Tên lửa S-400 Triumph bảo vệ bầu trời Mátxcơva

Vào những ngày giữa mùa đông tại thao trường Kapustin Yar ở vùng thảo nguyên Astrakhan (miền nam nước Nga), quân đội Nga đã thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa S-400 Triumph, theo kế hoạch được triển khai tại quận Dmitrov, tỉnh Mátxcơva đầu tháng 3 này.


Như vậy, từ nay, “trái tim nước Nga” sẽ được bảo vệ vững chắc bởi “trái tim” của Hệ thống phòng thủ phi chiến lược Nga – tổ hợp tên lửa S-400 Triumph.

Để bảo vệ khu vực trung tâm của nước Nga, cần tối thiểu hai trung đoàn S-400 Triumph nữa, mà theo kế hoạch có thể được tăng cường trong năm 2016 và năm 2020. Hiện tại ở St Petersburg, hai nhà máy đang được xây dựng để sản xuất hàng loạt hệ thống S-400 nhằm tái vũ trang quy mô lớn cho tất cả các đơn vị thuộc lực lượng phòng không Nga trong thời gian tới. Trước mắt, trung đoàn S-400 thứ ba dự kiến sẽ được triển khai ở khu vực Viễn Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Vladimir Drich, cho biết trung đoàn tên lửa S-400 thứ hai có 16 dàn tên lửa với 4 tên lửa mỗi dàn.

Phóng thử tên lửa S-400 Triumph.


Sau khi nhận được hai trung đoàn S-400, Mátxcơva sẽ chuyển giao cho các đơn vị khác hệ thống S-300 PMU 2 "Favorit" không kém phần hiện đại mà trước đây được trang bị để bảo vệ thủ đô Nga.

Bên cạnh hệ thống S-400, trong 2 - 3 tháng tới, ngoại ô Mátxcơva cũng sẽ đưa vào trực chiến tên lửa cao xạ tầm ngắn Pantsir-S1 để tạo thành các nhóm phòng thủ hỗn hợp tầm ngắn và tầm xa.

Việc trang bị tên lửa S-400 được thực hiện theo chương trình hiện đại hóa của Không quân Nga năm 2011. Đồng thời, việc nước Nga phải tăng cường khả năng phòng thủ cho Mátxcơva cho thấy tình hình an ninh khu vực và thế giới tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường. Trong bối cảnh Mỹ vẫn quyết tâm triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của riêng mình và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng tiến sát đến biên giới nước Nga thì việc quân đội Nga triển khai S-400, thậm chí trong tương lai là S-500, để bảo vệ đất nước cũng là điều dễ hiểu.

S-400 là hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa mục tiêu bởi nó được thiết kế nhằm bảo vệ các mục tiêu chính trị - hành chính - quân sự - kinh tế đặc biệt quan trọng trước các cuộc tấn công bằng không quân, tên lửa chiến lược có cánh, tên lửa chiến thuật và tên lửa đạn đạo tác chiến – chiến thuật. Tổ hợp này được triển khai gần các mục tiêu trọng điểm và bắt đầu được đưa vào chế độ thường trực chiến đấu.

Hệ thống phóng được kết nối với các trạm định vị cơ động bằng cáp và trong khu vực có bán kính 400 km, các mục tiêu trọng yếu hoàn toàn có thể yên tâm trước các cuộc không kích. Hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga đảm nhận trách nhiệm kết nối tổ hợp S-400 với mặt đất.

Xét về mặt đặc tính kỹ thuật, S-400 là một trong những hệ thống tên lửa cao xạ tốt nhất thế giới. Nó là “phiên bản” của S-300 nhưng được hoàn thiện thêm nhờ các thiết bị điện tử hiện đại. Nhìn bề ngoài, S-400 và S-300 gần như giống nhau, nhưng kỹ thuật bên trong hoàn toàn khác nhau. Hệ thống định vị của tổ hợp S-400 đảm bảo “phát hiện theo tuyến” 100 mục tiêu và theo dõi chính xác tới sáu mục tiêu.

Theo báo Izvestia (Nga), S-400 bay với tốc độ nhanh gấp 6 lần so với “người tiền nhiệm” S-300 cũng như “anh bạn” Patriot của Mỹ. Sự vượt trội này có được là do S-400 sử dụng hệ thống phóng theo chiều thẳng đứng và sự thay đổi thiết kế của các tên lửa. Nhờ tín hiệu định vị trên không trung mà tên lửa luôn bay về phía xuất phát của mục tiêu. Ngoài ra, S-400 hoàn toàn có thể loại bỏ cái gọi là “vùng chết” trong phòng thủ, nơi mà tên lửa tấn công mục tiêu của đối phương có thể xuyên thủng.

Theo kế hoạch kiểm tra ở Kapustin Yar, hệ thống S-400 cần bắn trúng ba mục tiêu: Thứ nhất là tên lửa hành trình (được mô phỏng bởi một trong những hệ thống tên lửa đầu tiên của Nga là S-25 “Berkut”), thứ hai là tên lửa mục tiêu “Cuban" (đóng vai một mục tiêu đạn đạo) và cuối cùng là một thiết bị đặc biệt mô phỏng mục tiêu siêu thanh (được phóng từ dù).

Theo chỉ huy Bộ Tư lệnh phòng thủ vũ trụ tác chiến - chiến lược, Trung tướng Valery Ivanov, S-400 vượt trội một bước so với tất cả các thiết kế được biết đến hiện nay của phương Tây. Giao diện làm việc thay đổi với màn hình plasma, bảng thông tin với chương trình phần mềm điều khiển vũ khí rất giống với hệ điều hành Windows. Như vậy, những ai đã quen sử dụng máy tính thông thường sẽ dễ dàng sử dụng phần mềm Triumph. Đặc biệt, thao tác dùng chuột quen thuộc sẽ hỗ trợ cho công việc của người lính trực chiến. Ngoài ra, máy tính được lắp đặt cho hệ thống S-400 có công suất mạnh hơn rất nhiều so với S-300, trong khi diện tích nhỏ gọn hơn.

Thuật toán tương tác giữa các công cụ điều khiển và tên lửa cũng được thay đổi. Nhờ đó, S-400 có khả năng phát hiện máy bay tàng hình, cũng như các tên lửa hành trình và tác chiến - chiến thuật trong phạm vi lên tới 600 km. S-400 có khả năng phá hủy vật thể bay ở độ cao từ 5 mét đến 30 km và tốc độ lên tới 4,8 km/giây… Không thể nói hết về những tính năng kỹ thuật của S-400 vì nhiều thông số là bí mật quân sự. Trong tương lai, các đặc tính chiến đấu của S-400 sẽ không ngừng được cải thiện và mở rộng.

Hồng Quân (P/v TTXVN tại LB Nga, tổng hợp)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN