Quyết định của Tổng thống Trump (giữa) để ông Michael Flynn (trái) rời ghế được cho là nhằm giải quyết bất đồng trong nội bộ các cố vấn cấp cao. Ảnh: New York Times
|
Đêm 13/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, tướng nghỉ hưu Michael Flynn đã chính thức xin từ chức sau khoảng thời gian ngồi trên “ghế nóng” bởi những tranh cãi liên quan tới quan hệ của ông với giới chức Nga từ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Trong đơn từ chức, ông Flynn thừa nhận đã không cung cấp đầy đủ thông tin cho Tổng thống về những cuộc liên hệ với đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyalk.
Trước đó, những cuộc điện đàm của ông Flynn với đại diện Nga đã dấy lên nghi vấn Cố vấn an ninh quốc gia vi phạm một đạo luật cấm công dân Mỹ với tư cách cá nhân được dính líu tới những tranh cãi ngoại giao với nước ngoài. Tuy nhiên, theo cựu quan chức Lầu Năm góc Michael Maloof, cáo buộc ông Flynn phạm luật là không có cơ sở.
“Vấn đề là chúng ta không biết chính xác ông Flynn đã thảo luận gì với Kislyak trong cuộc điện đàm. Họ muốn buộc tội ông Flynn phạm Đạo luật Logan năm 1799, vốn chưa bao giờ được áp dụng trong thực tiễn tư pháp. Thật là điên rồ”, ông Maloof được RT dẫn lời nói.
Về phần mình, chuyên gia chính trị Nga Viktor Olevich cho rằng một số thành viên trong bộ máy chính quyền muốn hưởng lợi từ bê bối của tướng Flynn. “Vụ bê bối này là cơ hội với một số nhân vật trong chính quyền và ngành lập pháp Mỹ, những người đang tìm cách buộc chính quyền Trump phải áp dụng một chính sách ngoại giao có lợi cho thiết chế chính trị Mỹ và không được có thay đổi lớn với mối quan hệ hiện tại giữa Washington và Moskva”, ông Olevich nói với RT.
Trong khi đó, chuyên gia Pavel Podlesny thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề Mỹ và Canada có trụ sở tại Moskva cho rằng việc Cố vấn an ninh quốc gia Flynn từ chức là kết quả xung đột nội bộ trong chính quyền mới.
Một số nguồn tin thân cận Nhà Trắng cũng cho hay quyết định của Tổng thống Donald Trump với tướng Flynn là không dễ dàng. “Tổng thống đánh giá lòng trung thành của cấp dưới hơn bất cứ điều gì và tướng Flynn là một trong những người trung thành nhất của ông", trang Politico dẫn nguồn một vị cố vấn cho biết.
Tuy nhiên, ông Trump càng ngày càng bị thuyết phục rằng vụ Flynn liên hệ với Nga sẽ không dễ gì trôi qua. Các trợ lý và cố vấn hàng đầu của ông đã mất lòng tin với Flynn; cộng đồng tình báo và an ninh quốc gia sẽ tiếp tục phản đối ông ta - nguồn tin từ Nhà Trắng cho hay. Phó Tổng thống Mike Pence cũng bất bình với việc Flynn không nói với ông sự thật và đã bày tỏ sự phật ý này với Tổng thống.
Một nhân vật thường trao đổi với ông Trump cho biết Tổng thống đã rất lưỡng tự với quyết định “trảm” tướng Flynn bởi ông không muốn “sa thải những người trung thành”. Đến tận tối13/2, tân chủ nhân Nhà Trắng vẫn còn băn khoăn về quyết định này. “Tổng thống vốn nổi tiếng là người thường đưa ra câu 'Anh bị sa thải’, nhưng trong vụ này thì ông ấy thực sự không muốn”, nguồn tin cho biết trên Politico.
Flynn từ lâu đã là một nhân vật tranh cãi trong cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ. Có tin nhiều cố vấn của ông Trump không ưa ông Flynn. Mặc dù vậy, nhân vật này rất thân cận với chiến lược gia trưởng Steve Bannon – nhà chiến lược quyền lực, đứng sau nhiều quyết định quan trọng của Tổng thống.