Tại sao thời tiết lạnh bất thường ở Texas có thể gây khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu?

Sự cố mất điện do thời tiết lạnh giá ở một số bang ở Mỹ, đặc biệt là Texas, có thể sẽ gây ra cú sốc cho thị trường dầu mỏ toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Texas sản xuất nhiều dầu và khí đốt nhất Mỹ. Ảnh: Getty Images

Theo Bloomberg, khu vực Texas đang trải qua những ngày lạnh giá chưa từng có, gây mất điện, ảnh hưởng tới ngành sản xuất dầu, khiến Mỹ không thể đưa ra thị trường 4 triệu thùng dầu/ngày, tức gần 40% sản lượng dầu thô của cả nước. Khi một trong những trung tâm lọc dầu lớn nhất thế giới đã giảm mạnh sản lượng, con đường giúp dầu của Mỹ tới khắp thế giới đã bị gián đoạn trong phần lớn tuần này.

Các chuyên gia dự báo thời tiết kiểu này sẽ khiến ngành sản xuất dầu ở Texas gián đoạn nhiều ngày, nếu không muốn nói là nhiều tuần khi thiết bị đều đóng băng, thiếu điện để hoạt động.

Texas sản xuất dầu và khí đốt nhiều nhất Mỹ nhưng các nhà sản xuất không quen xử lý nhiệt độ đóng băng như hiện nay. Nhiều nhà máy lọc dầu đã phải đóng cửa. Trước đây, hiếm khi nào thời tiết lại ảnh hưởng tới ngành sản xuất dầu ở khu vực này như vậy.

Đường đóng băng ở khu vực sản xuất dầu đá phiến Permian khiến xe không thể vận chuyển mọi thứ. Mất điện cũng khiến mọi vòi bơm dầu đều ngừng hoạt động. Thiết bị đầu giếng dầu đóng băng. Dịch vụ mạng internet để gửi dữ liệu cũng mất.

Ông Ben Luckock, đồng giám đốc giao dịch dầu tại tập đoàn hàng hóa Trafigura, nói: “Thị trường đang đánh giá thấp sản lượng dầu thiếu hụt ở Texas do thời tiết xấu”.

Giá dầu Brent tăng thêm 25 xu, lên 65 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 17/2. Đây là mức chưa từng xảy ra từ cuối tháng 1. Cách đây 10 tháng, giá dầu đã giảm xuống dưới 16 USD/thùng vì cú sốc do COVID-19 gây ra.

Trước đây, gián đoạn sản xuất dầu do thời tiết phần lớn chỉ là vấn đề của Mỹ. Giờ nó lại trở thành vấn đề toàn cầu. Các thị trường dầu thô ở châu Âu đang tăng giá khi các nhà giao dịch đang tìm kiếm nguồn thay thế do sản lượng dầu thiếu hụt từ Mỹ. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và đồng minh phải quyết định sẽ găm hàng triệu thùng dầu trong bao lâu nữa.

Thời tiết lạnh giá và tình trạng mất điện ở Texas kéo dài hơn dự báo. Các nhà phân tích đang cố gắng dự báo xem cần bao lâu để tan băng giá ở các cơ sở sản xuất dầu, đặc biệt là ở khu vực mà thời tiết chưa bao giờ lạnh như hiện nay.

Lúc đầu, các chuyên gia cho rằng việc gián đoạn sản xuất dầu ở Mỹ sẽ kéo dài từ 2 tới 3 ngày. Nhưng hiện nay, dường như mọi việc khó có thể bắt đầu khôi phục trước cuối tuần này.

Điều đó có nghĩa là thị trường dầu toàn cầu sẽ còn thiếu hụt ngày càng nhiều dầu hơn. Tập đoàn Citigroup dự báo sẽ thiếu hụt 16 triệu thùng dầu cho tới đầu tháng 3, nhưng một số nhà giao dịch ước tính con số đó giờ đã gần gấp đôi. Phần lớn hoạt động sản xuất ở khu vực mỏ dầu Permian lớn nhất ở Mỹ đã ngừng trệ.

