Giới chức Saudi Arabia cho biết nguyên nhân dẫn đến căng thẳng ngoại giao giữa quốc gia này và Canada bắt nguồn từ việc Bộ Ngoại giao Canada đăng nhiều lần trên mạng xã hội Twitter đề nghị thả các nhà hoạt động nhân quyền người Saudi Arabia.
Ngày 6/8, Saudi Arabia cáo buộc Canada can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia này khi Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland kêu gọi “thả tự do ngay lập tức” nhà hoạt động nhân quyền người Saudi Arabia Samar Badawi và một số cá nhân khác.
Tuy nhiên, hãng tin Al Jazeera (Qatar) dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng căng thẳng ngoại giao này không chỉ đơn giản xoay quanh các nội dung trên Twitter mà thực chất là “cảnh báo” của Saudi Arabia tới các quốc gia khác về hậu quả của việc phản đối tình trạng nhân quyền của Riyadh.
Phó giáo sư Thomas Juneau tại Đại học Ottawa (Canada) đánh giá các nội dung đăng Twitter của Ngoại trưởng Canada thực chất chỉ “châm ngòi lửa” cho mối quan hệ vốn tồn tại nhiều thất vọng giữa Canada và Saudi Arabia.
Điển hình là việc chính quyền Thủ tướng Canada âm thầm cắt thỏa thuận vũ khí năm 2016 trị giá 11 tỷ USD với Saudi Arabia khiến Riyadh bất bình.
Bên cạnh đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Denver (Mỹ) – ông Nader Hashemi cho rằng căn nguyên dẫn đến khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa Canada và Saudi Arabia và Thái tử Mohammed bin Salman.
Theo đánh giá của ông Nader Hashemi, Thái tử Mohammed bin Salman đang muốn thể hiện bản thân là một nhà cải cách ở quê nhà trong khi trên trường quốc tế ông lại áp dụng chính sách cứng rắn. Thái tử Mohammed bin Salman được cho là đã nhúng tay vào việc Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Yemen đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vào ngày 5/6/2017.
Ông Hashemi đánh giá qua xích mích ngoại giao với Canada Thái tử Mohammed bin Salman đã “vẽ đường ranh giới trên cát” về phương thức để các quốc gia quan hệ với Saudi Arabia.
Trong căng thẳng ngoại giao với Canada, Saudi Arabia còn "động chạm" đến lĩnh vực giáo dục. Saudi Arabia đề ra thời hạn 1 tháng để các du học sinh quốc gia này rời khỏi Canada. Riyadh hứa hẹn sẽ đảm bảo cho các du học sinh này chỗ học mới ở Saudi Arabia hoặc quốc gia khác.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Canada, riêng trong năm 2015, tổng cộng có 11.650 sinh viên Saudi Arabia đang theo học chương trình dài hạn tại Canada. Bên cạnh đó, có 5.622 sinh viên theo học diện ngắn hạn.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin Canada đang tìm đến Anh, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) để hỗ trợ hòa giải với Saudi Arabia. Tuy nhiên Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã công khai: “Chẳng có gì để hòa giải. Đã có sai lầm và cần có sửa chữa”.
Chiều 8/8, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Ngoại trưởng Canada trong tuần này đã thảo luận với người đồng cấp Saudi Arabia và “đàm phán ngoại giao vẫn tiếp diễn”.
Tuy nhiên, ông Juneau dự đoán trong thời gian tới tình hình căng thẳng sẽ khó thay đổi nhanh chóng bởi Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman không sẵn sàng lùi bước.
Về phần Canada, cuộc bầu cử liên bang sẽ diễn ra trong năm 2019, điều này được dự đoán sẽ phần nào tác động khiến Thủ tướng Trudeau áp dụng chủ trương có thể “lấy lòng” được nhiều cử tri nhất về Saudi Arabia.