Thế nhưng, quyết định này sẽ không đủ để đảng Xã hội và các đồng minh cánh tả vượt qua được vòng đầu bầu cử tổng thống, do tình trạng chia rẽ quá nặng nề.
Ông Hollande đã thông báo quyết định nói trên vào ngày đảng Xã hội bắt đầu nhận đơn tranh cử cho cuộc bầu cử sơ bộ trong cánh tả vào tháng 1/2017 chọn người đại diện ra tranh chức tổng thống vào năm 2017. Sau khi Tổng thống Hollande thông báo không ra tái tranh cử, mọi con mắt đang đổ dồn vào nhân vật được xem là có thể đương đầu với cánh hữu, đó là Thủ tướng Manuel Valls, người từ mấy ngày qua đã không che giấu tham vọng ứng cử tổng thống năm 2017. Tuy nhiên, sau phát biểu của ông Hollande ngày 1/12, Thủ tướng Valls chỉ ca ngợi sự chọn lựa “khó khăn” của Tổng thống Pháp mà chưa chính thức tuyên bố tranh cử, và vẫn giữ nguyên lịch trình làm việc của ông.
Theo kết quả thăm dò dư luận, nếu tranh cử, Thủ tướng Pháp Manuel Valls (thuộc phe cánh tả) chỉ được 11% số phiếu ủng hộ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nếu quyết định lao vào cuộc đấu, trước hết, ông Manuel Valls phải vượt qua được vòng bầu cử sơ bộ của đảng Xã hội, với nhiều đối thủ sẵn sàng “so găng” với ông. Ngoài hai cựu Bộ trưởng Benoit Hamon và Arnaud Montebourg, hai Bộ trưởng đương nhiệm là Bộ trưởng Giáo dục Najat Vallaud - Belkacem và Bộ trưởng Y tế Marisol Touraine cũng không loại trừ khả năng ra ứng cử bầu cử sơ bộ của cánh tả. Chưa kể Bộ trưởng Môi trường Ségolène Royal cũng đang được một số người thúc giục ra tranh cử lần nữa sau thất bại năm 2007.
Mặt khác, dù ứng cử viên Xã hội là ai thì nhân vật này sẽ còn phải đương đầu với đại diện cánh cực tả Jean - Luc Mélenchon và cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, cả hai đều không chấp nhận tham gia vào bầu cử sơ bộ, mà ra ứng cử riêng, gây rối loạn thêm đội hình cánh tả.
Lao vào cuộc đấu với tình trạng “chia năm xẻ bảy” như vậy, cánh tả càng khó mà có cơ may giữ được chiếc ghế tổng thống. Hiện giờ, hai đối thủ nặng ký nhất của phe cánh tả chính là cựu Thủ tướng Francois Fillon - người vừa được phe cánh hữu chọn làm ứng cử viên tổng thống, và lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen. Theo kết quả các cuộc thăm dò, hai ứng cử viên phe cánh hữu và cực hữu sẽ lọt vào vòng hai để tranh nhau chiếc ghế nguyên thủ quốc gia. Còn ông Manuel Valls, theo thăm dò dư luận, nếu đại diện đảng Xã hội ra ứng cử thì chỉ thu được 11% số phiếu ủng hộ.
Cuộc đối đầu giữa cựu Thủ tướng Fillon - một người ủng hộ chính sách thị trường tự do và mong muốn cắt giảm chi tiêu công và bà Le Pen - người đứng đầu đảng Mặt trận Quốc gia có quan điểm chống người nhập cư và chống EU trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ là kịch bản kinh hoàng đối với phe cánh tả. Ngày 3/12, Chủ tịch đảng Xã hội Jean - Christophe Cambadelis đã kêu gọi phe cánh tả đoàn kết ủng hộ một ứng cử viên duy nhất. Ông Cambadelis nói: “Những người cánh tả hãy đứng lên! Chúng ta phải chiến đấu chống lại cánh hữu và đánh bại đảng Mặt trận Quốc gia”.
Như vậy, việc Tổng thống Hollande quyết định không ra tái tranh cử đang mở ra một thời kỳ vô định cho cánh tả. Trong lúc cánh hữu đang nắm chắc cơ may phục thù thì cánh tả vẫn loay tìm vị cứu tinh. Nhưng không dễ gì mà tìm ra được một nhân vật có thể dung hòa được những xu hướng khác nhau, thậm chí đối chọi nhau trong cánh tả Pháp hiện nay.
Quyết định không ra ứng cử thêm khóa mới của Tổng thống Francois Hollande gây nhiều phản ứng hết sức trái ngược. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ của nền Cộng hòa đệ ngũ Pháp không ra tái ứng cử. Báo “La Croix” ca ngợi “sự dũng cảm” của ông Hollande. Trong khi đó, tờ báo phổ thông “Le Parisien” châm biếm quyết định của ông Hollande như là “lời thú nhận thất bại”.