Ông Hirose Hiromi, bình luận viên cấp cao của đài NHK, nhận định COP 21 ở Paris sẽ là một cột mốc quan trọng trong quá trình đi đến thống nhất về một cơ cấu mới, thay thế Nghị định thư Kyoto, nhằm cắt giảm khí CO2. Trong bối cảnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang gia tăng tại các nước có nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, thỏa thuận dự kiến được hoàn tất ở Paris cần nhận được sự chấp thuận của tất cả các nước, không chỉ các nước đã phát triển. Vì vậy, thay vì quy định trách niệm khắt khe như trong Nghị định thư Kyoto, các nước tham gia đều được yêu cầu đệ trình mục tiêu cắt giảm khí thải.
Các Bộ trưởng về khí hậu của hơn 40 nước chụp ảnh chung tại cuộc họp tham vấn không chính thức diễn ra trong hai ngày 20 và 21/7 ở Paris nhằm chuẩn bị cho COP 21. |
Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản - những nước có lượng khí thải nhiều nhất - đã đệ trình các mục tiêu. Sự thay đổi thái độ của Trung Quốc và Mỹ, hai nước miễn cưỡng trong việc cắt giảm khí thải CO2, làm dấy lên hy vọng về khả năng cao sẽ đạt được thỏa thuận. Nhưng một yếu tố đáng lo ngại là Ấn Độ - nước có lượng khí thải nhiều thứ ba thế giới - chưa đệ trình mục tiêu cắt giảm. Tại COP 21, nguyên tắc và thỏa thuận cuối cùng phải được tất cả các bên tham gia thông qua. Việc Ấn Độ chưa tiến hành bước đi cần thiết phủ bóng đen lên triển vọng có thể đạt được thỏa thuận tại hội nghị ở Paris sắp tới.
Ở Ấn Độ, có một quan niệm đã “ăn sâu bắt rễ” là tại sao họ phải chịu mức cắt giảm như mức của các nước phát triển. Họ nghĩ chính các nước đã phát triển là thủ phạm gây nên tình trạng trái đất nóng lên, vì đã thải ra lượng khí CO2 lớn vào không khí từ cuộc cách mạng công nghiệp. Với Ấn Độ, thật phi lý khi các nước phát triển - những người chịu trách nghiệm gây ra biến đổi khí hậu - được đặt ra các mục tiêu cắt giảm vốn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi.
Bất đồng giữa các nước phát triển và các nước mới nổi rất sâu sắc. Trên thực tế, Ấn Độ và nhiều nước mới nổi đang phát triển khác, trong đó có Brazil và Nam Phi, chưa đệ trình mục tiêu cắt giảm trong các cuộc họp đang diễn ra. Theo ông Hirose Hiromi, kết quả của COP 21 sẽ phụ thuộc lớn vào việc có thêm bao nhiêu nước đệ trình mục tiêu cắt giảm, và liệu các bên có thể thống nhất một cơ cấu mới để các nước mới nổi cũng sẵn lòng chấp thuận?
Biến đổi khí hậu đang gây ra thiệt hại kinh tế, nghiêm trọng và bi thảm. Thiệt hại gây ra bởi nhiễu loạn khí hậu sẽ cao gấp 5 đến 20 lần so với chi phí dành cho cuộc chiến chống phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Sự phát triển một nền kinh tế xanh không phải là một thứ xa xỉ chỉ các nước giàu mới có thể làm được. Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và nhiều tổ chức khác nhấn mạnh rằng một nền kinh tế xanh sẽ tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo. Để đạt được điều này, công nghệ tiên tiến phải được phát triển trong các lĩnh vực khác nhau như nguồn năng lượng tái tạo và các phương tiện giao thông công cộng, và thế hệ trẻ phải được đào tạo về cách sử dụng các công nghệ mới.
Đại đa số các thách thức về khí hậu vẫn đang ở phía trước, nhưng chúng ta vẫn có thể tránh điều tồi tệ nhất nếu có những hành động đúng đắn ngay từ bây giờ.