Hầu hết các nền kinh tế đều cố gắng tách bạch hai hoạt động vay tiền và in tiền càng rõ càng tốt. Thông thường, các quan chức phụ trách ngân sách sẽ khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách bằng cách đi vay tiền trên thị trường trái phiếu. Còn việc in tiền lại là nhiệm vụ của ngân hàng trung ương.
Theo Bloomberg, các ranh giới giữa hai hoạt động bắt đầu nhòa đi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 hiện nay, các ranh giới này đã biến mất.
Khi nhiều ngành kinh tế đổ vỡ và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, chỉ có chi tiêu công mới giúp hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp sống sót. Các chính phủ có trách nhiệm thực hiện nỗ lực giải cứu sẽ chịu cảnh thâm hụt ngân sách tồi tệ nhất trong lịch sử. Ít nhất thì họ cũng lấy tiền cho gói giải cứu bằng các khoản vay từ chính ngân hàng trung ương trong nước – khoản nợ có thể gia hạn vô thời hạn.
Ông Paul McCulley, cựu nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý đầu tư Thái Bình Dương (Pimco), nhận định: “Chúng ta đã có sự liên kết giữa chính sách tài chính và tiền tệ. Chúng ta đã phá vỡ tính rạch ròi giữa hai chính sách. Chúng ta chỉ chưa tuyên bố điều đó mà thôi. Mà thực ra cũng không cần phải tuyên bố, các chính phủ cứ thế mà làm thôi”.
Theo ước tính của Bloomberg, ở Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) định mua 3.500 tỷ USD trái phiếu năm 2020. Phần lớn trong số đó sẽ là trái phiếu kho bạc dùng để trang trải đa phần khoản thâm hụt tài chính được dự báo sẽ lên tới ít nhất 3.700 tỷ USD. Không ai biết khi nào các khoản nợ sẽ được chuyển từ nợ công vào tay các nhà đầu tư tư nhân.
Tình huống tương tự đang xảy ra khắp các nền kinh tế phát triển, từ châu Âu tới Nhật Bản, thậm chí xảy ra cả ở các thị trường mới nổi như Indonesia và Ba Lan.
Đằng sau vấn đề “tiền tệ hóa nợ” là nỗi lo lạm phát. Có nhiều giai đoạn trong lịch sử mà các chính trị gia giành quyền kiểm soát việc in tiền và đưa quá nhiều tiền vào nền kinh tế, khiến giá cả leo thang vượt tầm kiểm soát, làm suy yếu giá trị thực của mọi khoản tiết kiệm, từ tài khoản ngân hàng tới trái phiếu.
Các ngân hàng trung ương tách rời khỏi chính phủ là để “hãm phanh” khi các chính trị gia đi quá xa. Quyền tự trị của ngân hàng trung ương một ngày nào đó sẽ lại trở nên cần thiết. Tuy nhiên, theo ông McCulley, hiện giờ là lúc chưa cần quyền đó.
Trong đại dịch COVID-19, các nhà kinh tế thấy mối đe dọa xuất phát từ chiều ngược lại: giảm phát là rủi ro lớn hơn lạm phát. Khó khăn là làm thế nào để kích thích nền kinh tế, chứ không phải hạ nhiệt. Khi các nhà hoạch định chính sách hết không gian để kích thích nền kinh tế thông qua biện pháp hạ lãi suất, họ sẽ tìm cách khác. Kết quả là họ dần dần xóa nhòa ranh giới giữa chính sách tiền tệ và tài chính.
Sau khi Nhật Bản trở thành nước đầu tiên có lãi suất 0% cuối những năm 1990, các bộ trưởng tài chính nước này đã đẩy mạnh chi tiêu trong khi thống đốc ngân hàng trung ương bắt đầu mua các khoản nợ xuất hiện sau đó. Ngân hàng trung ương mua nợ qua các ngân hàng, chứ không trực tiếp từ Bộ Tài chính. Các khoản này được coi là tạm thời. Điều này cho phép các nhà lập pháp lý luận rằng không có tình trạng tiền tệ hóa nợ. Những người chỉ trích không đồng ý với điều đó nhưng những gì họ cảnh báo, ví dụ như lạm phát tăng vọt, lại không xảy ra.
Sau năm 2008, cuộc tranh cãi nói trên xảy ra khắp thế giới khi ngày càng nhiều nền kinh tế kết hợp thâm hụt ngân sách với “nới lỏng định lượng”. FED đã mua trái phiếu kho bạc trên thị trường mở thông qua một loạt thương nhân. Các ngân hàng trung ương khác cũng hành động tương tự. Các chính sách này thậm chí còn được đẩy xa hơn trong đại dịch hiện nay.
Theo ông Stephen Roach, giảng viên cấp cao tại Đại học Yale, không có lựa chọn nào khác, nền kinh tế đang rơi vào cái hố lớn nhất từ trước tới nay, nên chúng ta cần các khoản kích thích tài chính khổng lồ và ngân hàng trung ương phải vào cuộc để cung cấp tiền cho gói kích thích. Ông Roach cho rằng điều đó không có nghĩa là sẽ không có hậu quả.
Ở Mỹ, hàng loạt gói kích thích do FED hậu thuẫn có nghĩa là lạm phát có thể bắt đầu tăng sau đại dịch. Những người nắm giữ trái phiếu lúc nào cũng thiệt trong giai đoạn lạm phát tăng.
Nhiều chục năm qua, các nền kinh tế phát triển không phải lo lắng điều gì xa xôi như vậy. Lạm phát đã giảm và gần như không tồn tại cho dù các chính phủ có vay tiền nhiều tới đâu và các ngân hàng trung ương cho vay nhiều tới đâu. Vắng bóng lạm phát lâu khiến nhiều người kêu gọi thực hiện các chính sách thậm chí còn táo bạo hơn để kéo các nền kinh tế ra khỏi vũng lầy virus, cho dù có phải xóa nhòa ranh giới nợ và tiền.
Ví dụ, tại Liên minh châu Âu, nhà đầu tư George Soros đã đề xuất các nước thành viên hợp lực để phát hành “trái phiếu vĩnh viễn”, tức là không có thời hạn. Ông cho rằng họ có thể trả lãi suất 0,5% hoặc tương tự. Hạ mức lãi suất đó xuống 0% thì trái phiếu đó về cơ bản sẽ là tiền mặt.
Theo dự luật mà hai nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện Rashida Tlaib và Ilhan Omar đề xuất, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đúc đồng xu (đồng xu bạch kim trị giá mỗi đồng 1.000 tỷ USD) để có tiền cho các gói kích thích dành cho hộ gia đình mà không cần tăng nợ quốc gia.
Dự luật này còn rất xa vời nhưng nhiều biện pháp khác đang được thực hiện. Ngân hàng Trung ương Anh đã cho chính phủ vay thấu chi. Ngân hàng Trung ương New Zealand cho biết sẽ để ngỏ khả năng mua trái phiếu quốc tế chính phủ trực tiếp. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang ghìm nợ chính phủ 10 năm ở mức 0%.
Theo ông Nicola Mai, giám đốc danh mục đầu tư tại Pimco, các chính phủ và ngân hàng trung ương có thể sẽ không công khai biến nợ công thành tiền, vì rủi ro với ổn định tiền tệ lớn hơn lợi ích. Ông nói: “Tôi cho rằng không cần hợp tác công khai. Đó là hợp tác ngầm. Nhưng kết quả thì giống nhau: Ngân hàng trung ương hậu thuẫn thị trường trái phiếu quốc tế, tức là cho phép chính phủ chi tiền”.