Theo nhận xét của các chuyên gia, cuộc không kích của phương Tây vào Syria chắc chắn sẽ nhắm vào quân đội, cơ quan tình báo và cũng có thể vào các địa điểm mang tính biểu tượng của chế độ, tuy nhiên sẽ không làm thay đổi tương quan lực lượng tại đây.
Theo giới phân tích, các cuộc không kích sẽ được tiến hành với các tên lửa Tomahawk được phóng đi từ những tàu chiến ở Đại Tây Dương và cũng có thể với các máy bay tiêm kích-bom hoạt động bên ngoài không phận Syria. Cuộc tấn công này nhằm “trừng phạt” chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và gửi đến nhà độc tài này một thông điệp, chứ không phải nhằm triệt hạ năng lực quân sự của chính quyền Damascus và đem lại lợi thế mang tính quyết định cho phe nổi dậy.
Quân chính phủ Syria triển khai tại Jobar ngày 24/8/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chuyên gia Jeffrey White của Viện Chính sách Cận Đông ở Washington nhận định: “Các mục tiêu sẽ bao gồm các bộ chỉ huy trong khu vực Damascus, những doanh trại của sư đoàn thiết giáp số 4 và Vệ binh Cộng hòa”. Vệ binh Cộng hòa nổi tiếng là một trong những đơn vị được vũ trang hiện đại và được huấn luyện kỹ càng nhất, hiện do Maher al-Assad, em trai của Tổng thống Syria chỉ huy. Ông White nói thêm: “Lực lượng đồng minh cũng sẽ nhắm vào các bộ chỉ huy quân sự, các cơ quan tình báo và trung tâm chỉ huy các hoạt động tại khu vực thủ đô”.
Tướng Pháp Vincent Desportes, cựu Giám đốc trường đào tạo sĩ quan Pháp nói với hãng tin AFP: “Các cuộc tấn công này mang tính hình thức. Đây là động thái nhằm tái lập sự tin cậy đối với phương Tây. Không thể để ranh giới đỏ đã được công bố bị vi phạm đến mức độ như thế mà không có hành động gì để đáp trả, nếu không thì lòng tin đối với Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn bị mất đi, đặc biệt là trong vấn đề Iran”.
Tướng Desportes nói thêm: “Nhưng cũng không nên làm quá, vì nếu Tổng thống Assad tử nạn hay nếu chế độ Damascus sụp đổ, sẽ dẫn đến một cuộc tắm máu khủng khiếp, một sự hỗn loạn trên toàn quốc. Đó sẽ là một thất bại chiến lược mới. Chúng ta sẽ tấn công nhanh gọn, vào những mục tiêu mang tính biểu tượng như các tòa nhà và dinh thự chính quyền nếu chắc chắn Assad không có trong đó, vào Bộ Quốc phòng, một số mục tiêu quân sự, các trung tâm chỉ huy và căn cứ không quân. Tất cả đều có lợi nếu chỉ tấn công hạn chế”.
Các chuyên gia khẳng định các cuộc không kích sẽ không đủ để làm giảm năng lực quân sự của chế độ Syria, giúp cho cán cân sức mạnh nghiêng về phe nổi dậy cho dù theo nhận định của ông Jeffrey White, các cuộc tấn công này có thể làm “gia tăng sự rạn nứt trong hàng ngũ chế độ và làm tăng thêm các vụ đào ngũ”.
Theo Christopher Harmer, nhà phân tích chuyên về hải quân của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, những quả tên lửa có thể tấn công hết sức chính xác vào các mục tiêu nhưng không có khả năng tàn phá nghiêm trọng.
Hoa Kỳ hiện có 200 tên lửa Tomahawk bố trí trên bốn tàu chiến tại Địa Trung Hải. Theo ông Harmer, đây là “một cơ số tên lửa dư sức để tiến hành một cuộc tấn công với tần suất trung bình vào nhiều mục tiêu khác nhau”.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, với thời gian tấn công hầu như công khai và ý định được công bố rõ ràng của các nước phương Tây, rất có thể các tên lửa đắt tiền này chỉ phá hủy các trụ sở mà nhân viên đã được sơ tán từ nhiều ngày trước và các bộ chỉ huy không người. Harmer kết luận: “Các mục tiêu được chọn lựa với mục đích duy nhất là trừng phạt chế độ Assad, chỉ mang lại rất ít tác động trên bàn cờ chiến lược”.
Về phía Hoa Kỳ, tuy đã tỏ rõ quyết tâm, nhưng đến ngày 29/8, Tổng thống Barack Obama vẫn chưa bật đèn xanh. Ông tuyên bố: “Tôi chưa quyết định. Tôi có nhiều phương án và đã thảo luận nhiều với êkíp an ninh quốc gia. Chúng ta đều biết rằng chế độ Assad sát hại chính người dân của mình, giết chết hàng chục nghìn người, có những xung đột phe phái dẫn đến các vụ thảm sát. Và cho dù những gì diễn ra tại Syria là đầy bi kịch, tôi kêu gọi Assad từ bỏ quyền lực, thành lập một chính phủ quốc gia lâm thời ở Syria. Tôi cũng kết luận rằng một cuộc tấn công quân sự trực tiếp sẽ không giúp cho tình hình ở Syria sáng sủa hơn”.
Trong khi đó, các chuyên gia của đài “Tiếng nói nước Nga” cho rằng cuộc xâm lược của phương Tây đối với Syria, nếu xảy ra, sẽ là kết hợp giữa “kịch bản Iraq” và “kịch bản Libya”.
Nhà quan sát Eugene Yermolaev cho biết không phải tất cả cái gọi là cộng đồng phương Tây đều muốn vung rìu đe dọa Syria. Thủ tướng Australia Kevin Pradd, người đầu tháng sau sẽ chủ trì Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) kêu gọi không nên vội kết luận về các sự kiện ở Syria và chờ đợi phán quyết của các chuyên gia LHQ về việc sử dụng vũ khí hóa học.
TTK