Thành tựu quan trọng của Hàn Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh NATO

Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tạo được bước đột phá ban đầu trong quan hệ quốc tế, một bước quan trọng trong việc mở rộng liên minh Mỹ-Hàn Quốc ra ngoài bán đảo Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Hình ảnh cuộc họp Mỹ-Hàn-Nhật tại Hội nghị thượng đỉnh NATO 2022. Ảnh: wilsoncenter.org

Sue Mi Terry, Giám đốc Chương trình châu Á và Kayla Orta - Cộng tác viên Chương trình, bình luận trên trang web của Trung tâm Wilson (Mỹ) mới đây rằng, hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid vào ngày 29-30/6 là một sự kiện mang lại thắng lợi trên trường quốc tế đối với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Khi ở Madrid, ông Yoon và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản kể từ năm 2017. Sau quyết định nối lại các cuộc tập trận quân sự ba bên, vốn đã không được tiến hành kể từ tháng 12/2017, và một cuộc họp ba bên của các bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Nhật-Hàn vào đầu tháng 6, cuộc gặp lần này thể hiện sự "ấm lên" đáng kể trong quan hệ Nhật-Hàn. Mối quan hệ đó có thể tiến thêm một bước quan trọng nếu Nhật Bản và Hàn Quốc đồng ý tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, như Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đề xuất.

Điều đó không có nghĩa là tiến trình cải thiện mối quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản sẽ dễ dàng. Mặc dù vậy, cuộc họp vẫn là một bước khởi đầu quan trọng trong việc mở rộng mối quan hệ ba bên và xây dựng mối quan hệ với châu Âu.

Với cuộc họp 3 bên, Mỹ đã nhấn mạnh sự gần gũi ngày càng tăng giữa các đồng minh châu Âu và châu Á, trong khi ông Yoon đạt được tiến bộ trong mục tiêu đã đề ra của mình là biến Hàn Quốc thành một "quốc gia quan trọng toàn cầu". Ông Yoon cũng thông báo rằng Hàn Quốc sẽ thành lập một phái đoàn ngoại giao NATO của nước này tại trụ sở ở Brussels. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trong số 4 quốc gia châu Á được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO mà chưa thành lập phái bộ. Bằng cách thiết lập phái đoàn ngoại giao, Hàn Quốc đang cam kết đối thoại nhất quán hơn với NATO.

Hàn Quốc cũng đang gửi tín hiệu rằng họ chia sẻ nhiều giá trị với các nền dân chủ tự do khác và sẽ hợp tác với họ để củng cố "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ". Ông Yoon quyết định không gửi vũ khí đến Ukraine, nhưng Hàn Quốc đã tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga và cam kết hỗ trợ nhân đạo 100 triệu USD cho Kiev.

Mặt khác, mối quan hệ đang được cải thiện của Hàn Quốc với Nhật Bản và NATO có thể củng cố khả năng phòng thủ của nước này trước nhiều mối đe dọa.

Một trong những kết quả quan trọng hơn tại Madrid là NATO đã ban hành một thông cáo chung coi Trung Quốc là “thách thức có hệ thống” đối với liên minh và các quốc gia khác; mô tả Nga là "mối đe dọa trực tiếp".

Tóm lại, ông Yoon đã có một khởi đầu tốt đẹp trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống Hàn Quốc. Dù nhiều thách thức và trở ngại vẫn còn đó, đặc biệt là trong việc củng cố mối quan hệ với Nhật Bản, vốn sẽ vấp phải sự phản ứng của nhiều cử tri Hàn Quốc, nhưng ông đã tạo được bước đột phá đầu tiên của mình trong quan hệ quốc tế: Hàn Quốc đang giành được sự tôn trọng mới trên trường thế giới, một bước quan trọng trong việc mở rộng liên minh Mỹ-Hàn Quốc ra ngoài bán đảo Triều Tiên.

Công Thuận/Báo Tin tức (Wilsoncenter.org)
Hàn Quốc, NATO chuẩn bị ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác mới
Hàn Quốc, NATO chuẩn bị ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác mới

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo ông Yoon Suk-yeol ngày 30/6 đã gặp Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg để thảo luận các kế hoạch của Seoul về việc gia nhập thỏa thuận quan hệ đối tác mới với NATO, cũng như mở một phái bộ tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN