời chào hỏi được người Campuchia lớn tuổi hoài niệm nhất lại là “Mean Ei Hob Te?” (Anh còn gì để ăn không?), hoặc “Neak Nov Ros Te?” (Bạn còn sống chứ?)

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 14/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Giờ đây, sau giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, người dân ở các thành phố lớn tại Campuchia khi gặp nhau lại quen với kiểu chào hỏi mới: “Bạn đã tiêm vaccine chưa?”

Nếu trả lời là “chưa”, hẳn người đó sẽ khá xấu hổ, như chia sẻ của nhiều người bạn Campuchia, bởi “đối tượng” tiêu chuẩn phục vụ của hàng loạt cửa hàng, dịch vụ tại Phom Penh hiện nay là: Người đã tiêm vaccine.

Không ít cửa hiệu ăn uống, câu lạc bộ golf (City Golf, Vattanac Golf Resort, Grand Phnom Penh Golf Club…), hoặc thậm chí tiệm cắt tóc, cũng chủ động thông báo toàn bộ nhân viên của họ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ngược lại, cũng sẽ có một câu hỏi tế nhị cho khách: “Anh đã tiêm chủng chưa?”. Với câu trả lời ngược lại, sẽ là lời từ chối nhã nhặn vì lợi ích cộng đồng và hiệu ăn chỉ bán để khách mang về (take away), thay vì phục vụ tại chỗ.
 
Kiên trì và lặng lẽ 

Bằng tất cả nguồn vaccine có thể huy động được (AstraZeneca, Sinopharm và Sinovac), từ cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế thế giới, đặt mua hoặc viện trợ, Campuchia đã cán mốc 2 triệu người tiêm vaccine vào trung tuần tháng 5/2021. Nụ cười trong nghẹn ngào của cô công nhân dệt may 23 tuổi ở Phnom Penh, Tith Chenda, người nhận giải thưởng 2.500 USD của Bộ Y tế Campuchia ngày 14/5 nhờ là người thứ 2 triệu được tiêm chủng, không chỉ là sự may mắn như quay xổ số mà còn bởi số tiền quá quý giá với một người lao động có thu nhập thấp trong khu vực sản xuất gần như đã tê liệt vì đại dịch suốt hơn một năm qua. 

Hơn tất cả, đó là thành quả từ nỗ lực không biết mệt mỏi của chiến dịch tiêm chủng đầy tham vọng mà Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Campuchia khởi động từ ngày 10/2/2021, từ trước thời điểm “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2” mà nhiều người Campuchia không muốn nhắc lại bởi nó đã kéo theo hàng loạt lệnh phong tỏa, giới nghiêm, thậm chí cả tình trạng đổ xô đi mua hàng thực phẩm - tiêu dùng, làm đảo lộn đời sống người dân thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao giáp ranh suốt hơn một tháng trời. 

Chỉ sau đó 3 tháng rưỡi (ngày 24/5), Campuchia đạt tỷ lệ tiêm chủng đáng kinh ngạc là 23%, tương ứng 2.280.875 người trong mục tiêu chủng ngừa 10 triệu người. Trong số này, theo Ủy ban Quốc gia Campuchia về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, có 1.646.994 người đã được tiêm mũi thứ hai. Campuchia vẫn xếp thứ hai trong ASEAN (chỉ sau Singapore) về số lượng người được tiêm chủng.
 
Chiến dịch thần tốc

Chú thích ảnh
Binh sĩ quân đội Campuchia hướng dẫn người dân giữ khoảng cách phòng lây nhiễm COVID-19 tại một điểm tiêm chủng ở Phnom Penh. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 23/5/2021 có thể là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời nhiều cán bộ, nhân viên ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Campuchia khi được hoàn thành 2 mũi tiêm AstraZeneca. Không thể nhớ hết những dòng trạng thái đầy xúc động trên Facebook của họ vào ngày đó, về lòng biết ơn và sự cảm phục. Với cá nhân người viết bài, đó còn là những tin vui đến không ngờ khi Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia, ông Sim Chy xác nhận rằng rất nhiều người gốc Việt ở Campuchia đã (và chuẩn bị) được tiêm chủng vaccine, kể cả những trường hợp chưa có đủ giấy tờ tùy thân. 

Chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc đã góp phần làm giảm số bệnh nhân COVID-19 ở Campuchia có các triệu chứng nguy kịch. Đó là đánh giá của Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng ngày 24/5 sau chuyến thị sát phòng cấp cứu các bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Preah Ang Duong (Phnom Penh).

Ông Mam Bun Heng xác nhận rằng các ca nhiễm mới chỉ biểu hiện những triệu chứng nhẹ. “Chúng tôi lưu ý rằng dù số bệnh nhân nhiễm COVID-19 còn ở mức cao, nhưng không nhiều người trong số họ có những biểu hiện nguy kịch. Những bệnh nhân tử vong phần lớn là người già hoặc có tiền sử bệnh nền”, Bộ trưởng Mam Bun Heng nhấn mạnh. 

Đã xuất hiện những tín hiện lạc quan từ chiến dịch tiêm chủng đầy kiên cường của Campuchia, vốn được triển khai kể cả trong những ngày tháng 4/2021, khi tấm bản đồ Phnom Penh loang lổ với các phân cấp báo động vùng nguy hiểm đỏ, vàng. 

Theo thông tin từ Bộ Du lịch Campuchia, quốc gia này sẵn sàng chào đón những du khách nước ngoài đã tiêm chủng vào Campuchia trong quý IV/2021, để khởi động chiến dịch vực dậy nền kinh tế một khi đã vượt qua những thách thức nghiêm trọng nhất của đại dịch, mà có thời điểm trong tháng 4/2021, chính Thủ tướng Hun Sen từng thừa nhận là “Campuchia đã đứng bên bờ vực tử thần”.

Ở Campuchia lúc này, lời chào không chỉ là thái độ lịch thiệp xã giao. Nó đang là sự ân cần, chu đáo sau những ngày gian khó, là thông điệp về sức khỏe và khát vọng hồi sinh của cả một nền kinh tế sôi động, từng nằm trong tốp đầu châu Á về tốc độ tăng trưởng suốt 10 năm qua.

Trần Long (Phóng viên TTXVN tại Campuchia)
Campuchia thêm 660 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua
Campuchia thêm 660 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Bộ Y tế Campuchia ngày 26/5 ghi nhận thêm 660 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó 626 ca lây nhiễm cộng đồng và 34 ca nhập cảnh - mức ca nhiễm nhập cảnh trong ngày nhiều nhất trong những tháng gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN