“Căn bệnh bị lãng quên” và “cuộc chiến đang bị giảm tốc” là những cụm từ được nhắc nhiều nhất khi nói về bệnh sốt rét trong những ngày cả thế giới đối mặt với thách thức COVID-19. Theo kịch bản tồi tệ nhất, WHO cảnh báo số ca tử vong do sốt rét tại khu vực châu Phi hạ Sahara có thể lên tới 769.000 người trong năm nay.
Nguyên nhân là do hệ thống y tế tại các quốc gia nghèo khó ở khu vực này phải gồng mình đối phó với dịch COVID-19, giảm bớt sự tập trung vào những dịch bệnh cũ như sốt rét. Các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu hạn chế giao tiếp, thực hiện giãn cách xã hội hay phong tỏa các khu vực, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền cũng như phân phối màn chống muỗi và thuốc chữa sốt rét cho những người dân nghèo châu Phi.
Nếu tất cả các chiến dịch phân phát màn chống muỗi bị đình trệ và nguồn cung các loại thuốc hiệu quả chống sốt rét giảm 75%, số ca tử vong do bệnh sốt rét sẽ tăng lên mức cao nhất trong 20 năm, đảo ngược những thành tựu đạt được trong cuộc chiến chống bệnh sốt rét toàn cầu suốt một thập niên qua.
Sốt rét được cho là căn bệnh của nghèo đói và bất bình đẳng, bởi những người dễ đối mặt với nguy cơ tử vong nhất khi mắc sốt rét là phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi sống tại khu vực nghèo đói cận Sahara của châu Phi, nơi ghi nhận hơn 90% số ca sốt rét trên toàn cầu. Riêng năm 2018, khoảng 900.000 đứa trẻ ở 38 quốc gia châu Phi sinh ra bị thiếu cân do mẹ mắc sốt rét trong thai kỳ. Khoảng 2/3 trong tổng số ca tử vong do sốt rét trên khắp thế giới là trẻ em dưới 5 tuổi.
Hiện chưa có vaccine đặc hiệu, song sốt rét là một căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi hoàn toàn. Cuộc chiến chống sốt rét đã kéo dài nhiều năm và đã có những thành quả lớn. Theo số liệu của WHO, trong vòng 15 năm qua, số ca mắc sốt rét đã giảm 37%, số ca tử vong do bệnh sốt rét đã giảm 60%, tỷ lệ tử vong khi mắc sốt rét ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng đã giảm xuống 65%, có 10 quốc gia từng đối mặt với dịch sốt rét hiện đã tuyên bố không còn căn bệnh này và khoảng 60 quốc gia đã giảm trên 75% số ca sốt rét. Một trong những Mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ đã hoàn thành.
Đây là kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều tổ chức, cá nhân, kêu gọi những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất thực hiện những biện pháp phòng chống dịch đơn giản, hiệu quả để bảo vệ bản thân và người xung quanh. Đó có thể là dọn dẹp môi trường xung quanh không để muỗi có điều kiện sinh sôi, mắc màn khi đi ngủ hay vận động, tuyên truyền cho cộng đồng, đưa ra những chiến dịch quốc gia về phòng chống sốt rét.
Tuy nhiên, trong ba năm trở lại đây, cuộc chiến với căn bệnh này đang có dấu hiệu chững lại trên toàn cầu, và đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng hơn thách thức của bệnh sốt rét. Năm 2018, thế giới ghi nhận thêm 228 triệu ca sốt rét tại 89 quốc gia và 405.000 ca tử vong, không giảm kể từ năm 2015.
Khu vực hạ Sahara châu Phi chiếm 93% số ca mắc và 94% số ca tử vong do bệnh sốt rét, tập trung tại 6 quốc gia Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Uganda, Côte d’Ivoire, Mozambique và Niger. Với tình hình này, hai mục tiêu cơ bản của Chiến lược toàn cầu chống sốt rét giai đoạn 2016-2030 do WHO đưa ra, là giảm ít nhất 40% tỉ lệ mắc và tử vong do sốt rét vào năm 2020, chắc chắn không thực hiện được, trong khi mục tiêu đến năm 2030 giảm 90% số ca mắc mới và tử vong, cũng có nguy cơ cao bị bỏ lỡ.
Năm 2018, quỹ toàn cầu nhằm kiểm soát và chấm dứt bệnh sốt rét nhận được 2,7 tỷ USD tài trợ, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 5 tỷ USD trong chiến lược toàn cầu của WHO. Gần 70% số tiền này là từ các nguồn quốc tế. WHO cho biết để đầu tư cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, kiểm soát các mối nguy cơ gây bệnh, sản xuất vaccine và thuốc điều trị sốt rét hiệu quả, tiến tới xóa bỏ căn bệnh này, từ nay đến năm 2030, thế giới cần khoản tài chính trị giá 34 tỷ USD phân bổ cho 29 quốc gia đang bị sốt rét tấn công nặng nề nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới phải đương đầu với đại dịch COVID-19 và một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang hiện hữu, nguồn tài trợ cho quỹ chống sốt rét sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những thách thức đó khiến sốt rét trở thành “căn bệnh bị lãng quên”, dù rằng WHO cảnh báo căn bệnh cũ này có thể gây chết chóc khủng khiếp hơn COVID-19 tại châu Phi
“Không còn sốt rét, bắt đầu từ tôi” (“Zero Malaria, Starts with me”), chủ đề Ngày Thế giới phòng chống sốt rét năm nay nhằm kêu gọi trách nhiệm và hành động của tất cả mọi người trong cuộc chiến chống bệnh sốt rét. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế của những quốc gia phát triển nhất, lời kêu gọi về sự chủ động và trách nhiệm của từng cá nhân trong cộng đồng, tùy vào khả năng của mình, lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
WHO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một hệ thống y tế mạnh nhằm chống lại không chỉ những dịch bệnh đã có từ lâu như sốt rét mà cả những dịch bệnh mới đang xuất hiện. Điều quan trọng là mỗi cộng đồng, mỗi chính phủ, chính trị gia và mỗi người dân đều nhận lấy trách nhiệm của mình và nỗ lực hành động để “đặt dấu chấm hết” cho bệnh sốt rét.