Tâm thế của Tổng thống Biden trong chuyến công du nước ngoài sau bầu cử

Đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, chuyến công du nước ngoài được lên lịch chỉ trong vài ngày sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được coi như một cửa thoát hiểm, tạo điều kiện để tránh phải đối mặt với kết quả tồi tệ có thể xảy ra.

Chú thích ảnh
Tổng thống Biden phát biểu với các phóng viên tại Bali, Indonesia ngày 16/11. Ảnh: AP

Tuy nhiên, hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết chuyến công du nước ngoài lần này của ông Biden gồm các điểm dừng tại Ai Cập, Campuchia và Indonesia lại trở thành sự phô trương chiến thắng. Trong chuyến thăm này, Tổng thống Biden đã gọi điện chúc mừng những thành viên đảng Dân chủ đã đạt kết quả vượt mong đợi trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Điều này góp phần tăng tự tin cho nhà lãnh đạo Mỹ trong chuyến công du khi ông tham dự 3 hội nghị quốc tế nhằm đẩy mạnh hành động về vấn đề biến đổi khí hậu, đẩy mạnh quan hệ kinh tế tại châu Á và tình hình Ukraine.

Trọng tâm chuyến công du Indonesia của Tổng thống Biden không chỉ dừng lại ở hội nghị mà còn là cuộc gặp của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mặc dù 2 nhà lãnh đạo đã trao đổi nhiều lần nhưng họ đã không gặp gỡ trực tiếp kể từ khi ông Biden lên nắm quyền cách đây 2 năm.

Trước khi đến Indonesia, Tổng thống Biden đã dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Campuchia. Đây được coi là động thái để thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực. Ông đã gặp gỡ lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc để thảo luận về Triều Tiên.

Chuyến thăm ngắn nhất của ông Biden là tại Ai Cập nơi ông dành 3 tiếng cho một hội thảo thường niên của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Trong chuyến công du nước ngoài của ông Biden, một sự kiện quốc tế đáng chú ý xảy ra, đó là quả tên lửa rơi xuống Ba Lan ở thời điểm diễn ra hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Tổng thống Biden đã không chĩa thẳng mũi dùi chỉ trích Nga và cam kết “đảm bảo tìm ra điều gì đã xảy ra”. Cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Daniel Fried nhận định ông Biden đã có nước đi đúng đắn với tình huống này khi thể hiện tinh thần đoàn kết với Ba Lan và không vội vã đưa ra kết luận.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Campuchia ngày 12/11. Ảnh: AP

Nhưng sau khi kết thúc chuyến công du và quay trở về Mỹ, ông Biden dự kiến phải đối mặt với những thách thức “khó nhằn” trong nhiệm kỳ, bao gồm quan ngại về nguy cơ xảy ra suy thoái và việc có nên tranh cử nhiệm kỳ hai hay không. Lạm phát và nhiều yếu tố khác khiến người Mỹ phải đối mặt với mùa Lễ Tạ ơn đắt đỏ hơn vào tuần tới.

Những vấn đề này đã tạm gác lại khi ông Biden ở nước ngoài và đảng Cộng hòa rơi vào lục đục liên quan đến việc ai phải chịu trách nhiệm cho kết quả không như kỳ vọng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua.

Cố vấn cấp cao của Tổng thống, bà Anita Dunn đánh giá Tổng thống Biden sẵn sàng làm việc với các thành viên đảng Cộng hòa nhưng “câu hỏi thực sự là liệu đảng Cộng hòa có sẵn sàng hợp tác vì lợi ích của người dân hay chỉ sử dụng 2 năm tới cho thù địch”.

Trong phát biểu tối 16/11, Tổng thống Biden chúc mừng lãnh đạo phe Cộng hòa Kevin McCarthy về chiến thắng tại Hạ viện và nhấn mạnh rằng ông sẵn sàng làm việc với họ để "đem lại kết quả cho các gia đình lao động".

Tổng thống Biden sẽ phải quyết định liệu có tranh cử cho nhiệm kỳ hai. Quyết định có thể được công bố vào đầu năm sau.

Hà Linh/Báo Tin tức (AP)
Tổng thống Mỹ Joe Biden chúc mừng đảng Cộng hòa giành đa số tại Hạ viện
Tổng thống Mỹ Joe Biden chúc mừng đảng Cộng hòa giành đa số tại Hạ viện

Tổng thống Mỹ Joe Biden - người của đảng Dân chủ - ngày 16/11 đã chúc mừng đảng Cộng hòa giành đa số tại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ cuối tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN