Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP-17) diễn ra từ ngày 28/11 đến 8/12 tại Durban (Nam Phi) trong bối cảnh Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012. Tuy nhiên, hy vọng về thành công của COP-17 hết sức mong manh do các nước vẫn chưa rũ bỏ những toan tính cục bộ. Rõ ràng, biến đổi khí hậu (BĐKH) mang lớp vỏ thiên tai nhưng chứa đựng cái cốt lõi “nhân tai” - tai họa do con người gây ra - khi mà giữa các nước phát triển và đang phát triển là những hố sâu ngăn cách.
Chạy đua với thời gian
Nhân loại kỳ vọng về sự chung tay của các nước lớn trước tình trạng BĐKH đang diễn tiến xấu đi trên quy mô toàn cầu. Đã nhiều năm qua, không chỉ giới khoa học mà cả các chính phủ đều nhận thức rõ ràng về nguy cơ thảm họa thiên nhiên treo lơ lửng trên đầu khi nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng thêm 2 độ C. Thậm chí, giới khoa học còn cho rằng đến năm 2100, nhiệt độ hành tinh sẽ tăng thêm 2,8 độ C so với năm 2000 và mực nước biển sẽ tăng thêm từ 0,2 - 0,5 mét. Nước biển dâng cao đồng nghĩa với việc hàng tỷ người ở những vùng đất thấp mất không gian sinh tồn do phải chống chọi với thiên tai như các trận bão lớn, lũ lụt nghiêm trọng, triều cường, xâm nhập mặn... BĐKH còn dẫn tới những hệ lụy gián tiếp như bất ổn an ninh lương thực, khan hiếm tài nguyên, đe dọa hòa bình khu vực và quốc tế do xung đột nguồn nước và nạn di cư ồ ạt.
Quang cảnh phiên khai mạc COP-17 ở Durban. Ảnh: THX-TTXVN |
Người dân Nam Phi kêu gọi "Đừng giết Nghị định thư Kyoto" bên ngoài nơi diễn ra COP-17.ẢNH: AFP - TTXVN |
Trước kết cục không mấy sáng sủa này, những cam kết dù nhỏ của các chính phủ, đặc biệt là các “ông lớn” có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin, sẽ có tác động tích cực đến cuộc chiến chống BĐKH mà toàn nhân loại đang kỳ vọng.
Mục tiêu của COP-17 là tìm kiếm một thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto vốn là nền tảng trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, đến nay, cả Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế số 1 và số 2 có lượng khí thải lớn nhất thế giới, vẫn đứng ngoài văn kiện này.
Nghị định thư Kyoto được ký kết năm 1997 và chính thức có hiệu lực từ năm 2002, theo đó việc cắt giảm khí thải được chia làm 2 giai đoạn 2008 - 2012 và 2013 - 2020. Giai đoạn I của Nghị định thư quy định 37 quốc gia phát triển phải cắt giảm 5% lượng khí thải vào năm 2012, so với mức của năm 1990. Tuy nhiên, thật tệ hại là đến thời điểm chỉ còn một năm nữa là giai đoạn I kết thúc, hầu hết các nước không những không hoàn thành cam kết mà còn tạo ra ngày càng nhiều khí thải hơn. Các cuộc cãi vã triền miên giữa các “đại gia khí thải” khiến Hội nghị COP-16 ở Cancun (Mêhicô) năm 2010 kết thúc trong bế tắc và buộc phải chuyển giao nhiệm vụ nặng nề này cho COP-17. Mục tiêu của COP-17 là tìm hướng đi cho kỷ nguyên hậu Nghị định thư Kyoto song con đường thành lập trận tuyến mà ở đó các nước phát triển và mới nổi cùng chung một chiến hào thật vô cùng gian nan.
Điều gì sẽ xảy ra nếu COP-17 không đạt được một thỏa thuận? Sẽ lại có nhiều hội nghị COP cho đến khi các bên đi đến thống nhất hành động. Tuy nhiên, danh sách hội nghị COP thường niên cứ ngày một dài ra trong khi sinh mạng và cuộc sống của hàng tỷ con người trên hành tinh bị đe dọa hàng ngày, hàng giờ. Thời gian không chờ đợi bất cứ ai và lợi ích đại cục vẫn cần phải đặt lên trên những toan tính cục bộ.
Mỏi mòn cảnh “cha chung”
Không khó dự đoán. Ngày thảo luận đầu tiên của COP-17 (29/11) đã bộc lộ những dấu hiệu cho thấy hội nghị sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra khi mâu thuẫn ngày càng trở nên sâu sắc giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển. Cảnh “cha chung không ai khóc” đang là thực trạng dễ thấy của các hội nghị về môi trường khi mà không ai trong số những thủ phạm chính gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu chịu từ bỏ lợi ích kinh tế trước tình hình sức khỏe ngày một xấu của “Mẹ Trái Đất”. Cuộc chiến vì một thế giới an toàn về khí hậu vẫn tiếp tục theo lối mòn và có nguy cơ đi vào ngõ cụt, khi phần lớn các nước thành viên của Nghị định thư Kyoto không muốn phê chuẩn giai đoạn II của văn kiện này, trong khi các nền kinh tế mới nổi có lượng phát thải lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin vẫn điềm nhiên “tọa sơn quan hổ đấu”.
Bên thềm hội nghị, trưởng đoàn đàm phán khí hậu của Mỹ Jonathan Pershing đã sớm dập tắt hy vọng vừa được nhem nhóm với tuyên bố rằng từ nay đến trước năm 2020, các nước có lượng khí thải lớn "chắc chắn không đạt được bất kỳ cam kết mới nào" về mục tiêu cắt giảm khí thải.
Oasinhtơn chỉ ủng hộ thỏa thuận lập Quỹ khí hậu Xanh tại hội nghị lần này với mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước nghèo ứng phó với BĐKH. Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) và Canađa cũng cho biết sẽ không tham gia giai đoạn II của Nghị định thư Kyoto nếu Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đứng ngoài cuộc. Trước đó, Nhật Bản và Nga - hai thành viên tích cực của Nghị định thư - cũng khẳng định sẽ không tham gia giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, 3/4 thành viên nhóm BRICS, trừ Nga, vẫn kiên trì kêu gọi các đại biểu tham dự COP-17 gạt bỏ bất đồng để đi tới thỏa thuận về giai đoạn cam kết tiếp theo của Nghị định thư Kyoto, trong đó các nước phát triển phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết cắt giảm khí thải.
Rõ ràng, các đại biểu tham dự COP-17 sẽ phải đối mặt với bài toán vô cùng nan giải là làm sao để thu hẹp khoảng cách giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển nhằm thực thi trách nhiệm cắt giảm khí thải nhà kính.
BĐKH là tai họa tiềm ẩn do chính con người gây ra và chỉ có con người mới có thể sửa chữa sai lầm này. Thiên tai hay nhân tai, âu cũng là cái giá phải trả cho sự thờ ơ và ích kỷ.
Hữu Thắng