Cuộc sống ở thủ đô Damascus gần như bế tắc, đường phố gần như vắng bóng xe hơi, các hộ gia đình chỉ được dùng điện vài giờ mỗi ngày, giá thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác tăng chóng mặt.
Nỗi đau kinh tế ngày càng nặng nề đã dẫn đến các cuộc biểu tình ở các khu vực do chính phủ của Tổng thống Bashar Assad kiểm soát, đôi khi vấp phải phản ứng bạo lực.
Dưới đây là lý do tại sao tình hình kinh tế trở nên tồi tệ như vậy và những tác động tiềm ẩn, theo đánh giá của hãng tin AP:
Khủng hoảng kinh tế Syria xấu đến mức nào?
Đồng bảng Syria đã chạm mức thấp nhất mọi thời đại là 7.000 bảng/1 USD trên thị trường chợ đen vào tuần trước, trước khi tăng trở lại khoảng 6.000 bảng. Đây là một sự sụt giảm đáng kể, so với tỷ giá khoảng 3.600 bảng/1 USD mới một năm trước. Ngân hàng trung ương Syria đã tăng tỷ giá hối đoái chính thức tỷ giá từ 3.015 lên 4.522 bảng/1 USD vào ngày 2/1/2023, dường như nhằm khuyến khích người dân sử dụng tỷ giá chính thức thay vì giao dịch ngoài chợ đen.
Trong bối cảnh thiếu nhiên liệu, chính phủ đã tăng giá xăng và dầu diesel. Theo giá chính thức, 20 lít xăng hiện có giá gần bằng cả tháng lương của một công chức trung bình, khoảng 150.000 bảng Syria - chỉ tương đương 25 USD theo giá chợ đen. Một số nhân viên đã nghỉ làm vì không đủ tiền đi lại.
Joseph Daher, một nhà nghiên cứu người Thụy Sĩ gốc Syria, giáo sư tại Viện Đại học châu Âu (ở Italy), cho biết vì tiền lương không đáp ứng được chi phí sinh hoạt nên hầu hết mọi người “sống bằng tiền gửi về, họ sống bằng cách làm hai hoặc ba việc, hay nhờ hỗ trợ nhân đạo”.
Ông Geir Pedersen, đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) vào ngày 21/12 rằng “nhu cầu của người dân Syria đang được đáp ứng ở mức tồi tệ nhất kể từ khi xung đột bắt đầu” hơn một thập kỷ trước.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở một số khu vực do chính phủ kiểm soát, đặc biệt là ở các thị trấn Sweida và Daraa ở miền nam.
Điều gì đã khiến tình hình trầm trọng hơn?
Ngoài nhiều năm chiến tranh, lệnh trừng phạt và nạn tham nhũng tràn lan, nền kinh tế Syria đã trải qua một loạt cú sốc kể từ năm 2019, bắt đầu với sự sụp đổ của hệ thống tài chính của Liban vào năm đó.
Nasser Saidi, cựu Bộ trưởng Kinh tế Liban, cho biết: “Với đường biên giới rộng mở giữa Syria - Liban và cả hai nền kinh tế này (đang) ngày càng dựa vào tiền mặt", thị trường của họ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Đồng tiền sụp đổ và việc xóa bỏ trợ cấp ở Liban đã gây mất giá tiền và đẩy giá cả tăng cao hơn ở Syria.
Syria cũng bị tổn thương bởi suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra và cuộc xung đột ở Ukraine, khiến giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao, cũng như kéo cả sự quan tâm lẫn nguồn lực của Nga rời khỏi Syria.
Các nhà phân tích cho biết, yếu tố quan trọng nhất là sự giảm sút gần đây với các chuyến hàng vận chuyển dầu từ Iran, vốn là nguồn nhiên liệu chính của Damascus kể từ những năm đầu của cuộc xung đột. Trước chiến tranh, Syria là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. Còn giờ đây, mỏ dầu lớn nhất của nước này, nằm ở miền Đông, đang được kiểm soát bởi các nhóm người Kurd do Mỹ hậu thuẫn, vì vậy Damascus phải nhập khẩu dầu.
Nhà kinh tế Jihad Yazigi, Tổng biên tập của ấn phẩm Syria Report, lưu ý rằng Damascus mua dầu từ Iran dưới hình thức tín dụng, nhưng “khi bán dầu ra thị trường, họ bán nó để lấy tiền mặt”. Vì thế, nguồn cung dầu giảm cũng làm giảm nguồn cung tiền mặt của chính phủ.
Bộ trưởng Dầu mỏ Syria Bassam Toamah, phát biểu trên truyền hình nhà nước hồi tháng 11/2022, đổ lỗi tình trạng thiếu nhiên liệu là do lệnh trừng phạt của phương Tây và tình trạng chậm trễ kéo dài trong hoạt động cung cấp dầu.
Tình hình tại các vùng do phe đối lập kiểm soát
Hàng năm, cư dân các trại cư trú tạm ở thành trì cuối cùng do phiến quân chiếm giữ tại tỉnh Idlib phía Tây Bắc Syria phải hứng chịu những cơn bão và thời tiết lạnh giá.
Mùa đông năm nay, họ cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tình trạng giá cả tăng cao và viện trợ bị thu hẹp do cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, một cuộc tranh cãi lại tái diễn giữa Nga và các bên quốc tế khác về việc cho phép viện trợ vượt qua biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ vào tây bắc Syria đang diễn ra tại LHQ.
Cơ chế viện trợ xuyên biên giới dự kiến hết hạn trong tuần tới. Một cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an LHQ để gia hạn cơ chế này đã được lên kế hoạch diễn ra trước đó một ngày. Các tổ chức nhân đạo đã cảnh báo một bức tranh thảm khốc về hậu quả của việc cắt đứt hỗ trợ xuyên biên giới Syria.
Nguy cơ một cuộc nổi loạn khác?
Các nhà phân tích cho biết nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục, có thể sẽ có nhiều cuộc biểu tình hơn.
Giáo sư Daher lưu ý rằng các cuộc biểu tình gần đây đã bị phân mảnh và cục bộ. Theo ông, hiện tại Syria có thể sẽ tiếp tục khó khăn, bấp bênh với sự trợ giúp của viện trợ và kiều hối từ nước ngoài. "Người dân đang rất mệt mỏi và suy nghĩ đầu tiên là phải sống sót", ông nói.