Chỉ một ngày sau khi vượt qua mốc 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) Thái Lan hôm 3/9 đã xác nhận một trường hợp lây nhiễm mới ở địa phương. Tương tự như ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên ở New Zealand sau 102 ngày và ca lây nhiễm ở Việt Nam sau 99 ngày, ca bệnh mới ở Thái Lan một lần nữa cho thấy diễn biến dịch COVID-19 vẫn rất phức tạp khi virus SARS-CoV-2 đã biến chủng khó lường.
Ca nhiễm mới tại Thái Lan là một nam phạm nhân có kết quả dương tính với COVID-19 ngay sau khi đến nhà tù, nơi các tù nhân mới phải trải qua 14 ngày cách ly. Bệnh nhân này đã ngay lập tức được chuyển từ nhà tù đến một bệnh viện do Cục Cải tạo điều hành. Nhà chức trách Thái Lan đang theo dõi chặt chẽ lịch sử đi lại và tiếp xúc của người đàn ông 37 tuổi bị giam giữ vì tội ma túy nói trên, trong khi DDC cùng các đối tác đang khẩn trương điều tra vụ việc để đánh giá rủi ro đối với các tù nhân nói chung.
Theo Cục trưởng DDC Suwannachai Wattanayingcharoenchai, bệnh nhân đã được xác định vị trí và Bộ Y tế đang tìm cách để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh bằng cách thu hẹp những người có thể đã tiếp xúc với bệnh nhân. Điều này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, bởi một đợt bùng phát mới của dịch bệnh được xác định bởi hai yếu tố: phát hiện ra sự lây nhiễm và sự lan truyền của virus gây bệnh. Do đó, ông Suwannachai cho rằng nếu tất cả các cơ quan và mọi người cùng hợp lực thì sẽ giảm nhẹ được nguy cơ có đợt bùng phát dịch mới sau ca lây nhiễm này, đồng thời hối thúc những người điều hành các quán rượu, các doanh nghiệp giải trí ban đêm khác và những địa điểm thể thao có đông người đến tuân thủ nghiêm túc các biện pháp về y tế công cộng để chặn đứng nguy cơ xảy ra đợt lây nhiễm mới. Tiến sĩ Suwannachai cũng trấn an người dân rằng Thái Lan đã có thể xử lý đợt bùng phát trước đó và đây mới là ca lây nhiễm đầu tiên sau 100 ngày không có dịch bệnh trong cộng đồng.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các nhà chức trách Thái Lan vẫn chưa xác định được nguồn lây của ca nhiễm mới, trong khi người này lại có lịch sử đi lại và làm việc phức tạp, mặc dù chưa từng ra nước ngoài lần nào. Việc phát hiện ra ca bệnh mới này là do quy trình xét nghiệm sàng lọc đối với tù nhân khi mới nhập trại.
Kết quả xác minh ban đầu của DDC cho thấy tù nhân là một DJ làm việc tại các chi nhánh của một chuỗi quán rượu và nhà hàng có tên tuổi ở khu vực trung tâm đông đúc ở thủ đô Bangkok. Trước khi bị bắt giam, bệnh nhân sinh sống cùng gia đình tại một chung cư ở Bangkok và các quan chức coi những người này thuộc nhóm có nguy cơ cùng với những người từng tiếp xúc gần với bệnh nhân từ 26/8. Thông tin ban đầu cho thấy 34 tù nhân được giam giữ cùng với bệnh nhân đã cho kết quả âm tính với COVID-19 và Phó Cục trưởng Cục Cải tạo Weerakit Hanparipan xác nhận rằng khoảng 8.000 tù nhân còn lại trong trại giam không có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ bệnh nhân.
Việc phát hiện ra ca COVID-19 mới trong cộng đồng tuy gây bất ngờ, nhưng cũng không nằm ngoài khuyến cáo của giới chức Thái Lan - quốc gia đầu tiên ghi nhận bệnh nhân COVID-19 bên ngoài Trung Quốc vào ngày 13/1 và được quốc tế đánh giá cao vì những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh. Thời gian gần đây, Bộ Y tế Thái Lan vẫn cảnh báo rằng quốc gia Đông Nam Á này có thể có những ca lây nhiễm mới trong cộng đồng khi mà tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, tương tự như trường hợp ở Việt Nam hay New Zealand vừa qua.
Cuối tháng 7, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày tại Đà Nẵng. Đây cũng là ca lây nhiễm cộng đồng điển hình do nguồn từ bên ngoài xâm nhập vào Đà Nẵng, khiến thành phố du lịch này trở thành tâm dịch mới của đợt dịch COVID-19 thứ hai ở Việt Nam. New Zealand ngày 11/8 ghi nhận 4 ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng sau 102 ngày miễn nhiễm.
