Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Theo đài RT, Nga và Trung Quốc đã có cùng quan điểm phản đối Washington tiếp tục giữ vị thế số 1 thế giới. Hai nước này cũng có cùng quan điểm trong cách giải quyết nhiều vấn đề như cuộc chiến ở Syria, cuộc khủng hoảng Triều Tiên hay phản đối Mỹ dùng vũ lực để đạt các mục tiêu địa chiến lược.
Trả lời về mối quan hệ giữa hai bên, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Lý Huy ca ngợi mối quan hệ Nga-Trung là mối quan hệ “tốt đẹp nhất trên thế giới”. “Mối quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện là những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới và hơn thế nữa, đó là những mối quan hệ tốt đẹp nhất giữa các nước lớn”, ông Lý Huy nói tại một sự kiện trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bình luận của ông Lý Huy “chỉ là một nửa sự thật” bởi quan hệ thực sự giữa hai nước còn phức tạp hơn nhiều.
“Đây chỉ là một dạng ngôn ngữ ngoại giao. Trung Quốc có mối quan hệ mật thiết với rất nhiều quốc gia. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc là tiếp cận nhiều mặt và đa phương do đó nếu nói rằng quan hệ mật thiết với một quốc gia khác là điều quan trọng nhất (đối với Trung Quốc) là không hoàn toàn đúng”, RT dẫn lời nhà kinh tế học Sergey Lukonin thuộc Viện Các mối quan hệ quốc tế và Kinh tế thế giới nói.
Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Quan hệ quần chúng Nga Yuri Tavrovsky nhận định rằng quan hệ Nga – Trung mới chỉ ấm ở phần trên còn phần dưới lại nguội lạnh. Ông ám chỉ tới mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo là Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dù hai nước vẫn chưa thiết lập mối quan hệ kinh tế nền tảng.
Tuy nhiên, trên mặt trận chính trị, Nga và Trung Quốc lại có chung quan điểm trong các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoài ra, hai nước còn hợp tác để loại bỏ việc sử dụng đồng USD trong hoạt động thương mại song phương, làm ưu thế của đồng USD bị suy giảm trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Trả lời RT, nhà tư vấn đầu tư tại Hong Kong (Trung Quốc), cũng là nhà chiến lược về Trung Quốc Andrew K P Leung cho rằng sự hình thành quan hệ mật thiết Nga - Trung sẽ tạo ra nhiều ưu thế chiến lược giúp hai nước đối phó với mối đe dọa chung là nước Mỹ và sự khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Trung Quốc vẫn coi chiến lược của Mỹ là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một ví dụ là chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ tập trung vào chuyển 60% vũ khí hải quân trên toàn cầu về khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ cũng nắm quyền kiểm soát eo biển Malacca, nơi các chuyến tàu thương mại và chở dầu của Trung Quốc qua lại thường xuyên. Quân đội Mỹ cũng hiện diện với số lượng lớn ở chuỗi đảo thứ nhất và thế hai bao vây Trung Quốc. Mỹ còn tăng cường quan hệ liên minh quân sự với các nước láng giềng sát Trung Quốc như Nhật Bản và Australia”, RT dẫn lời ông Leung.
Tuy vậy, ông Leung tin rằng dù cùng là đồng minh trước sức ép từ phía Mỹ, Nga và Trung Quốc khó có thể tiến tới liên minh quân sự. Còn chuyên gia Tavrovsky thì tin rằng một liên minh chính trị và quân sự giữa Bắc Kinh và Moskva có thể được thiết lập nếu Mỹ cố tình gia tăng sức ép với Trung Quốc để ngăn chặn Bắc Kinh theo đuổi tầm nhìn toàn cầu trong tương lai.