Con người đã chịu đựng 950 thảm họa tự nhiên, trong đó 90% có liên quan đến thời tiết và gây thiệt hại lên tới trên 130 tỷ USD trong năm 2010. Những vụ cháy rừng tại Braxin, những cơn bão lớn tại Mỹ cho đến những đợt hạn hán kéo dài và nạn đói triền miên tại vùng Sừng châu Phi đều là những bằng chứng rõ ràng cho thấy thế giới cần có những quyết định nhanh chóng và khẩn cấp để bảo vệ tương lai của hành tinh xanh.
Ngậplụt ở Thái Lan hồi tháng 10/2011. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo Báo cáo Tài nguyên Thế giới 2010-2011 (WRR) của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cần đưa ra những giải pháp hiệu quả để đối phó với cuộc khủng hoảng môi trường đang diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay.
Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức lớn mà các nhà chức trách phải đối mặt như sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng cao do băng tan chảy tại các cực, tìm cách cân bằng giữa các giải pháp ngắn hạn và dài hạn và gánh nặng của sự gia tăng dân số đối với tình trạng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, báo cáo do 100 chuyên gia đến từ 35 quốc gia trên thế giới tiến hành này còn đưa ra những giải pháp hợp lý và sáng tạo để chống biến đổi khí hậu tại các quốc gia đang phát triển.
Theo Giám đốc nghiên cứu WRR, Kelly Levin, nghiên cứu trên là một bước đột phá. Bà Levin bày tỏ hy vọng báo cáo sẽ mang đến một sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận của các chính phủ đối với vấn đề biến đổi khí hậu, để họ có thể đưa ra những giải pháp thực sự hiệu quả hơn. Olav Kjorven, Giám đốc Văn phòng Phát triển Chính sách thuộc UNDP nhấn mạnh biến đổi khí hậu không đơn thuần là một vấn đề môi trường. Theo ông Kjorven, ngay từ bây giờ, các chính phủ cần đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào các chương trình và chính sách trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, phát triển đô thị, quản lý nguồn nước, tài nguyên rừng và sản xuất điện.
Kaveh Zahedi, điều phối viên của UNEP, khẳng định WRR cổ vũ mạnh mẽ những cam kết của chính phủ đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Điển hình là khoản đầu tư để bảo tồn cây đước tại Việt Nam , nơi các cộng đồng dân cư vùng duyên hải đang nỗ lực chiến đấu chống lại các cơn bão và mực nước biển dâng cao. Ở miền Nam Việt Nam , việc bảo tồn cây đước đi kèm với nhiều mục tiêu như giảm đói nghèo và tạo thêm kế sinh nhai cho người dân. Kết hợp với khả năng xây dựng, các khóa đào tạo người dân địa phương và tăng cách tiếp cận với trường học và dịch vụ y tế, cây đước đã đem đến những dịch vụ, sản phẩm sinh thái và cả nguồn thu cho người dân.
Nam Phi, một trong 17 quốc gia có hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới, đồng thời là nơi nuôi dưỡng khoảng 15% loài sinh vật biển và duyên hải trên toàn cầu, cũng đang đưa việc bảo vệ hệ sinh thái vào chiến lược quốc gia để thiết lập hệ thống sinh thái bền vững, trong đó tôn trọng các kỹ thuật trồng trọt lâu đời và các mối quan hệ cố hữu trong bất kỳ hệ sinh thái nào. Theo WRR, tại 7 trong số 9 tỉnh của Nam Phi, vấn đề bảo tồn hệ sinh thái đã được đưa vào xem xét trong các quyết định quan trọng trong mọi lĩnh vực có tác động đến môi trường như nhà đất, nông nghiệp, công nghiệp và bảo tồn thiên nhiên.
Tại Trung Quốc, sau gần một thập kỷ nỗ lực trị thủy tại khu vực lòng chảo sông Dương Tử bằng cách sử dụng đê kè, trận lụt lịch sử năm 1998 đã hối thúc chính phủ trung ương tìm ra một giải pháp hữu hiệu mới để phục hồi hàng nghìn km2 đất ngập trong nước.
WRR khẳng định môi trường đang được hưởng lợi thông qua sự cải thiện về chất lượng nước, sự phục hồi của quần thể động thực vật, quá trình bảo tồn các loài bị đe dọa và tài nguyên tự nhiên. Điều phối viên Zahedi nhấn mạnh để đối phó với biến đổi khí hậu, cần có những giải pháp mang tính dài hạn chứ không phải là những biện pháp ngắn hạn mang tính nhất thời. Theo ông Zahehi, WRR sẽ chỉ ra khoảng cách giữa mục tiêu mà chúng ta phải đạt tới và những chính sách trên toàn cầu hiện nay. Ông bày tỏ hy vọng tất cả các nỗ lực đã được nêu bật trong báo cáo WRR sẽ đem đến những kết quả tích cực.
TTXVN/Tin Tức