Việt Nam, Thái Lan hay New Zealand nằm trong nhóm ứng phó với COVID-19 theo hướng "kiểm soát chặt chẽ" và đều được đánh giá đã khống chế hiệu quả đợt lây nhiễm đầu tiên. Như ở New Zealand, vào thời điểm xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, đất nước này đã thực hiện lệnh phong tỏa hoàn toàn với thế giới bên ngoài nhằm loại bỏ nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng. Việt Nam với các biện pháp tích cực như truy vết tiếp xúc, xét nghiệm tăng cường, cách ly kịp thời và thực hiện giãn cách xã hội, cũng trở thành hình mẫu chống dịch thành công trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, tốc độ lây lan và sự biến chủng của virus SARS-CoV-2 khiến COVID-19 đang có xu hướng “tái xuất” tại những nơi mà trước đó dịch bệnh từng được kiểm soát. Theo phân tích của báo Nikkei dựa trên số liệu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nếu như hồi tháng 5, trong số 188 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, 77 nơi chứng kiến xu hướng ca nhiễm tăng mạnh, thì vào tháng 8, con số này là 126 quốc gia và vùng lãnh thổ. 40 quốc gia châu Âu, tức khoảng 80% nước ở châu lục này, có đường cong nhiễm đi lên. Tại châu Á và châu Đại Dương, con số này là 70%. Theo Viện Robert Koch của Đức, tình trạng số ca nhiễm mới tăng cao thường xảy ra trong các cuộc tụ họp gia đình hoặc bạn bè, các nơi vui chơi giải trí và tại các văn phòng làm việc. Nhiều nước cũng đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với khách nước ngoài, hoặc thậm chí xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép, dẫn tới virus SARS-CoV-2 tái xuất hiện. Trong khi đó, số ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ ngày càng tăng.
New Zealand đã nâng mức phản ứng dịch bệnh tại Auckland - thành phố lớn nhất nước này lên mức độ 3 từ giữa trưa 12/8, sau khi phát hiện các ca nhiễm mới tại đây ngày 11/8. Điều này có nghĩa tất cả người dân sinh sống tại Auckland sẽ phải ở nhà, trong khi các quán bar và nhiều doanh nghiệp khác phải đóng cửa. Tất cả các địa phương còn lại ở New Zealand cũng nâng mức phản ứng dịch bệnh lên mức 2. Sau khi xác nhận ca tử vong vì COVID-19 sau hơn 3 tháng vào ngày 4/9, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo các biện pháp siết chặt đang áp dụng tại nước này sẽ được duy trì đến giữa tháng 9.
Tại Việt Nam, khi dịch tái bùng phát ở Đà Nẵng, cả nước lại bước vào giai đoạn chống dịch mới với phương châm: “Mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch”. Sau hơn 1 tháng xuất hiện ca nhiễm mới, tới nay tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát, song theo Bộ Y tế, nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng vẫn hiện hữu do nguy cơ mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn cùng với trường hợp nhập cảnh nhiễm SARS-CoV-2; trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng…Thời gian tới, thời tiết thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm về hô hấp phát triển mạnh. Do đó, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần tiếp tục được duy trì và tăng cường, với thông điệp kêu gọi mỗi người dân Việt Nam thực hiện 5k "Khẩu trang – Khử khuẩn- Khoảng cách – Không tập trung đông người –Khai báo y tế" để có thể "chung sống an toàn với đại dịch COVID-19".
Trước những kinh nghiệm của Việt Nam hay New Zealand ứng phó với đợt lây nhiễm mới, sau ca lây nhiễm phát hiện ngày 3/9, Thái Lan cũng xác định một đợt bùng phát quy mô lớn có thể được ngăn chặn hoặc kiểm soát nếu các quan chức y tế công cộng nhanh chóng thực hiện truy tìm tiếp xúc một cách toàn diện và thực thi các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt. Giới chức kêu gọi người dân không nên hoảng loạn, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và làm những gì họ đã làm khi đợt bùng phát đầu tiên xảy ra vào tháng 3, như tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, vốn đã giúp Thái Lan kiểm soát được dịch trong đợt lây nhiễm đầu tiên.
Những ca nhiễm mới trong cộng đồng xuất hiện trở lại sau thời gian dài tạm yên kể trên rõ ràng là bài học cho thấy các nước không được chủ quan, lơi là với virus SARS-CoV-2 vốn đã biến chủng. Cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch COVID-19 là thông điệp từ những trường hợp lây nhiễm mới như ở Thái Lan, New Zealand hay Việt Nam.