Do đó, giá dầu thô đã tăng ở các khu vực trên thế giới. Các nhà giao dịch Biển Bắc đã vội vã mua dầu ở khu vực này trong tuần để thay thế cho dầu Mỹ xuất khẩu thiếu hụt. Dầu châu Âu ngày càng đắt hơn, người mua ở châu Á cũng phải mua các tàu dầu Trung Đông với giá cao hơn.

Và mặc dù giá dầu thô giao sau đang ở mức cao nhất trong vòng hơn một năm, nhưng mức giá này vẫn chưa đủ cao để bù được khoản thiệt hại do ngừng hoạt động lọc dầu. Khoản thiệt hại này cũng lớn không kém.

Nhà máy lọc dầu lớn nhất Mỹ đã đóng cửa, khiến ít nhất 3 triệu thùng dầu/ngày không ra được thị trường. Các nhà giao dịch đang vội vàng gửi hàng triệu thùng dầu diesel xuyên Đại Tây Dương sang Mỹ. Đây có thể là cú hích tiềm năng cho ngành lọc dầu đang suy giảm ở châu Âu.

Ông Kitt Haines, nhà phân tích tại công ty tư vấn Energy Aspects, nhận định động thái này, ít nhất là trong ngắn hạn, có thể hỗ trợ ngành lọc dầu châu Âu.

Chú thích ảnh
Mọi thứ đều đóng băng. Ảnh: Newsplinters

Trong những tuần tới đây, ngành nhiên liệu của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Không chỉ sản xuất xăng bị giảm mạnh do mất điện tại các nhà máy lọc dầu, mà các mặt hàng năng lượng khác cũng sẽ suy giảm. Dự báo nhiên liệu sưởi ấm như propane và diesel (hai loại nhiên liệu có nhu cầu tăng trước khi xảy ra tình trạng thời tiết xấu như hiện nay) sẽ giảm mạnh.

Tất cả những yếu tố trên khiến Saudi Arabia và đồng minh thuộc OPEC đang rất quan tâm tới dự báo thời tiết ở Texas.

OPEC chưa quyết định kế hoạch sản lượng của tháng 4 nhưng nhà sản xuất dầu lớn nhất OPEC đầu năm nay đã khiến thị trường dầu ngạc nhiên khi cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 3. Điều này diễn ra khi thị trường đang cần thêm dầu.

Ông Gary Ross, Giám đốc quỹ đầu tư tại Black Gold Investors, nói: “Thị trường đang biến thành một con thú hoang để OPEC+ kiểm soát. Thời tiết đang có ảnh hưởng khó tin tới cung và cầu thế giới với dầu mỏ”.

Mặc dù vậy, thời tiết cũng sẽ khá dần lên. Ngày 19/2, dự báo nhiệt độ ở khu vực Midland – thủ phủ khu vực sản xuất dầu đá phiến - sẽ lên 7 độ C. Nhiệt độ này sẽ tăng lên 13 độ C vào ngày 20/2, cho phép khởi động lại hoạt động sản xuất dầu thô. Ngày 15/2, nhiệt độ ở Midland là -18 độ C, thấp nhất trong hơn 30 năm qua.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều thứ chưa rõ về việc hoạt động sản xuất dầu sẽ mất bao lâu để khôi phục lại hoàn toàn. Ông Paul Horsnell, trưởng nhóm nghiên cứu hàng hóa tại Standard Chartered nhận định: “Bằng chứng từ lần đóng băng sản lượng dầu ở Permian gần đây nhất là có thể khôi phục rất nhanh, nhưng các nhà máy lọc dầu lại dễ bị tổn hại kéo dài”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Ngoại trưởng Mỹ họp ‘Bộ Tứ’ trực tuyến với Australia, Nhật Bản, Ấn Độ
Ngoại trưởng Mỹ họp ‘Bộ Tứ’ trực tuyến với Australia, Nhật Bản, Ấn Độ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tổ chức họp trực tuyến vào ngày 18/2 với những người đồng cấp Australia, Nhật Bản và Ấn Độ trong khuôn khổ hợp tác Bộ Tứ (QUAD).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN