Ngày 2/7, ĐHĐ LHQ đã thông qua dự thảo nghị quyết do Trung Quốc đề xuất và được hơn 140 quốc gia đồng bảo trợ, kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hành động thực tiễn nhằm hỗ trợ các nước, đặc biệt là những nước đang phát triển, nâng cao năng lực AI, tính đại diện và tiếng nói trong quản trị AI toàn cầu. Hồi tháng 3 vừa qua, ĐHĐ LHQ đã thông qua nghị quyết đầu tiên mang tính bước ngoặt về việc thúc đẩy các hệ thống AI "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy" để mang lại lợi ích là sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người.
Theo PricewaterhouseCoopers (PwC), một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới hiện nay (Big 4), AI có thể giúp tăng thêm 15.700 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030 với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng thêm 14%. Trung Quốc và Bắc Mỹ sẽ là những khu vực chứng kiến bước tiến mạnh mẽ nhất nhờ sự tiến bộ công nghệ, với các mức tăng trưởng GDP lần lượt là 26% và 14,5%, với tổng giá trị lên tới 10.700 tỷ USD.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, vấn đề đạo đức và xã hội liên quan tới lĩnh vực này dần trở thành tâm điểm chú ý. Các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng rộng rãi AI mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức ở khía cạnh đạo đức và xã hội.
Thứ nhất là khía cạnh đạo đức. Hệ thống AI thường đưa ra quyết định dựa trên lượng lớn dữ liệu và thuật toán. Tuy nhiên, dữ liệu này có thể bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị. Ví dụ, việc sử dụng AI để sàng lọc hồ sơ trong quá trình tuyển dụng có thể dẫn đến các vấn đề về giới tính, chủng tộc và phân biệt đối xử khác. Vì vậy, cần đảm bảo rằng việc ra quyết định của hệ thống AI là công bằng và không thiên vị, thông qua cải tiến liên tục các thuật toán, đồng thời thiết lập các cơ chế giám sát và xem xét hiệu quả.
Thứ hai là vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Với việc ứng dụng rộng rãi hệ thống AI, một lượng lớn dữ liệu cá nhân được thu thập và phân tích. Việc sử dụng sai mục đích dữ liệu có thể dẫn đến xâm phạm quyền riêng tư của người dùng và các vấn đề về bảo mật thông tin. Để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng luật và quy định bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt.
Thứ ba là cấu trúc xã hội và tác động việc làm. Sự phát triển của AI có thể thay đổi mô hình làm việc truyền thống, khiến một số công việc bị thay thế bằng tự động hóa. Điều này sẽ có tác động sâu sắc đến cấu trúc xã hội và thị trường việc làm. Vấn đề đặt ra là giúp những người bị ảnh hưởng chuyển sang công việc mới, nâng cao kỹ năng của họ và xây dựng một hệ thống xã hội toàn diện và công bằng hơn. Điều này dẫn tới yêu cầu các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức giáo dục phải hợp tác cùng nhau để đảm bảo rằng mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể thích ứng với những thay đổi do AI mang lại.
Thứ tư là nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức. Trong quá trình phát triển AI, việc hình thành các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức rõ ràng là đặc biệt quan trọng. Những nguyên tắc này phải bao gồm tính minh bạch của việc xử lý dữ liệu, khả năng giải thích của việc ra quyết định bằng thuật toán cũng như sự rõ ràng về quyền và trách nhiệm để đảm bảo tính hợp pháp, công bằng và khả năng kiểm soát của hệ thống AI. Đồng thời, cần thành lập các cơ quan quản lý đặc biệt để giám sát hoạt động của hệ thống AI và đảm bảo chúng tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức.
Trong bối cảnh này, Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới (WAIC) thường niên và Hội nghị cấp cao về quản trị AI toàn cầu diễn ra tại Thượng Hải từ ngày 4-6/7 là sự kiện quan trọng, cung cấp nền tảng để thảo luận về những tiến bộ mới nhất trong nghiên cứu AI, khám phá ứng dụng AI trong các ngành khác nhau và tranh luận về tác động đạo đức và xã hội của AI. Chủ đề của WAIC 2024 là "Quản trị AI vì lợi ích chung và cho tất cả mọi người".
Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu về AI. Thống kê cho thấy, năm 2023 quy mô ngành công nghiệp cốt lõi AI của Trung Quốc đạt 578,4 tỷ NDT, với tốc độ tăng trưởng 13,9%. Hiện tại, doanh số bán robot công nghiệp của cường quốc châu Á này chiếm hơn một nửa doanh số toàn cầu, đứng đầu thế giới trong 10 năm liên tiếp. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) LHQ, Trung Quốc đứng đầu thế giới về số lượng hồ sơ cấp bằng sáng chế quốc tế cho AI tạo sinh (GenAI), chiếm hơn 38.000 trong tổng số 54.000 đơn trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2023. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là những rủi ro mà AI gây ra, buộc nhà chức trách phải quan tâm tới vấn đề quản lý và giám sát để bảo đảm thúc đẩy AI phát triển lành mạnh, bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích cộng đồng. Cách đây 1 năm, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành các quy định để quản lý AI tạo sinh.
Chỉ trên cơ sở thiết lập khuôn khổ và chuẩn mực đạo đức hợp lý, AI mới có thể mang lại lợi ích tốt hơn cho xã hội loài người và đạt được các mục tiêu phát triển chung của khoa học công nghệ và nhân loại. Theo chuyên gia Ian Bremmer - Chủ tịch hãng tư vấn Eurasia Group, thách thức hiện nay mà AI đặt ra là rất rõ ràng, đòi hỏi phải có một khuôn khổ quản trị toàn cầu mới và cách thức quản trị AI từ tận gốc, phù hợp với công nghệ đặc biệt này. Và khi AI đã, đang và sẽ tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, một "phản ứng toàn cầu" trong quản trị AI càng trở nên cấp bách. Chính việc cùng hợp tác quản trị AI sẽ giúp tạo dựng niềm tin vào AI, bảo đảm AI đem lại lợi ích chung cho tất cả mọi người.